Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ký kết hợp đồng: Chào hàng bằng hành vi

Khi chấp nhận chào hàng, nên chấp nhận bằng văn bản, trong đó nêu rõ những chỉnh sửa nếu có
Khi chấp nhận chào hàng, nên chấp nhận bằng văn bản, trong đó nêu rõ những chỉnh sửa nếu có

Từ nay, DĐDN xin giới thiệu một số án lệ liên quan đến Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) với hi vọng cung cấp cho DN VN những bài học kinh nghiệm quý báu khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đồng thời giúp DN tiếp cận và nắm bắt nội dung của CISG. Bắt đầu từ số báo này, BBT trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Minh Hằng - Giảng viên Luật - Trường ĐH Ngoại Thương.

Khi nhận được đơn chào hàng của đối tác nước ngoài, DN có thể chấp nhận bằng văn bản, bằng lời nói. Thậm chí, bằng việc thực hiện một số hành vi nhất định, người được chào hàng sẽ bị coi là đã chấp nhận chào hàng. Tranh chấp giữa nguyên đơn là một Cty của Argentina và bị đơn là một Cty của Italia trong quá trình giao kết hợp đồng. Hai bên tranh cãi về việc liệu hành vi của bị đơn có được coi là một hành vi chấp nhận chào hàng có hiệu lực hay không. Tranh chấp được giải quyết tại Tòa án Argentina. Các điều 18 và 19 của Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi tắt là CISG) đã được áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Diễn biến tranh chấp

Người mua Argentina đàm phán ký hợp đồng với người bán Italia để mua một số máy móc công nghiệp. Người bán đã gửi cho người mua bản chào hàng căn cứ trên một mẫu đơn chào hàng chuẩn. Người mua không có ý kiến gì về nội dung của chào hàng. Sau đó, người mua đã ký vào đơn chào hàng và gửi đơn chào hàng đó đến một ngân hàng để xin cấp tín dụng cho thương      vụ này.

Tuy nhiên, sau đó, người mua lại làm đơn kiện người bán ra toà án Argentina với lý do là hợp đồng chưa được thành lập. Người mua cho rằng chào hàng và chấp nhận chào hàng chưa cấu thành một hợp đồng có hiệu lực. Người mua dẫn điều 18 CISG, theo đó, im lặng hay không hành động (inaction) không được coi là chấp nhận chào hàng.

Quyết định của toà án

Vì Argentina và Italia là hai quốc gia thành viên của CISG nên tòa án áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp. Toà án bình luận rằng theo điều 18 CISG thì im lặng hay không hành động (inaction) tự nó không cấu thành chấp nhận chào hàng. Trường hợp này, mặc dù người mua không chính thức trả lời người bán bằng văn bản hay bằng lời nói nhưng người mua đã ký vào đơn chào hàng và gửi nó đến ngân hàng; đây chính là hành động mà người mua thực hiện liên quan đến thanh toán tiền hàng, và hành vi này có ý nghĩa là đã chấp nhận chào hàng theo quy định tại điều 18 khoản 1- CISG.

Ngoài ra, người mua có một số thay đổi về kích cỡ của một số phụ tùng kèm theo nhưng những thay đổi này không được coi là những sửa đổi, bổ sung cơ bản chào hàng ban đầu và vì thế không  ảnh hưởng đến hiệu lực của chấp nhận chào hàng theo quy định tại điều 19 khoản 2 và khoản 3- CISG. Chỉ các yếu tố bổ sung hay thay đổi liên quan đến các điều khoản giá cả, thanh toán, phẩm chất, số lượng, địa điểm và thời gian giao hàng, phạm vi trách nhiệm các bên, việc giải quyết các tranh chấp mới được coi là thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng.

Với những lập luận đó, tòa án cho rằng người mua đã chấp nhận chào hàng của người bán Italia. Toà án kết luận hợp đồng đã được thành lập và không thể bị bác bỏ.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, theo quy định của điều 18-CISG, im lặng và không có hành động gì (inaction) thì không được coi là chấp nhận chào hàng. Tuy vậy, việc thực hiện một số hành vi lại được coi là chấp nhận chào hàng, ví dụ như hành vi liên quan đến việc gửi hàng, mở thư tín dụng hay trả tiền chẳng hạn, dù người chấp nhận không thông báo cho người chào hàng. Tuy vậy, pháp luật về hợp đồng của VN lại không có quy định gì về vấn đề này. Vì thế, khi chấp nhận chào hàng, nên chấp nhận bằng văn bản, trong đó nêu rõ những nội dung chấp nhận và những đề xuất chỉnh sửa nếu có, tránh trường hợp chấp nhận bằng hành vi.

Thứ hai, khi nhận được chào hàng, nếu có những ý kiến trái với chào hàng thì cần xem xét và đưa ra các đề nghị sửa đổi kịp thời, đầy đủ. Sau khi gửi chấp nhận chào hàng (trong đó có một số sửa đổi, bổ sung) thì nên yêu cầu bên chào hàng khẳng định lại một lần nữa có đồng ý với những sửa đổi, bổ sung đó hay không. Như vậy sẽ tránh được những tranh chấp khi hai bên đàm phán giao kết hợp đồng một cách gián tiếp thông qua việc gửi các đơn chào hàng và chấp nhận chào hàng.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • VMware: Mối đe dọa mới đối với Microsoft
  • 2014: Tỷ lệ sử dụng 3G tại Châu Á – Thái Bình Dương đạt 40%
  • "Người khổng lồ" McDonalds bỏ cuộc
  • Cuộc chiến xe thể thao giữa Toyota và Honda
  • Kinh doanh qua mạng: Nghề mới của giới trẻ
  • Hiểu mình, hiểu người và con đường thành công
  • Loay hoay tìm lối đi
  • Mùa Giáng sinh phẳng lặng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com