Doanh nhân có vị trí như thế nào trong từng thời kỳ lịch sử ? Nhân dịp Xuân Canh Dần, DĐDN đã có cuộc phỏng vấn nhà Sử học Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN.
- Theo ông vì sao thời xưa doanh nhân lại có một vị trí thấp trong xã hội ?
Từ thời phong kiến, Doanh nhân xuất hiện muộn với vai trò là những người buôn bán hàng hóa nông sản, thủ công trong phạm vi làng xã. Nền kinh tế VN thời phong kiến vốn được xem là nền kinh tế tiểu nông, tự cung, tự cấp. Thực tế, người xưa vốn coi thường những người buôn bán vì cho rằng họ là những người lươn lẹo, mua rẻ bán đắt.
Đến thời Bắc thuộc, việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trong xã hội hầu như chỉ do những người Hoa sang nước ta đảm nhiệm. Việc co cụm trọng phạm vi làng xã diễn ra rất mạnh mẽ với mục đích chống lại quyền lực trung ương theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Đồng thời cũng nhằm hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phương Bắc, mỗi làng thường cũng chỉ có một chợ quy mô nhỏ. Lúc này những người buôn bán được gọi dưới thuật ngữ Hán – Việt là thương nhân. Mặc dù họ là những người giàu có nhưng vẫn không có địa vị gì đáng kể trong xã hội.
Với một nền kinh tế tiểu nông kéo dài trong suốt lịch sử phong kiến, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa cũng hạn chế. Chính vì vậy, thương nhân VN thời phong kiến khó có khả năng phát triển và trở thành một lực lượng lớn trong xã hội. Trừ một vài trường hợp mang tính đột biến như Hội An hay gốm Chu Đậu ở Hải Dương đã tạo ra những khối lượng hàng hóa tương đối lớn để xuất khẩu. Còn lại về cơ bản, nền kinh tế vẫn là sản xuất nhỏ. Thực tế, hiện giới sử học VN cũng đang tìm kiếm và thu thập tư liệu về một phụ nữ ở Hải Dương đã có những tàu giao thương ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, thương nhân vốn không được đánh giá cao nên dấu ấn về họ cũng rất mờ nhạt.
- Đến thời Pháp thuộc, doanh nhân Việt đã bắt đầu có địa vị chưa, thưa ông ?
Với mục đích đẩy mạnh khai thác thuộc địa hiệu quả, người Pháp sang VN cũng mang theo máy móc thiết bị và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cùng với nó là sự xuất hiện của một số người VN đứng ra quản lý, thầu công trình, sản xuất, lưu thông hàng hóa như ông Nguyễn Sơn Hà - chủ Hãng sơn Gecko biểu tượng “Tắc kè xanh”, ông Bạch Thái Bưởi - chủ hãng tàu khách chạy sông Hồng (chủ thầu tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam)... Tuy nhiên, số lượng những doanh nhân VN thời đó không nhiều và họ cũng chưa phải là một thế lực đáng kể trong xã hội.
- Mặc dù thực lực còn chưa phải là đối trọng với thương nhân nước ngoài, nhưng những đóng góp của doanh nhân VN trong cách mạng cũng không phải là nhỏ, thưa ông ?
Đúng vậy! Tuy nhiên, tôi phải nói tới tầm quan trọng của cách nhìn nhận và đánh giá rất tiến bộ đối với doanh nhân VN của Cụ Hồ. Cụ Hồ đã đặt doanh nhân VN vào đúng vị trí của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều văn bản của Cụ Hồ nói về doanh nhân VN đều thể hiện một tư tưởng lý luận rất Mác xit, không giáo điều. Cụ Hồ coi chủ nghĩa Mác – Lê Nin như một phương pháp tư duy để kết hợp với tính dân tộc ở VN: “Chủ nghĩa Mác được xây dựng ở Châu Âu, mà Châu Âu không phải là cả thế giới”. Những văn bản như Bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản năm 1924, Chánh cương sách lược vắn tắt năm 1930, Thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945... đều thể hiện cái nhìn rất biện chứng về vai trò các tầng lớp trong xã hội VN.
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải nói tới hai tư tưởng cơ bản là yêu nước và giải phóng dân tộc. Với hai tư tưởng cơ bản này, Cụ Hồ đã rất giỏi trong phương pháp huy động các nguồn lực. Chỉ riêng cách gọi “Giới Công Thương” của Cụ Hồ đã thể hiện phần nào một cách nhìn biện chứng. Với cách gọi này, Cụ Hồ đã loại bỏ ngôn ngữ chính trị (tầng lớp tư sản) ra khỏi những tư duy cũ kỹ và lỗi thời. Cụ Hồ đã đặt doanh nhân VN vào một vị trí rất tự nhiên, coi hoạt động công nghiệp, thương nghiệp là một nghề. Mối quan hệ cực kỳ quan trọng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước đã được đặt ra rất biện chứng. Dân có giàu – nước mới mạnh.
