Minh họa: Khều. |
Chính phủ Mỹ luôn quan tâm đến việc định hình nững công nghệ mới và ứng dụng chúng để hoạt động có hiệu quả hơn. Động cơ của việc ứng dụng công nghệ mới trong các cơ quan chính phủ Mỹ khá đa dạng, từ cải thiện hiệu suất làm việc của cá nhân và dịch vụ công cho đến nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo và phòng vệ của đất nước.
Bốn cơ quan liên bang của Mỹ đã ứng dụng hữu hiệu công cụ mới nhất để đáp ứng tốt những mục tiêu của mình. Đáng chú ý là những công cụ đó cũng sẽ được ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Xưởng ý tưởng
Ứng dụng Idea Factory (Xưởng ý tưởng) của Cơ quan An ninh vận chuyển (TSA) đang được trang web của Nhà Trắng đề cập đến như là một mô hình của chính phủ mở và minh bạch.
Hai năm trước, Giám đốc TSA lúc bấy giờ Kip Hawley phát hiện ra một trang web mới – gọi là IdeaStorm – được hãng Dell dùng để thu thập thông tin từ khách hàng và những người bên ngoài khác về chiến lược, hoạt động của công ty. Hawley quyết định lập một nền tảng tương tự để thu thập ý kiến từ nhân viên. Họ có thể gửi ý kiến về những vấn đề như chương trình mới hoặc thay đổi về quy định. Cộng đồng sau đó sẽ bình luận và đánh giá những ý kiến này.
Nếu một ý tưởng thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng hoặc nhà quản lý, nó sẽ được đánh dấu và chuyển đến một “ủy ban ý tưởng” bao gồm đại diện của các văn phòng trực thuộc TSA. Sau quá trình xem xét, TSA sẽ giải thích lý do tại sao một ý tưởng được chấp nhận hoặc từ chối, và những bước kế tiếp sẽ thực hiện là gì.
Kể từ khi Idea Factory được sử dụng vào tháng 4-2007, các nhân viên TSA đã gửi khoảng 8.800 ý kiến, 73.100 bài bình luận và 234.000 bản đánh giá. Tiến trình này đã dẫn đến sự ra đời của hơn 40 chương trình mới. Khoảng 25.000 người đã truy cập trang web Idea Factory, trong đó 40% người đóng góp ý kiến, bình luận hoặc đánh giá.
Phiên bản gần đây của Idea Factory cho phép người sử dụng lập nhóm của riêng mình, đánh dấu ý tưởng ưa thích nhất và gửi cho người khác. Một tính năng mới khác của Idea Factory là ban lãnh đạo TSA có thể viết về những dự án đang được xem xét hoặc thực thi, hoặc những vấn đề mà họ đang gặp phải, và nhận sự góp ý từ nhân viên.
Bà Tina Carola, người quản lý chương trình Idea Factory, cho rằng bất kỳ tổ chức nào cũng có thể sử dụng công cụ này nếu ban lãnh đạo của họ có được thái độ cầu thị như của TSA. Bà nói: “Công cụ này không chỉ là về ý tưởng, mà còn là về việc xây dựng một cộng đồng, gắn kết và mang lại sức mạnh cho đội ngũ nhân viên.”
Điện toán nhận thức
“Điện toán nhận thức” (Cognitive Computing) là chủ đề của một dự án kéo dài nhiều năm của Cơ quan các dự án nghiên cứu phòng vệ tiên tiến (DARPA). Dự án PAL (viết tắt của “Personal Assistant that Learns” – tạm dịch là “Trợ lý cá nhân biết học hỏi”) nói trên đã dẫn đến sự ra đời của công nghệ tự động quản lý công việc và trợ lý văn phòng đang được triển khai bởi quân đội và được thương mại hóa bởi một số công ty.
Mục tiêu ban đầu của dự án PAL là giải quyết những thách thức của lĩnh vực học máy (Challenges of Machine Learning). Một trong những kết quả của dự án là CALO (viết tắt của cụm từ “nhân viên máy tính có khả năng học và tổ chức). Đây là một phần mềm “thư ký văn phòng” tiếp nhận những dữ liệu đầu vào từ việc lên thời khóa biểu, e-mail và những chương trình phần mềm khác để lập kho kiến thức về thói quen làm việc của một người nào đó.
