Bên cạnh các tiêu chí về khả năng cung ứng, giá cả, chất lượng... thì vấn đề môi trường hiện tại cũng rất được xem trọng |
Cách đây hai năm, khi vụ việc Cty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải bị phát hiện, đã có không ít người tiêu dùng tỏ thái độ bằng cách tẩy chay các sản phẩm bột ngọt, bột nêm của Vedan.
Bài học từ Vedan
Tuy nhiên, do nhận thức về bảo vệ môi trường và quyền người tiêu dùng còn hạn chế nên những hành động trên còn lẻ tẻ, không gây được áp lực đáng kể lên DN này. Thế nhưng, vào giữa năm 2010, với sự vào cuộc của các siêu thị lớn, tiểu thương các chợ truyền thống và nhiều DN bán lẻ khác, sản phẩm của Vedan trở thành một trong những mặt hàng đầu tiên tại VN bị dỡ khỏi kệ hàng vì lý do vi phạm môi trường, không phải vì chất lượng hay độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hành động đó đã góp phần làm DN "chây ỳ" này nhanh chóng đền bù thiệt hại cho hàng ngàn nông dân, không phải lôi kéo nhau ra hầu tòa. Điều này chứng tỏ, người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa để mua không hoàn toàn là chất lượng, giá cả mà còn ở những tiêu chí khác mà DN ngày nay cần phải quan tâm.
Ông Lâm Quang Hưng - Giám đốc siêu thị Vinatex Biên Hòa 2 cho biết, quan niệm lựa chọn nhà cung ứng hàng hóa của hệ thống Vinatex khá rõ ràng. Theo đó, bên cạnh các tiêu chí về khả năng cung ứng, giá cả, chất lượng... thì vấn đề môi trường hiện tại cũng rất được xem trọng. Nếu DN vi phạm, hàng hóa của họ rất có khả năng sẽ bị dỡ xuống khỏi kệ hàng.
Ông Lê Xuân Trường - Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai, phân tích: "Tại VN trước đây, xu hướng tiêu dùng xanh, chọn lựa những sản phẩm trong quá trình sản xuất thân thiện với môi trường chưa có thói quen trong mua sắm. Song thời gian gần đây xu hướng này bắt đầu được quan tâm, thể hiện qua việc hàng hóa của vài DN đã bị tẩy chay khi có vấn đề vi phạm về môi trường, chất lượng...". Theo đó, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tẩy chay, từ chối sản phẩm khi DN có những vi phạm liên quan đến cộng đồng, có hành vi xấu gây hại cho con người, môi trường, lợi ích quốc gia... trong quá trình sản xuất sản phẩm.
Thân thiện môi trường là giá trị quan trọng
"Vũ khí" nguy hiểm nhất mà người tiêu dùng có thể sử dụng là từ chối mua một loại sản phẩm nào đó có vấn đề về độ an toàn, chất lượng hay gây hại cho môi trường sống. Khi cần thiết, họ cũng có thể biểu tình hay phát biểu trên các phương tiện truyền thông để bày tỏ quan điểm của mình về một sản phẩm nào đó. Với cách này, người tiêu dùng ở nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil... đã buộc nhiều Cty đa quốc gia phải nhượng bộ. Ở VN, do nền kinh tế thị trường phát triển chưa lâu nên những quyền căn bản này chưa được người tiêu dùng ứng dụng thường xuyên. Tuy nhiên, với nhiều DN có định hướng làm ăn bài bản, lâu dài thì tạo ra những sản phẩm có "tiếng tốt" về bảo vệ môi trường cũng là một lợi thế để cạnh tranh.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com