Chỉ với một dung lượng ngắn, nội dung bức thư gửi giới công thương năm 1945 đã thể hiện đầy đủ một tầm nhìn đi trước thời đại tới nửa thế kỷ. Trong thư, Cụ Hồ đã thể hiện sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để giới công thương phát triển. Quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của Nhà nước không đối lập nhau. “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”. Chính vì vậy, giới công thương đã đồng lòng đi theo Cụ Hồ, đi theo cách mạng. Thể hiện rõ nhất lúc bấy giờ như Quỹ cứu quốc, Tuần lễ vàng... Giới công thương đã được tập hợp thành một lực lượng cứu quốc như các lực lượng khác như: công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc... trong Mặt trận Việt Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công cuộc phát triển, kiến thiết đất nước nói chung, phát triển giới công thương nói riêng thể hiện rất biện chứng không chỉ qua bức thư gửi giới công thương mà còn là một quan điểm xuyên xuốt.
- Như vậy, Cụ Hồ đã có cái nhìn đi trước thời đại tới nửa thể kỷ đối với doanh nhân VN, thưa ông ?
Đúng vậy! Giai đoạn đổi mới của chúng ta hiện nay thực tế cũng là thực hiện đúng những gì mà Bác Hồ đã đưa ra từ trước đó nửa thế kỷ. Ngay từ lúc đó, Bác Hồ đã có tư tưởng VN là nước dân chủ, sẵn sàng mở cửa cho các quốc gia đến đầu tư khai thác từ tài nguyên, bến cảng, đất đai, miễn là hai bên cùng có lợi. Cách nhìn của Cụ Hồ đã rất hiện đại. Một số nội dung đến cả bây giờ vẫn còn là mới.
Từ suy nghĩ đến hành động Cụ Hồ luôn biết cách tập hợp lực lượng và xác định đúng vị trí của các tầng lớp trong xã hội. Lần đầu tiên về Hà Nội, Cụ Hồ cũng đến ở nhà một người thuộc dạng giàu có nhất tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Điều này thể hiện tư tưởng thống nhất các lực lượng vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Tư sản VN lúc đó thường có đất đai, đồn điền. Cụ Hồ đã đưa ra khẩu hiệu “giảm tô, giảm tức”. Cách mạng chỉ tịch thu ruộng đất của thực dân và bọn phản cách mạng...
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chúng ta cũng đã có những sai lầm như cải cách ruộng đất, chế độ hạch toán quan liêu bao cấp hàng chục năm, kéo lùi nền kinh tế về vạch xuất phát. Với phương thức sản xuất khuôn mẫu và cứng nhắc này, doanh nhân đã bị coi là tầng lớp tư sản bóc lột và không còn chỗ đứng. Nền kinh tế VN rơi vào khủng hoảng về mọi mặt, đã có lúc nằm bên bờ vực phá sản.
May mắn, với việc đổi mới tư duy “Nhìn thẳng vào sự thật” và “tự cởi trói chính mình”, chúng ta đã thiết lập lại những giá trị cơ bản của nền kinh tế. Những chính sách hội nhập và nền kinh tế thị trường không những tạo điều kiện tốt cho phát triển mà thực tế nó còn lôi chúng ta theo nhịp phát triển của kinh tế thế giới. Cùng với sự đổi mới này, doanh nhân VN đã thực sự hồi sinh và thể hiện đầy đủ vai trò của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, 20 năm đổi mới đã mạng lại cho đội ngũ doanh nhân VN một tầm vóc mang tầm lịch sử.
- Địa vị của doanh nhân VN thời kỳ đổi mới đã được đặt đúng vị trí chưa, thưa ông ?
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, doanh nhân VN đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước. Vị thế của doanh nhân ngày nay còn gắn với vị thế của dân tộc, của đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước cũng đang tạo mọi điều kiện để phát triển lực lượng này. Doanh nhân không chỉ là những người đơn thuần tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là đối tác quan trọng xây dựng các chính sách kinh tế, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý ở đây là sự điều hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nhân. Về việc này, chúng ta có thể học rất nhiều ở Cụ Hồ. Đối với, sự mềm dẻo để hài hòa lợi ích các bên vì mục đích chung thì Cụ Hồ là một thiên tài. Từ kêu gọi tinh thần tự tôn dân tộc, đến đoàn kết trong một mặt trận... đều là những tài sản luôn luôn phải lưu giữ và phát huy.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com