Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường phần mềm diệt virus: Cạnh tranh gia tăng, khách hàng hưởng lợi

Ảnh chụp tại trung tâm mua sắm điện máy Nguyễn Kim, Hà Nội, nơi bán nhiều sản phẩm phần mềm diệt virus. Ảnh: Thanh Hải.

Năm 2010 này là năm khá sôi động của thị trường phần mềm diệt virus ở Việt Nam. Nhiều phần mềm diệt virus ngoại mới đã xuất hiện ở Việt Nam, những nhà cung cấp phần mềm nội hoặc phần mềm ngoại khác đã vào thị trường thì tăng cường hệ thống phân phối cũng như tìm mọi cách để giữ hoặc gia tăng thị phần…

Ngày càng có nhiều hàng ngoại

Hãng Avira (Đức) là “lính ngoại” mới nhất khi vừa tham gia thị trường Việt Nam bằng việc chỉ định nhà phân phối là Công ty Dịch vụ Cây Dù Đỏ và đưa sản phẩm vào thị trường vào cuối tháng Chín vừa qua.

Hồi giữa năm nay, hãng phần mềm bảo mật Panda (Tây Ban Nha) cũng chính thức vào Việt Nam sau 20 năm hoạt động với các văn phòng ở hơn 195 quốc gia. Panda đã cho ra mắt phần mềm diệt virus dành cho người sử dụng cá nhân và đại diện chính thức khu vực Đông Dương là Công ty Panda Security.

Vài năm trước, khi thâm nhập thị trường Việt Nam, hãng Symantec (Mỹ) chú ý nhiều đến việc cung cấp giải pháp an ninh - bảo mật, phần mềm diệt virus Norton Antivirus cho khối khách hàng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ, mà chưa mấy quan tâm đến phân khúc người sử dụng cá nhân. Hãng này mới chỉ thực sự quan tâm đến đối tượng khách hàng này khoảng 2-3 năm nay. Đến nay, Symantec đã có ba nhà phân phối ở Việt Nam.

Theo nhận xét của các cửa hàng phân phối, phần mềm diệt virus Kaspersky đang là sản phẩm bán được nhiều nhất trong các sản phẩm ngoại nhờ chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp cũng như sớm có sản phẩm sử dụng tiếng Việt.

Không có nhiều hoạt động như Symantec hay Kaspersky nhưng McAfee, BitDefender và Trend Micro… cũng đã thiết lập kênh phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hãng này chưa có nhiều động thái có thể gây sức hút đối với người tiêu dùng.

Hàng nội tìm cách làm chủ sân nhà

Để đối phó với các thương hiệu ngoại, các thương hiệu phần mềm diệt virus Việt như Bkav và CMC đang ra sức củng cố thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong doanh nghiệp được công bố vào giữa năm nay (trên cơ sở điều tra các doanh nghiệp ở 63 tỉnh thành trong cả nước) cho thấy: phần mềm diệt virus Bkav được 74% các doanh nghiệp lựa chọn, Kaspersky đứng thứ hai với 13%, thứ ba là Norton Antivirus với 9%...

Mặc dù số liệu của cuộc điều tra này cho thấy Bkav đang có thị phần dẫn đầu, nhưng thời gian gần đây, thương hiệu này vẫn chọn cách tiếp cận thị trường tương đối bài bản như cách tiếp cận của một số mặt hàng tiêu dùng thông thường (cho khách mua phần mềm có cơ hội trúng máy tính Sony Vaio, điện thoại Nokia E72…) và chấp nhận bỏ ra một khoản ngân sách lớn để quáng bá trên truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như họp báo khi có các sự kiện lớn.

Nói về khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại, cả ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc BKIS (Bkav), và ông Triệu Trần Đức, Giám đốc Công ty cổ phần An ninh-An toàn thông tin CMC, đều cho rằng phần mềm diệt virus nội hoàn toàn có khả năng cạnh tranh về công nghệ cũng như giá cả. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu ngoại thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn, và do mỗi doanh nghiệp có chiến lược cạnh tranh khác nhau nên sẽ thu hút một đối tượng khách hàng riêng.

Người sử dụng được lợi

Ông Quảng nhận xét: “Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 1,5 triệu máy tính mới được bán ra. Hiện có hơn 20 triệu người đang sử dụng máy tính. Trong đó có khoảng 10 triệu máy tính có kết nối Internet và có nhu cầu sử dụng phần mềm diệt virus. Đây là một thị trường lớn và tiềm năng cho các nhà cung cấp sản phẩm”.

Do vào thị trường sau nên Avira đã xây dựng mức giá bán khá cạnh tranh, 150.000 đồng cho một phiên bản phần mềm diệt virus. Để thu hút người sử dụng, từ 1-10 đến 7-10, hãng này đã tặng 1.000 bản Avira Premium Security Suite có bản quyền ba tháng khi khách hàng đăng ký mua sản phẩm tại trang web www.caydudo.com. Và để tiếp cận mạnh hơn thị trường Việt Nam, Avira dự kiến sẽ cung cấp phiên bản tiếng Việt vào cuối năm sau.

Panda đã đặt ra mục tiêu khá tham vọng khi cho biết: “Mục tiêu của Panda là trở thành một trong số phần mềm diệt virus hàng đầu ở thị trường Việt Nam và Đông Dương”. Hãng này đã xây dựng giá bán phần mềm rẻ hơn cả, Panda AV có giá 110.000 đồng.

Có lẽ cũng do áp lực cạnh tranh, hãng Kaspersky đã giảm giá bán sản phẩm từ 200.000 đồng xuống còn 150.000 đồng. Ngoài việc giảm giá, Việt hóa, Kaspersky còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi bán giảm giá 10.000 bản quyền cho đối tượng học sinh, sinh viên…

Phần mềm Bkav được bán với giá 299.000 đồng, nhưng có thể gần đây trước sự cạnh tranh của các đối thủ, Bkav đã đưa ra những chương trình khuyến mãi giảm giá như: khách mua ba sản phẩm thì giá sẽ chỉ còn 199.000 đồng cho mỗi sản phẩm…

Không tham gia cạnh tranh bằng cách giảm giá và khuyến mãi, Symantec lại muốn chứng tỏ về năng lực công nghệ. Trong khi các hãng mới cung cấp những phiên bản phần mềm diệt virus của năm 2010 thì Symantec đã cho ra mắt Norton 2011 với nhiều tính năng mới.

Như vậy, trước cuộc cạnh tranh của các thương hiệu, người sử dụng có thể mua được những phần mềm diệt virus không chỉ có giá bán ngày càng rẻ mà còn có chất lượng ngày một nâng cao.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Tái cấu trúc: lúc nào, vì sao, thế nào?
  • Michael O’Leary: 'Khách hàng không là thượng đế'
  • Tín đồ hàng hiệu của thế giới
  • Top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam năm 2010
  • 5 nguyên tắc để trở thành tỉ phú
  • IBM lợi nhuận quý 3 vượt dự báo
  • Cần hướng nhiều vào thị trường trong nước
  • Ăn nên, làm ra nhờ tái chế “rác” điện tử
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com