Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chờ nghiên cứu thông lệ quốc tế?

Xung quanh việc Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) xin sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có sử dụng 3 nhãn hiệu theo hợp đồng nhượng quyền của Jetstar Airways PTY Limited đang khiến các nhà quản lý lúng túng.

Nhượng quyền thương hiệu vi phạm Luật Hàng không?

Ngược dòng thời gian hai năm trước, sau khi tái cơ cấu với sự góp vốn đầu tư của đối tác chiến lược là Tập đoàn Qantas (chiếm 30%), Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines (JPA) và hoạt động dưới thương hiệu được nhượng quyền từ Jetstar Airways PTY Limited (gọi tắt là Jetstar Airways).

Khi đó do tỉ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành của JPA cao hơn 1/3 và việc nhượng quyền thương hiệu chưa được cấp phép của các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ nên Cục Hàng không VN đã cấp giấy phép kinh doanh cho JPA hoạt động trong 2 năm, với yêu cầu hoàn thành việc xin phép nhượng quyền thương hiệu theo quy định pháp luật và đào tạo các nhân viên VN thay thế để giảm tỉ lệ người nước ngoài trong bộ máy điều hành xuống dưới 1/3.

Sau hai năm, JPA đã thực hiện xong việc xin phép nhượng quyền thương hiệu theo quy định của pháp luật VN và tiếp tục làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dưới thương hiệu được nhượng quyền với 3 nhãn hiệu Jetstar, chữ Jet với hình ngôi sao màu cam và Star Class.
 
Tuy nhiên lúc này Cục Hàng không VN, Bộ GTVT lại cho rằng việc JPA hoạt động dưới thương hiệu được nhượng quyền của Jetstar Airways phù hợp với quy định về sở hữu trí tuệ, song lại vi phạm Luật Hàng không. Trong công văn gửi Thủ tướng mới đây của Bộ GTVT nêu rõ: Theo Điều 115, Luật Hàng không dân dụng VN, các hãng nước ngoài không được tham gia vận chuyển nội địa, trừ một số trường hợp đặc biệt. Và theo Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ VN và Australia thì các hãng hàng không được chỉ định của hai nước không được tham gia vận tải hàng không nội địa.

Vì vậy, Jetstar Airways không có quyền nhượng quyền thương mại vận chuyển hàng không ngoài phạm vi quyền vận chuyển được cấp theo Hiệp định hàng không song phương Việt Nam - Australia. Do đó, hãng này không thể thông qua JPA để quảng bá là có chuyến bay ở nơi mình không được phép khai thác.

Trước những ý kiến này của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: "Bộ GTVT cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định tại Nghị định số 76/2007/NĐ-CP, ngày 9.5.2007 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Việc sử dụng biểu tượng của JPA phải phù hợp với pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của VN và thông lệ quốc tế".

Như vậy, rõ ràng Chính phủ đã chỉ ra rằng việc sử dụng thương hiệu của JPA chỉ cần phù hợp với pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của VN và thông lệ quốc tế, chứ không có việc vi phạm Luật Hàng không ở đây.

Những câu hỏi đặt ra

Nếu Bộ GTVT cho rằng Jetstar Airways không có quyền nhượng quyền thương mại vận chuyển hàng không ngoài phạm vi quyền vận chuyển được cấp theo Hiệp định hàng không song phương Việt Nam - Australia thì tại sao hai năm trước cũng bộ này đã cấp phép kinh doanh cho JPA và chỉ yêu cầu hoàn thiện việc chuyển nhượng thương hiệu với các cơ quan quản lý.

Đồng thời, nếu việc nhượng quyền thương hiệu của Jetstar Airways cho JPA kinh doanh tại VN vi phạm Luật Hàng không thì tại sao Cục Hàng không và Bộ GTVT không yêu cầu dừng ngay khi hãng này bắt đầu sử dụng thương hiệu nhượng quyền của Jetstar Airways.

Giả sử cứ cho là Cục Hàng không và Bộ GTVT đúng, JPA phải thay đổi thương hiệu thì những thiệt hại hàng chục, hàng trăm triệu USD hệ lụy từ việc này, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm (?!). Mặt khác, JPA là hãng hàng không nội địa của VN, có tới 70% vốn của Nhà nước (cụ thể là SCIC) và cổ đông nước ngoài chỉ nắm giữ 30% vốn thì nếu những thiệt hại này xảy ra, Nhà nước sẽ là người gánh chịu phần lớn.

Cũng ngay tại công văn trình Chính phủ, Bộ GTVT đã nêu ra nguy cơ nếu không cấp phép kinh doanh cho JPA bằng thương hiệu được nhượng quyền như hãng này hiện đang sử dụng thì có khả năng Tập đoàn Qantas sẽ rút vốn đầu tư. Nếu điều này xảy ra sẽ không thể không gây ấn tượng xấu về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không VN đang thực hiện chính sách "mở cửa bầu trời"; bởi Qantas là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, Bộ GTVT lại tiếp tục giao cho Cục Hàng không trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước của 10 nước ASEAN về việc sử dụng biểu tượng của hãng hàng không hoạt động tương tự như JPA và liệt kê từ 50% trở lên biểu tượng của các hãng hàng không thế giới để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh cho JPA.

Để hoàn thành việc này, trong khi số lượng các hãng hàng không trên thế giới có đến hàng nghìn, sẽ cần không ít thời gian, công sức, vì thế quyết định cuối cùng có hay không chấp nhận thương hiệu hiện nay của JPA vẫn còn là dấu hỏi.

 

 

(Theo Lao Động/vietnamshipper)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Tái cấu trúc : DN cần sớm vào cuộc
  • Tập đoàn kinh tế tư nhân: Liệu có “chín ép”?
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cần nhất một chính sách rõ ràng
  • Đo lường rủi ro của công ty trong suy thoái kinh tế
  • Tái cân bằng - Thách thức không nhỏ của nền kinh tế
  • Kiện ngược lại Mỹ ra WTO: Cân nhắc thiệt hơn
  • Giải pháp kinh doanh thời khủng hoảng
  • Chuyển hướng cạnh tranh vào châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com