Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

VMware: Mối đe dọa mới đối với Microsoft

Biểu tượng của VMware.

Đối thủ số một của Microsoft là cái tên mà hầu như ai cũng biết: Google. Nhưng ứng cử viên tiềm tàng cho vị trí số hai là một cái tên ít được biết đến bên ngoài ngành công nghiệp công nghệ: VMWare, một công ty có trụ sở tại thành phố Palo Alto, bang California (Mỹ).

“VMware nhất định là một mối đe dọa. Sau Google, đây là công ty mà Microsoft sợ nhất,” Gary Chen, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu IDC, từng nhận định như vậy khi nói về cục diện của sự cạnh tranh sau khủng hoảng kinh tế.

Sức mạnh mới từ ban lãnh đạo

VMware là công ty đi đầu trong lĩnh vực phần mềm máy ảo hóa, cho phép một máy tính chạy từ hai hệ điều hành trở lên cùng một lúc. Khi công nghệ của VMware trở nên mạnh hơn và được bổ sung thêm nhiều tính năng hơn, nó hứa hẹn có thể thay thế hệ điều hành truyền thống trong nay mai, tương tự như trình duyệt.

Vì thế, cũng như Google, VMware mang đến những thách thức không nhỏ cho Microsoft bằng cách tấn công sự thống trị của công ty này trong hai lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất là phần mềm desktop và hệ điều hành. Trong khi Google tấn công từ bên trên thì VMware công kích từ bên dưới.

Những gương mặt mới trong ban lãnh đạo của VMware đang bổ sung thêm sức mạnh cho công ty trong việc cạnh tranh với Microsoft. Một năm trước, Paul Maritz, một cựu quan chức điều hành cấp cao của Microsoft, bắt đầu đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành VMware.

Vào cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, ông Maritz được xem là nhân vật có trách nhiệm và quyền lực lớn thứ ba của Microsoft, chỉ sau Bill Gates và Steven A. Ballmer, trước khi rời công ty này vào năm 2000.

Ông Maritz cho biết sức hút của VMware là cơ hội lãnh đạo một công ty đang cưỡi làn sóng của một công nghệ có thể thay đổi cuộc chơi. Đến tháng Giêng năm nay, thêm Tod Nielsen, cũng từng là một quan chức điều hành Microsoft, gia nhập VMware và trở thành giám đốc hoạt động của công ty.

Dưới thời của ông Maritz, một chiến lược hoạt động mới đang dần định hình. Vào tháng Tám vừa qua, VMware thông báo kế hoạch chi 420 triệu đô-la Mỹ để mua lại SpringSource, một công ty phát triển các công cụ phần mềm nguồn mở. Sự bổ sung này cho phép công nghệ của VMware bớt dựa vào một hệ điều hành như Windows. Ông Nielsen nói: “Nó khiến chúng tôi bớt phụ thuộc vào hệ điều hành để quản lý các ứng dụng.”

Hướng đến thị trường máy tính cá nhân

Cho đến nay, công nghệ ảo hóa chỉ được dùng chủ yếu để cắt giảm chi phí trong các trung tâm dữ liệu. Nó cho phép các công ty xử lý công việc điện toán với ít máy móc hơn, tiêu tốn ít năng lượng và chiếm ít chỗ hơn. Giờ đây, ngày càng có nhiều công ty bắt đầu sử dụng công nghệ này để quản lý phần mềm được phân phối đến máy tính của nhân viên thông qua mạng công ty. Nhận thấy tiềm năng của thị trường mới này, VMware đang có kế hoạch tấn công mạnh vào thị trường máy tính để bàn và máy tính xách tay. Vào năm tới, công ty có thể tung ra công nghệ mới nhằm xử lý đồ họa cao cấp tốt hơn và cho phép người sử dụng làm việc ngay cả khi họ không kết nối vào một mạng nào đó.

Về phần trung tâm dữ liệu, VMware muốn chứng tỏ rằng ngoài việc tiết kiệm phần cứng, công nghệ này còn có thể giúp giảm chi phí hoạt động nhờ vào việc tăng số lượng máy chủ được ảo hóa.  Ngày nay, theo VMware, các công ty thường cần một nhà quản trị cho mỗi 50 máy chủ. Tuy nhiên, với những trung tâm dữ liệu có phân nửa số máy được ảo hóa, tỷ lệ này có thể tăng lên 1/200 hoặc cao hơn.