Theo thời gian, CALO sẽ nắm bắt được sở thích của người sử dụng thông qua việc thu thập dữ liệu và những thuật toán phức tạp. Robert Kohout, quản lý chương trình của Darpa, lý giải: “Ví dụ như khi bạn nói về chuyện họp hành, hệ thống sẽ biết được rằng người sử dụng thường họp ở tầng 7, và không thích họp trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ.”
PAL và những dự án nghiên cứu khác trong lĩnh vực học máy có thể dẫn đến những ứng dụng điện toán doanh nghiệp. Chẳng hạn như một dự án đang được Đại học Mellon Carnegie tiến hành tập trung vào việc quản lý khủng hoảng. Các nhà nghiên cứu đã trình diễn một ứng dụng có khả năng thu thập thông tin về cách thức tổ chức sự kiện của một người trong nghề. Dựa trên những dữ liệu này, ứng dụng cho phép một người thay thế chưa có kinh nghiệm điều hành một sự kiện tương tự.
Ông Kohout cho biết một trong những lý do khiến dự án PAL được tài trợ trong những năm qua là nhận định của ông Bill Gates rằng một sự đột phá trong lĩnh vực học máy có thể đáng giá bằng 10 công ty Microsoft. Trong thực tế, một vài công ty đã ra đời dựa trên những phát hiện của PAL, bao gồm nhà cung cấp “trợ lý cá nhân ảo” Siri. Công ty này cho biết sẽ sớm phát triển thêm các ứng dụng cho doanh nghiệp.
Công nghệ mạng trên không gian
Với truyền thống 50 năm nghiên cứu khoa học của mình, NASA không xa lạ gì với việc phát minh những công nghệ mới. Một trong những công nghệ đáng chú ý mà NASA đang phát triển là công nghệ mạng có khả năng đàn hồi. NASA từ lâu biết rõ rằng việc kết nối mạng trong không gian đòi hỏi những công nghệ mới và khác hơn so với công nghệ sử dụng trên trái đất.
Năm 1999, NASA bắt đầu làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Internet để phát triển công nghệ phục vụ cho mục đích nói trên. Dù công việc chưa hoàn tất, NASA gần đây đã bắt đầu thử nghiệm một công nghệ mạng mới gọi là Disruption Tolerant Networking (DTN). DTN được thiết kế để chịu đựng tình trạng trì hoãn, gián đoạn và đứt kết nối trong không gian. DTN dự kiến sẽ sớm được triển khai trên Trạm Không gian quốc tế nếu các cuộc thử nghiệm diễn ra thành công.
Về sau này, DTN có thể được ứng dụng phổ biến trên các mạng thương mại. Google gần đây đã tổ chức một cuộc gặp của Nhóm Phát triển DTN. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng một phiên bản của DTN trên các thiết bị di động chạy hệ điều hành Symbian nhằm cải thiện chất lượng dữ liệu khi tín hiệu gián đoạn.
Siêu máy tính
Bộ Năng lượng Mỹ là tổ chức đứng đầu thế giới về việc sử dụng siêu máy tính, với bảy trong 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới đang có mặt ở bộ này. Đứng đầu trong số này là chiếc siêu máy tính Roadrunner trị giá 121 triệu đô-la Mỹ đặt tại Phòng thí nghiệm hạt nhân Los Alamos. Một trong những điểm nổi bật nhất của Roadrunner là kiến trúc “lai” của nó. Các siêu máy tính khác, và máy tính nói chung, thường chỉ nhận sức mạnh xử lý từ một kiến trúc bộ xử lý độc nhất. Trái lại, Roadrunner được cung cấp sức mạnh bởi 12.240 CPU IBM PowerXCell 8i và 6.120 chip Opteron hai nhân của AMD.
Kiểu kiến trúc đa nhân không đồng nhất này dự kiến sẽ trở nên phổ biến trong tương lai, khởi đầu với kiến trúc AMD Fushion kết hợp một CPU và một bộ xử lý đồ họa sắp xuất hiện. John Morrison, một thành viên của Phòng thí nghiệm hạt nhân Los Alamos, nhận định: “Roadrunner sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai của một điện toán lai”.
(Theo Minh Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn // InformationWeek)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com