Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

YouTube - Làm việc ảo, kiếm tiền thật

Từ khi YouTube ra đời cách đây 3 năm, làm các video clip trực tuyến vẫn chỉ là thú vui lúc rảnh rỗi của hàng triệu dân nghiền mạng. Nhưng đến bây giờ, nó đã trở thành cách kiếm tiền thực sự đáng kể đối với không ít người.

Nghề nghiệp: Làm video hài

Michael Buckley và chương trình
"What the Buck?" - một chương
trình “rất ngớ ngẩn” nhưng rất
hữu ích trong việc giúp anh trả
các khoản nợ.
Ảnh: The New York Times

Cách đây 2 năm, Michael Buckley còn chưa có đường truyền Internet tốc độ cao. Thế mà giờ anh chàng 33 tuổi này lại đang là chủ xị của "What the Buck?" - một chương trình buôn chuyện sao tự biên tự diễn rất ăn khách trên trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube.

Mùa hè năm 2006, Buckley làm thêm ngoài giờ cho một chương trình hàng tuần trên kênh truyền hình công cộng của bang Connecticut với tư cách người dẫn chương trình. Cậu em họ của anh cắt vài đoạn trong chương trình đó để đưa lên YouTube. Và những câu chuyện phiếm vô bổ về các ngôi sao hoá ra lại rất thu hút các công dân mạng.
 

Từ đó Buckley quyết định tự dàn dựng chương trình “What the Buck?” của riêng mình trên YouTube. Anh biết rằng dù chương trình chắc chắn sẽ rất ăn khách trên truyền hình, "nhưng trên YouTube, tôi có đến 100 triệu khán giả. Thật là điên rồ”.

Tất cả trang thiết bị mà Buckley cần để tự mình sản xuất chương trình là một máy ảnh Canon giá 2.000 USD, một tấm vải làm phông giá 6 USD và một cặp đèn chiếu mua ở cửa hàng đồ gia dụng. Chương trình video trực tuyến 3 lần một tuần của anh ăn khách đến nỗi nó đã đem về cho anh hơn 100.000 USD. “Tôi bắt đầu thú vui này đâu phải vì tiền”, anh tâm sự, “thế mà hoá ra nó lại là một điều ngạc nhiên thú vị”.
 

Từ tháng 9 năm nay, Buckley đã bỏ công việc trợ lý hành chính ở  Live Nation, một công ty chuyên về âm nhạc, để toàn tâm toàn ý cho chương trình trực tuyến của mình. Anh thừa nhận chương trình video diễu cợt các ngôi sao của mình “rất ngớ ngẩn”, nhưng nó giúp anh trả nợ thẻ tín dụng, và đó mới là điều quan trọng.

Kiềm tiền và học hỏi lẫn nhau

Cách đây một năm, YouTube bắt đầu kêu gọi các thành viên trở thành “cộng sự” bằng cách cho phép chèn quảng cáo vào các video của họ. Đến nay, những người thành công nhất trong hàng nghìn người tham gia chương trình này đã kiếm được số tiền lên đến 6 con số. Buckley là một trong những thành viên đầu tiên của chương trình có thành phần phong phú từ dân làm video tại nhà đến các công ty truyền thông tiếng tăm. YouTube đặt quảng cáo bằng nhiều hình thức vào video của các cộng sự và họ sẽ nhận được một phần lợi nhuận thu được từ quảng cáo.

 

 

Chad Hurley, người đồng sáng lập YouTube, cho biết: “Có rất nhiều người làm video trong lúc rảnh rỗi. Chúng tôi cảm thấy nếu đem lại cho họ một nguồn thu thật sự, họ sẽ cố gắng trau dồi các kỹ năng để làm ra những sản phẩm ngày càng tốt hơn”. Còn Hunter Walk, Giám đốc quản lý sản phẩm của YouTube, khẳng định: “Chúng tôi muốn biến những sở thích vui vẻ này thành những thương vụ thật sự”.

Lâu nay YouTube vẫn khiến công ty mẹ Google đau đầu vì "có chi mà chưa thấy thu". Website này có lượng truy cập nhiều gấp 10 lần so với bất cứ trang web chia sẻ video nào ở Mỹ, nhưng Google vẫn chưa thu được gì mấy từ nó. Nguyên nhân là do phần lớn video được đưa lên là của những người dùng vô danh, có thể có mà cũng có thể không có bản quyền đối với những nội dung mà họ đưa lên. YouTube đã cắt đi rất nhiều video bất hợp pháp trên website, đồng thời thận trọng với việc đặt quảng cáo chen vào nội dung mà chưa được sự cho phép của chủ nhân nội dung. Hậu quả là chỉ có 3% số video trên trang này là có quảng cáo tài trợ.
 

Rất nhiều cộng sự của Youtube là những công ty truyền thông lớn như Universal Music Group, Sony BMG, CBS và Warner Brothers. Nhưng những người dùng cá nhân vẫn thừa sức cạnh tranh bình đẳng với họ.

