Khẩu hiệu “Finger-lickin’ good” (tiếng Việt: “Vị ngon trên từng ngón tay”) khi được dịch sang tiếng Trung đã bị nhầm thành “xơi tái ngón tay của bạn”. |
Một bệnh nhân gốc Trung Quốc điều trị tại một bệnh viện ở bang Connecticut, Mỹ, bị cơ quan bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm y tế vì y tá đã ghi họ của chồng bệnh nhân này vào bệnh án, thay vì họ của bà.
Ở một số nước châu Á, phụ nữ thường không đổi họ khi kết hôn. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa và cách hiểu khác về ngôn ngữ như vậy đã gây rắc rối cho người phụ nữ gốc Trung Quốc trong câu chuyện này.
Người gốc Á ở Mỹ cũng gặp nhiều trở ngại khi họ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất tại quốc gia phương Tây này. Tên và họ của các cử tri này thường bị đảo lộn, hoặc viết sai, khiến nhiều người không thể bỏ phiếu.
Những rắc rối như vậy có thể gây thiệt hại không nhỏ. Trong một bài viết mới đây trên tạp chí Forbes, hai tác giả Jack Halpern - Giám đốc điều hành công ty từ điển The CJK Dictionary Institute và Frankie Patman - nhà ngôn ngữ học của tập đoàn máy tính IBM, cho rằng, trong bối cảnh các thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn của thế giới, rào cản ngôn ngữ là một trong những khó khăn hàng đầu cần khắc phục.
Do quá trình toàn cầu hóa của các doanh nghiệp thông qua các vụ sáp nhập và đầu tư xuyên biên giới, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính của hoạt động kinh doanh. Có khoảng 2 tỷ người trên thế giới sử dụng tiếng Anh, hơn 1/2 số này dùng tiếng Anh với tư cách ngôn ngữ thứ hai. Thêm vào đó, trong các hoạt động văn hóa, giải trí như truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, sách báo, truyền thông... tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chủ đạo.
Trong lĩnh vực Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt, ngôn ngữ cũng là chuyện phải bàn. Ước tính, có khoảng 900 triệu người trên thế giới có thể tiếp cận với các nguồn thông tin trên Internet và các trang web tiêu dùng. Trong vòng 2 năm tới, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi. Theo hãng nghiên cứu Global Envision.org, phần lớn người lướt Web hiện nay không sử dụng tiếng Anh, và trên 250 triệu người trong số này sống ở châu Á.
Thương mại điện tử cũng phụ thuộc nhiều vào ngôn ngữ. Theo một nghiên cứu mới thực hiện tại Mỹ, 52% người tiêu dùng sẽ mua một mặt hàng nào đó trên một trang Web sử dụng ngôn ngữ của họ, 64% cho biết họ sẽ trả giá cao hơn cho một sản phẩm nào đó nếu họ có thể đọc được thông tin về sản phẩm đó.
Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ có thể tương tác thành công với người tiêu dùng tại các thị trường đang nổi lên nếu ngôn ngữ và cách thức giao tiếp của họ với người tiêu dùng tại các thị trường này được điều chỉnh sao cho phù hợp với ngôn ngữ địa phương, hệ thống chữ viết địa phương và các phong tục địa phương. Tuy nhiên, chắc chắn là việc chuyển tải thông tin sang một ngôn ngữ khác và một hệ chữ viết khác đối mặt với khả năng sai sót cực cao.
Chẳng hạn, một số hệ thống chữ viết của châu Á như chữ Hán của Trung Quốc hay Kanji của Nhật không dựa trên bảng chữ cái Alphabet như tiếng Anh. Do đó, không thể áp dụng các thuật toán máy tính cho phép kết nối mỗi chữ cái với một âm thanh.
Một trở ngại nữa là phần lớn các chữ trong tiếng Trung và tiếng Nhật đều có nhiều cách phát âm khác nhau. Chẳng hạn trong tiếng Trung có rất nhiều thổ ngữ khác nhau, và cùng một chữ có thể được phát âm theo nhiều cách. Kết quả là khi một tên riêng bằng tiếng Trung Quốc được viết theo phiên âm tiếng Anh, sẽ có nhiều cách đánh vần khác nhau. Ví dụ, hai họ Ng và Wu của người Trung Quốc ở Mỹ trông thì hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu viết trong tiếng Trung thì lại là một.
Khẩu hiệu “Finger-lickin’ good” (tiếng Việt: “Vị ngon trên từng ngón tay”) khi được dịch sang tiếng Trung đã bị nhầm thành “xơi tái ngón tay của bạn”. Tuy nhiên, KFC vẫn được hưởng ứng ở Trung Quốc vì người dân ở nước này khá cởi mở với những sản phẩm đến từ phương Tây.
Thương hiệu Coca-Cola ở Trung Quốc ban đầu được phiên âm thành một cụm từ được phát âm là “Ke-kou-ke-la”. Sau khi đã in hàng ngàn biển hiệu, Coca-Cola mới phát hiện ra rằng, cụm từ này có nghĩa là “cắn con nòng nọc” hoặc “con ngựa cái chở đầy sáp ong” tùy theo từng địa phương. Sau đó, Coca-Cola đã nghiên cứu 40.000 ký tự tiếng Trung và tìm ra một cách phiên âm tương đương hợp lý “Ke-kou-ke-le”, có thể dịch là “niềm vui ở trong miệng”.
Một vấn đề nữa, ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, họ thường đứng trước tên, ngược lại với ở phần lớn các nước phương Tây. Chẳng hạn, trong họ tên Huang Shu Dong của một người Trung Quốc, thì tên là Shu Dong là tên, nhưng nếu được nhập vào cơ sở dữ liệu ở Mỹ, thì Huang rất dễ bị nhầm là tên. Những lỗi này sẽ gây ra nhiều khó khăn, chẳng hạn nhân viên dịch vụ khách hàng không thể tìm được đúng hồ sơ của khách.
Bởi vậy, điều cần thiết là các tổ chức và doanh nghiệp tạo ra một hệ thống đa ngôn ngữ để thu thập và quản lý dữ liệu về nhận dạng và khách hàng. Để làm được điều này, công nghệ thông tin cần được cải tiến từ khâu nhập dữ liệu, tới lưu trữ và kết nối. Ngoài sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, công việc này còn đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia về văn hóa và ngôn ngữ.
Thêm vào đó, phần mềm và các hệ thống cũng cần được điều chỉnh nhanh chóng để thích hợp cho số lượng người sử dụng không biết tiếng Anh đang ngày càng tăng. Chẳng hạn, hệ thống nhập dữ liệu cá nhân phải hiểu được cách viết tên của người châu Á, và trong trường hợp có sai sót xảy ra, thì công cụ tìm kiếm phải có đủ khả năng để tìm được đúng dữ liệu của người cần tìm.
Việc thay đổi tên để thuận lợi hơn trong các giao dịch và công việc không còn là chuyện hiếm. Nhưng với khả năng công nghệ ngày nay, người ta vẫn có thể vừa đảm bảo được sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, và cả sự thành công trong công việc. Trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của châu Á ngày càng đi lên, các công ty khôn ngoan cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự gia tăng mạnh mẽ của kho dữ liệu đa ngôn ngữ.
(Theo Forbes // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com