Sau khi sa thải một nhân viên, bạn cần phải tìm cách giải quyết các mối quan tâm của những thành viên trong nhóm, bố trí lại công việc và đảm bảo rằng các kỹ năng làm việc của nhân viên bị sa thải vẫn được nhóm đảm trách.
Bạn cần thông báo cho những người khác càng sớm càng tốt khi sa thải một nhân viên. Việc giả vờ xem như không có chuyện gì xảy ra sẽ chỉ khiến mọi người bàn tán xôn xao. Tốt nhất là tổ chức một cuộc họp nhóm để giải thích ngắn gọn những gì đã xảy ra. Ví dụ, bạn có thể nói: "Toby bị sa thải sau nhiều tháng không cải thiện được hiệu suất làm việc". Đừng đi sâu vào chi tiết hoặc giải thích kỹ lưỡng quyết định của bạn.
Ngoài ra, tuyệt đối không được chỉ trích nhân viên bị sa thải. Hãy khẳng định với các thành viên trong nhóm rằng việc sa thải này sẽ không ảnh hưởng gì đến năng lực thực hiện hay cách hành xử của mọi người. Nhà quản lý cũng nên thừa nhận rằng đây là thời điểm khó khăn cho cả phòng và rằng sẽ không tránh khỏi việc một số người cảm thấy khó chịu. Sau đó hãy giải thích kế hoạch tìm kiếm người thay thế và tìm cách duy trì ổn định sự tập trung của nhóm để tránh tình trạng thay đổi hay bất an vì sự ra đi của nhân viên.
Nhưng cuộc giao tiếp không nên dừng ở đây. Sau cuộc họp nhóm này, hãy trao đổi từng nhân viên về mối quan tâm của họ và giúp nhân viên giải quyết cảm giác về sự thay đổi.
Chương này đã tập trung đề cập về những nhân viên cấp dưới có vấn đề nghiêm trọng trong hiệu suất làm việc. Cách bạn xử lý những người này cũng như những vấn đề này sẽ thể hiện năng lực quản lý của bạn. Nếu bạn giải quyết vấn đề một cách khách quan và quyết đoán, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự tin tưởng của cả nhân viên lẫn cấp lãnh đạo. Hơn nữa, bạn sẽ học hỏi và phát triển bản thân nhiều hơn từ những lần ra quyết định sa thải này.
Khi không thể sa thải nhân viên
Có nhiều nguyên nhân không đủ vững chắc hoặc hợp pháp để công ty căn cứ vào đó làm lý do sa thải nhân viên. Những nguyên nhân này khác nhau theo luật pháp của từng quốc gia, nhưng nhìn chung bao gồm những hành vi sau:
* Yêu cầu tăng lương
* Phản đối những hành vi bất hợp pháp của công ty
* Báo cáo hoặc khiếu nại sự vi phạm của công ty về luật y tế và an toàn lao động
* Sử dụng quyền gia nhập hay không gia nhập công đoàn
* Dùng thời gian của công ty để thực hiện nghĩa vụ công dân, như bầu cử hay nghĩa vụ quân sự.
* Nghỉ phép theo luật lao động
Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp lý về những quy định này. Luật pháp vốn rất phức tạp vì thế bạn đừng nên cố diễn giải chúng theo cách của riêng bạn.
Tóm tắt
* Việc giải quyết tình trạng hiệu suất làm việc kém luôn bắt đầu bằng việc chẩn đoán vấn đề và thu thập dữ kiện.
* Từ những dữ kiện này, hãy phản hồi trung thực và chính xác những gì bạn đã quan sát ở những nhân viên có vấn đề.
* Hãy tập trung vào việc cải thiện hiệu suất làm việc trong lâu dài.
* Cố gắng vượt qua những cảm giác khó chịu khi phải đối phó với những nhân viên có vấn đề. Đây cũng là bài tập thực
tế kiểm tra năng lực của nhà quản lý.
* Tìm cách giúp những người thực hiện hạng C có thể thực hiện công việc với hiệu suất cao hơn hoặc chuyển họ sang một vị trí mà họ có thể làm tốt.
* Hãy lưu ý đến tình trạng cạn kiệt nhuệ khí làm việc và xác định xem liệu bạn có góp phần gây ra tình trạng này không.
Nguồn: Kỹ năng thương lượng - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Bài thuộc chuyên đề: Kỹ năng thương lượng - Bí quyết thành công
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com