Cory Williams, 27 tuổi , một "nhà sản xuất" của YouTube ở California, đã bắt đầu nuôi mộng nổi tiếng với các video trực tuyến từ năm 2005, nhưng phải đến tận tháng 9/2007 anh mới đạt được mục đích với một video nhạc nhái có tên “Bài hát của mèo con xấu tính” (The mean kitty song). Video với hình ảnh của William và chú mèo nghịch ngợm đã thu hút đến 15 triệu lượt xem. Rồi một ngày đẹp trời, video này có thêm hình quảng cáo của Coca-Cola.
 

Williams cho biết anh đang kiếm được 17.000 - 20.000 USD mỗi tháng nhờ YouTube. Một nửa trong số đó có được từ quảng cáo do YouTube đặt, phần còn lại là nhờ tài trợ hoặc hình ảnh sản phẩm xuất hiện trong video, một hình thức quảng cáo anh học lóm được từ truyền thông truyền thống.

Rõ ràng là trên YouTube, các thực thể truyền thông và người dùng đang học hỏi lẫn nhau. Những người như Williams đã học được cách cài cắm hình ảnh sản phẩm vào video, trong khi các công ty danh tiếng lại học cách cài video của mình vào các trang web khác như cách công dân mạng vẫn làm.

Michael Buckley làm việc tại nhà tại Meriden, Connecticut. Ảnh: New York Times

Công thức tạo "sao" mới?

Những người như Buckley và Williams là ví dụ cho thấy ảnh hưởng dân chủ hoá của Internet đối với ngành truyền thông. Những website như YouTube cho phép bất cứ ai có đường truyền mạng tốc độ cao đều có thể có người hâm mộ, chỉ cần đưa sản phẩm của mình lên mạng và quảng bá cho chúng thật nhiệt tình.
 

Tất nhiên chả việc gì là dễ dàng, để có được khán giả trên môi trường trực tuyến cũng tốn khá nhiều thời gian. Buckley tâm sự: “Tôi đã phải ngồi làm video cho Youtube đến 40 giờ mỗi tuần trong suốt một năm trước khi có thể kiếm được đồng lãi đầu tiên".
 

Buckley đã từng học ngành tâm lý ở đại học. Anh làm các video ngay tại nhà. Mỗi tập “What the Buck?” anh đưa lên mạng được xem trung bình 200.000 lần, những tập hay hơn có thể có đến 3 triệu người xem. Anh cho biết để viết kịch bản và thu hình cho 5 phút đùa cợt về tour diễn tái xuất của Britney Spears hay khả năng nhảy nhót của Miley Cyrus nghe thì tưởng dễ nhưng không hề đơn giản. “Tôi phải làm việc thực sự vất vả để trau dồi cả kỹ năng nói lẫn kỹ năng viết của mình”, anh tâm sự.
 

Lisa Donovan, người đã gây chú ý suốt mùa thu vừa rồi với những hình ảnh nhái lại "Phó Tổng thống hụt" Sarah Palin, cũng khẳng định việc kiếm tiền này chẳng hề dễ dàng. “Những người mới bắt tay vào làm sẽ phải vất vả nhiều đấy”, Donovan chia sẻ. “Mọi người đều cạnh tranh quyết liệt để được biết mặt biết tên trên môi trường trực tuyến; bạn phải có cả một chiến lược và biết cách marketing cho chính mình”.
 

Trong khi một số "ngôi sao" trên Internet coi YouTube là bước đệm để đến với truyền hình thì Buckley lại đi ngược, bắt đầu từ truyền hình rồi nổi tiếng trên YouTube. Cách đây ba tháng, anh còn ký một thoả thuận phát triển với HBO, một cơ hội mà khối vị tai to mặt lớn trong ngành truyền thông còn phải mơ đến. Nhưng anh khẳng định: “Tôi cảm thấy YouTube vẫn là nhà tôi. Tôi nghĩ sai lầm lớn nhất của rất nhiều người nổi tiếng trên Internet chính là nhờ Internet mà thành danh nhưng rồi lại quay lưng với nó”.

 

(Theo báo VietNamNet)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Cuộc chiến giành tài sản của nữ tỷ phú giàu nhất châu Á: Nữ hoàng và…thái giám?
  • VMware: Mối đe dọa mới đối với Microsoft
  • Ký kết hợp đồng: Chào hàng bằng hành vi
  • 2014: Tỷ lệ sử dụng 3G tại Châu Á – Thái Bình Dương đạt 40%
  • "Người khổng lồ" McDonalds bỏ cuộc
  • Cuộc chiến xe thể thao giữa Toyota và Honda
  • Kinh doanh qua mạng: Nghề mới của giới trẻ
  • Hiểu mình, hiểu người và con đường thành công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com