Một chủ nhà hàng kinh doanh ẩm thực đầu tiên ở khu phố Lê Quý Đôn cho biết, thời điểm này là thời “thịnh” của con phố Lê Quý Đôn. Thực ra con đường này trước đây chỉ có vài nhà hàng, quán ăn. Nhưng nay, con phố chỉ dài chưa đến một cây số nhưng có tới hơn 20 nhà hàng, quán ăn, quán cà phê lớn nhỏ.
Lợi thế của đường Lê Quý Đôn là có nhiều ngôi biệt thự khá đẹp, thuận lợi cho việc mở quán ăn, cà phê, nhà hàng. Sự ra đời của các quán ăn, nhà hàng với các món ăn được đầu tư kỹ đã tạo được bản sắc riêng cho con phố này. So với các khu phố ẩm thực khác, Lê Quý Đôn có thực khách khá chọn lọc, phần đông là dân kinh doanh, Việt kiều hay khách nước ngoài.
Xuất hiện sớm nhất có thể kể đến quán Cây Tre (năm 1992) với kiểu nhà cổ sân vườn, bán những món ăn truyền thống như bún bò, mì Quảng, bún thang, bánh khọt, miến lươn… Sau đó nhà hàng đa dạng nhiều món ăn hơn với thực đơn vài trăm món cho tất cả mọi khẩu vị. Rồi năm 1996 có thêm nhà hàng Ngọc Sương chuyên bán hải sản tươi sống. Sau nữa có Au Manoir De Khai chuyên phục vụ món ăn Âu. Bắt đầu từ năm 2002 có thêm sự xuất hiện của nhà hàng Việt Phố chuyên về các món ăn dân dã của các địa phương Việt Nam, nhà hàng Phố Xưa với nhiều món ngon thuần Việt, nhà hàng Spice phục vụ các món ăn Thái, Tràng An (nay là Phố Mới) phục vụ các món ăn miền Bắc, quán Dzoãn (nay đã dời địa điểm) phục vụ nhiều món Việt Nam 3 miền, rồi Dáng Xưa, Bún Việt… Hàng loạt các quán ăn, nhà hàng mới tiếp tục ra đời trên con phố này, đối tượng thực khách mở rộng hơn sang giới trẻ, doanh nhân, văn phòng... Hai năm trở lại đây hoạt động kinh doanh tại con phố này bỗng sôi động hẳn lên với hàng loạt cái tên mới xuất hiện như Marina (chi nhánh của Ngọc Sương), Yến Ngư, Ngói Đỏ, Nhà Tôi, Phở Ta, We… với nhiều phong cách ẩm thực khác nhau. Lê Qúy Đôn trở thành địa điểm kinh doanh ẩm thực lý tưởng trong mắt nhiều nhà đầu tư. Có lẽ triết lý “buôn có bạn, bán có phường” vẫn luôn luôn đúng!
Chen vào đã khó, trụ lại còn khó hơn
Một ưu điểm của con phố này được các nhà kinh doanh ẩm thực nhìn nhận đó là: ở khu trung tâm, đường hai chiều, không xô bồ như những con phố khác và mặt bằng khá đẹp (phần lớn là nhà biệt thự và hầu như không có nhà phố).
Để tìm được mặt bằng kinh doanh tại phố Lê Quý Đôn có khi phải mất vài năm, trong khi giá thuê ngày một tăng. |
Tuy nhiên, theo chủ nhân một nhà hàng trên phố này thì để thuê được mặt bằng đã khó, nhưng trụ vững lại càng khó hơn. Rất hiếm nhà hàng có được giá thuê mặt bằng thấp, ổn định, thời gian thuê dài. Đa phần các ông chủ mới đều than trời vì giá thuê mặt bằng quá cao và luôn có khuynh hướng năm sau cao hơn năm trước. So với giá thuê mặt bằng của năm 2007 thì hiện tại giá thuê đã tăng thêm 30 - 50%. Trung bình một căn biệt thự một trệt với một lầu tại đây có giá thuê khoảng 15.000 USD/1 tháng. Những mặt bằng hạng phổ biến ở khu phố này, diện tích tương đương 8m x 10m, có giá thuê khoảng 7.500USD – 9.000USD/1 tháng. Theo chủ một nhà hàng, đối với loại hình kinh doanh ẩm thực thì giá thuê như vậy được coi là khá cao. Do giá thuê mặt bằng cao dẫn đến giá cả các món ăn ở khu vực này vì thế cũng cao hơn một số nơi khác, từ đó khó thu hút khách hàng. Thực tế này khiến chủ nhiều nhà hàng ở đường Lê Quý Đôn phải “đau đầu” bởi khu vực cận kề như Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch cũng có rất nhiều nhà hàng, quán ăn với giá cả tương đối vừa phải do chi phí thuê mặt bằng thấp hơn nhiều.
Đã có nhiều nhà hàng phải chuyển nhượng hoặc biến mất một cách nhanh chóng như Tràng An sang lại cho Phố Mới; nhà hàng Phố Đông cũng 3 lần đổi chủ; Bún Việt đổi lại là Phở Ta… Và Phở Ta, sau một thời gian khai trường rầm rộ, giờ đây cũng đã “cắt bớt” một phần đất để kinh doanh cà phê. Bất chấp thực tế này, theo một chủ chuyên kinh doanh bất động sản ở đường Lê Quý Đôn, để tìm được một mặt bằng kinh doanh ẩm thực tại đây hiện cũng không phải dễ, có khi phải đợi đến vài năm, trong khi giá thuê ngày một tăng.
(Theo Phạm Phượng // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com