Dù có những bước phát triển nhất định, VMware biết rõ rằng Microsoft không phải là một đối thủ dễ chơi. Ông Maritz thừa nhận: “Chúng tôi đang tiến đến một bước ngoặt quan trọng trong thị trường này. Tuy nhiên, Microsoft đang theo sát chúng tôi ở phía sau.” Vì thế, ông Maritz cho rằng VMware cần phải nỗ lực phát triển hơn nữa và “thông thạo một số đòn phép mới” để có thể luôn đi trước được Microsoft.

Microsoft tăng tốc

Thực tế là Microsoft đang nỗ lực giành thêm thị phần từ tay VMware trong lĩnh vực công nghệ ảo hóa. Kế hoạch của công ty này là áp dụng lại chiến lược họ từng dùng trong thị trường trình duyệt web: tích hợp phần mềm máy ảo miễn phí vào trong hệ điều hành của mình. Vào tháng Bảy năm nay, Microsoft tích hợp công nghệ ảo hóa Hyper-V vào Windows Server 2008. Những tính năng mới – giúp công nghệ này bắt kịp VMware – dự kiến sẽ được giới thiệu trong tháng Mười. Mike Neil, một nhà quản lý trong bộ phận máy chủ Windows, nói: “Chiến lược của chúng tôi là tích hợp ảo hóa vào trong dòng sản phẩm chạy trên Windows, với phần mềm quản lý và những công cụ phát triển quen thuộc của Microsoft.”

Chặng đường phía trước của Microsoft là khá chông gai. Tính đến cuối năm rồi, các nhà phân tích ước tính có khoảng 80% khối lượng công việc điện toán ảo hóa chạy trên VMware. Thị phần còn lại được chia sẻ bởi Microsoft, Citrix Systems, Virtual Iron và các công ty khác. Dù vậy, do chỉ mới có 15% số máy chủ được ảo hóa và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng ít nhất là gấp đôi trong vòng năm năm tới, vẫn còn có nhiều cơ hội cho Microsoft trong thị trường này.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết sự quan tâm dành cho những sản phẩm của Microsoft là không nhỏ. Một bản báo cáo gần đây của công ty Gartner dự báo rằng, thị phần của Microsoft trong lĩnh vực phần mềm máy ảo được cài đặt sẽ tăng lên 29% vào cuối năm 2012, so với 8% vào cuối năm ngoái. Stephen F. Shuckenbrock, người đứng đầu bộ phận doanh nghiệp của Dell, đối tác của cả VMware và Microsoft, nhận định: “Microsoft sẽ là một đối thủ rất đáng gờm trong thị trường này. Nhiều khách hàng ít nhất cũng bị hấp dẫn bởi phần mềm ảo hóa miễn phí của Microsoft.”

Tuy nhiên, VMware – có trụ sở tại Palo Alto, bang California (Mỹ) – cũng không phải là một công ty dễ bị bắt nạt vào thời điểm hiện nay. Công ty này làm ăn có lời, và doanh thu của họ vào năm ngoái là 1,9 tỷ đô-la Mỹ. Dù vậy, một câu hỏi lớn đang được đặt ra là liệu công ty này có thể tiếp tục giữ được phong độ như thế về lâu dài. Ông A. M. Sacconaghi, một nhà phân tích tại công ty Bernstein Research, hoài nghi: “VMware có công nghệ tuyệt vời, nhưng liệu công việc kinh doanh có cũng tốt như thế hay không ? Trình duyệt cũng từng là một công nghệ tuyệt vời, nhưng hóa ra lại không phải là một lĩnh vực kinh doanh quá hấp dẫn.”

Đáp lại những hoài nghi này, cả ông Maritz và ông Nielsen, từng là “cựu binh” của cuộc chiến trình duyệt trong những năm 90 của thế kỷ trước khi còn ở Microsoft, đều lạc quan cho rằng VMware có thể dẫn trước các đối thủ. Ông Nielsen tự tin nói: “Dĩ nhiên là sẽ có một trận chiến. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tập trung và vượt trội họ”.

 

 

(Theo Minh Huy // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Ký kết hợp đồng: Chào hàng bằng hành vi
  • 2014: Tỷ lệ sử dụng 3G tại Châu Á – Thái Bình Dương đạt 40%
  • "Người khổng lồ" McDonalds bỏ cuộc
  • Cuộc chiến xe thể thao giữa Toyota và Honda
  • Kinh doanh qua mạng: Nghề mới của giới trẻ
  • Hiểu mình, hiểu người và con đường thành công
  • Loay hoay tìm lối đi
  • Mùa Giáng sinh phẳng lặng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com