Các cam kết cắt giảm thuế Từ năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới WTO. Theo hiệp định được ký kết, Việt Nam cam kết ràng buộc cho toàn bộ Biểu thuế (10.600 dòng). Mức thuế bình quân toàn biểu được giảm từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4%, thực hiện dần trong vòng 5 - 7 năm. Nhìn chung, có khoảng hơn 1/3 số dòng của biểu thuế sẽ phải cắt giảm, chủ yếu là các dòng có thuế trên 20%. Các mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm đối với nền kinh tế như nông sản, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, ôtô, xe máy... vẫn duy trì được mức bảo hộ nhất định. Tổng hợp chung về mức độ cắt giảm thuế của cả Biểu thuế như sau: (1) Trong toàn bộ biểu cam kết, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của Biểu thuế), ràng buộc ở mức thuế hiện hành với khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5% số dòng của Biểu thuế), ràng buộc theo mức thuế trần cao hơn mức thuế suất hiện hàng với 3.170 dòng thuế (chiếm 30% số dòng của Biểu thuế), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hoá chất, một số phương tiện vận tải. (2) Một số mặt hàng đang có thuế suất cao từ trên 20% - 30% sẽ được cắt giảm thuế ngay khi gia nhập. Những nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc thiết bị điện - điện tử. Thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt bò và phụ phẩm cũng phải cắt giảm ở mức tương đối lớn. (3) Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mức cam kết bình quân là 25,2% vào thời điểm gia nhập và 21% sẽ là mức cắt giảm cuối cùng. So sánh với mức thuế MFN (qui tắc tối huệ quốc) bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là 23,5% thì mức cắt giảm đi sẽ là 10%. (4) Đối với lĩnh vực công nghiệp, mức cam kết bình quân và thời điểm gia nhập là 16,1% và mức cắt giảm cuối cùng sẽ là 12,6%. So sánh với mức thuế MFN bình quân của hàng công nghiệp hiện nay là 16,6% thì mức cắt giảm đi sẽ là 23,5%. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết tham gia một số hiệp định tự do hoá theo ngành. Những ngành mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế . Trong đó, Hiệp định tham gia ITA là quan trọng nhất, theo đó khoảng 330 dòng thuế thuộc diện công nghệ thông tin sẽ phải có thuế suất 0% sau 3-5 năm. Do vậy, các sản phẩm điện tử như: máy tính, điện thoại di động; máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số... sẽ đều có thuế suất 0% thực hiện sau 3-5 năm, tối đa là sau 7 năm. Bên cạnh đó, không mâu thuẫn với cam kết MFN, WTO cũng cho phép những ngoại trừ riêng áp dụng cho các thoả thuận tự do hoá khu vực. Đối với trường hợp của Việt Nam, đó là các thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA, thoả thuận khu vực tự do ASEAN - Trung Quốc và giữa ASEAN với một số nước đối tác khác. Do vậy việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ tự do hoá khu vực của Việt Nam, cũng như các cam kết trong khuôn khổ WTO sẽ được thực hiện một cách độc lập và không bị ràng buộc lẫn nhau. Các cam kết tự do khu vực Việt Nam đã và đang đàm phán: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA): theo những cam kết đã ký và được thực hiện từ năm 1996 thì các mặt hàng trong danh mục thông thường sẽ có thuế suất từ 0-5% vào năm 2013 và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các loại thuế nhập khẩu vào năm 2015. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA): theo hiệp định đã ký thì lộ trình giảm thuế của Việt Nam sẽ là: Năm 2009: ít nhất 50% số dòng thuế thuộc danh mục thông thường có thuế suất 0-5%; Năm 2013: có ít nhất 45% số dòng thuế thuộc danh mục thông thường có thuế suất 0%; Năm 2015: (ngoại trừ một số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018) tất cả các dòng thuế thuộc danh mục thông thường có thuế suất là 0%. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA): Theo hiệp định đã ký thì lộ trình giảm thuế của Việt Nam như sau: ít nhất 50% mặt hàng trong danh mục thông thường có thuế suất 0-5% vào ngày 01/01/2013; Xoá bỏ thuế nhập khẩu của ít nhất 90% mặt hàng trong danh mục thông thường vào ngày 01/01/2015; Xoá bỏ thuế nhập khẩu của ít nhất 95% mặt hàng trong danh mục thông thường vào ngày 01/01/2016; Xoá bỏ thuế nhập khẩu của 100% mặt hàng trong danh mục thông thường vào ngày 01/01/2018. Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải cắt giảm rất nhiều đối với thuế nhập khẩu điều này đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo nguồn thu từ thuế. Thu thuế sau khi gia nhập WTO Thu ngân sách từ thuế có thể bị ảnh hưởng là một trong những mối lo lớn nhất của Việt Nam khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế. Tuy nhiên sau 2 năm gia nhập WTO, thu ngân sách từ thuế vẫn tăng trưởng đều và chưa có dấu hiệu suy giảm. Qua bảng 2 có thể thấy, sau khi gia nhập WTO năm 2007, tổng thu thuế vẫn tăng nhanh, đặc biệt sau năm 2007: năm 2005 và 2006 là 15%, năm 2007: 31%, năm 2008: 23%. Trong đó tổng thu thuế nhập khẩu cũng tăng mạnh (năm 2005, 2006 là 15%, năm 2007 là 39%, năm 2008 là 33%). Tỷ trọng thuế nhập khẩu cũng xu hướng tăng lên từ 31% năm 2005 và 2006 lên 33% năm 2007 và 36% năm 2008. |
Như vậy, sau 2 năm gia nhập WTO, nguồn thu thuế nói chung và thuế nhập khẩu nói riêng có xu hướng tăng mạnh, trái ngược với những lo ngại ban đầu (việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu thuế nhập khẩu). Đây cũng là thực trạng của Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO. Hiện tượng trên có thể giải thích bởi 2 nguyên nhân: (1) Thu thuế nhập khẩu tăng lên là do nguyên tắc “thuế suất tối ưu”, nếu mức thuế suất giảm xuống mức độ nhất định và phù hợp sẽ làm tăng kim ngạch nhập khẩu, giảm động cơ trốn lậu thuế vì thế làm cho số thu tăng lên. (2) Việt Nam mới ở trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, vì thế mức độ giảm thuế chưa sâu và rộng nên chưa ảnh hưởng lớn tới thu thuế nhập khẩu. Chính vì thế chưa kết sớm kết luận ngay được việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế sẽ không ảnh hưởng tới thu thuế nhập khẩu. Hướng hoàn thiện chính sách thuế trong thời gian tới Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế khi tham gia WTO và các khu vực mậu dịch tự do. Mức cắt giảm thuế sẽ rất sâu và rộng, đặc biệt khi tham gia khu vực mậu dịch tự do. Hơn nữa, Việt Nam tham gia vào các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác có kim ngạch trao đổi thương mại lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do vậy, khi đó chắc chắn thu thuế nhập khẩu sẽ không còn giữ được tỷ trọng cao (>30%) như hiện nay. Vì thế, trong giai đoạn tới để tận thu ngân sách, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế theo 2 hướng: Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện các thuế nội địa chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân. Thứ hai, nghiên cứu và sớm ban hành luật thuế mới như thuế tài sản, thuế môi trường. Việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế khi gia nhập WTO và các khu vực mậu dịch tự do sẽ khiến cho tỷ trọng thu thuế nhập khẩu giảm so với hiện nay. Vì thế trong giai đoạn tới để tận thu ngân sách, cần tập trung vào việc hoàn thiện thuế nội địa./. |