Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn của Đảng trong thời kỳ đổi mới nền kinh tế. Đây là cơ hội để cơ cấu lại DN nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực then chốt, giải quyết dứt điểm những tồn tại và tình trạng kinh doanh kém hiệu quả của các DNNN. Thông qua CPH, người lao động trở thành cổ đông, là người chủ thực sự phần vốn góp của mình, có điều kiện tham gia quản lý DN.

Từ Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2001-2005), công tác tổ chức, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được xác định là một trong 12 công trình, chương trình trọng điểm của TPHCM. Và, lần đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM trong Hội nghị lần thứ 6 (khóa VII) đã có hẳn Nghị quyết chuyên đề mang số 02 về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Nhờ đó đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc thực hiện sắp xếp và đổi mới DNNN tại TPHCM. Hàng loạt DNNN sau khi cổ phần hóa (CPH) đã “phất lên” đáng kể, minh chứng cho một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt được, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra chưa có phương án giải quyết...

Hết... ỷ lại

Là một trong những người chấp bút dự thảo đề án CPH của cả nước, nói về chủ trương này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng: Đánh giá về CPH thì phải dựa trên tư duy “nhìn thấy rừng chứ đừng chỉ tìm cây”. Nếu nhìn tổng quan thì kết quả CPH “được” nhiều hơn. Nếu duy trì kiểu hoạt động của các DNNN như cách đây 15 năm thì sẽ ra sao? Không những mất mát lớn, mà còn phát sinh nợ nần không thể gánh nổi.

Nhân viên Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn ghi chỉ số nước nhà dân bằng thiết bị điện tử nhanh chóng, chính xác. Ảnh: Đức Trí

Minh chứng cho hiệu quả từ CPH, ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc CT CP Cấp nước Chợ Lớn cho biết: Nếu như trước đây, cán bộ, công nhân viên làm việc theo lối “chỉ đâu đánh đó”, thậm chí phải thường xuyên đôn đốc mới làm thì sau khi CPH họ đã làm việc với tinh thần mới, chủ động và tự lập. “Trước áp lực của cổ đông về lợi nhuận, bằng mọi giá chúng tôi phải làm sao để hoạt động sản xuất kinh doanh phải sinh lãi cao nhất. Một trong những giải pháp mà đơn vị thực hiện triệt để là thực hành tiết kiệm chi phí và con người - điều mà trước đây ít khi nghĩ tới” - ông Đức nói.

Ý thức tiết kiệm ngày một lớn, nhất là tiết kiệm lao động. Nhờ vậy, mặc dù sau CPH, lượng đồng hồ nước lắp đặt cho khách hàng đã tăng từ 120.000 lên 160.000 cái nhưng số lao động đảm nhận công việc vẫn không thay đổi (350 người). Đời sống CB-CNV được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2006 (trước khi CPH), thu nhập bình quân CB-CNV là 4,72 triệu đồng/người/tháng thì sau CPH thu nhập bình quân đã tăng lên 5,363 triệu đồng/ngày/tháng (năm 2007) và 5,765 triệu đồng/người/ tháng (năm 2008).

Về thủ tục, sau khi chuyển sang công ty CP, DN được chủ động trong toàn bộ công tác đấu thầu nên việc thực hiện nhiệm vụ đấu thầu theo kế hoạch nhanh chóng, thuận lợi, đúng kế hoạch. Ngoài ra, việc giao kế hoạch cũng được cụ thể hóa và phải thuyết minh rõ ràng, giải pháp thực hiện cũng được thẩm định sao cho có thể đạt đúng kế hoạch sản xuất.

Từ khi cổ phần hóa năm 2007 đến nay, Công ty cổ phần Cao su Bến Thành kinh doanh khá hiệu quả. Thu nhập bình quân của CBCNV năm 2007 là 1,7 triệu đồng/người/tháng, hiện nay là 3,7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc TCT Công nghiệp Sài Gòn cũng nhìn nhận: Sau CPH, DN được quyền tự chủ rất lớn, nhất là đối với CT liên kết. Nhờ vậy, ngay trong giai đoạn nền kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng nhưng trong tháng 9 -2009, hoạt động sản xuất kinh doanh của CT SINCO tăng trưởng đến 165,25% so với cùng kỳ năm trước; và tính chung 9 tháng đầu năm 2009, mức tăng trưởng của CT này đến 135,7%.   

Minh bạch về tài chính 

Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó Ban Đổi mới DN TPHCM nhận định: CPH mang lại cho DN cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả, phù hợp với thị trường vì DN hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước cổ đông. Việc kiểm tra, giám sát của cổ đông tại DN CPH đã góp phần nâng cao tính công khai minh bạch về tổ chức hoạt động và tài chính của công ty CP. Một số DNNN được chuyển đổi thành DN có nhiều loại hình sở hữu thì tài chính DN lành mạnh hơn thông qua xử lý tài chính và công nợ thanh lý, được điều chuyển tài sản không cần dùng, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của DN được nâng lên rõ rệt.

Ông Lâm cho biết thêm: Tổng hợp báo cáo của các DN CPH (bình quân các năm sau CPH tính đến thời điểm cuối năm 2007 so với bình quân 3 năm trước CPH) đã chứng minh: Các DN CPH đều phát triển so với thời điểm còn là DNNN. Bằng chứng, vốn điều lệ tăng bình quân 42%, doanh thu tăng bình quân 42,75%, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 62%, nộp ngân sách tăng bình quân 27,57%. Đặc biệt, thu nhập của người lao động tăng bình quân 29,59% (thu nhập bình quân 1 người lao động trước CPH 3 triệu đồng/tháng nhưng sau CPH đã tăng 3,85 triệu đồng/tháng và cổ tức đạt 12,23%). Hay, số DN kinh doanh thua lỗ tại thời điểm còn là DNNN chiếm đến 12,88%, khi chuyển sang CP đã giảm chỉ còn 4,9%. Sau CPH DN, số vốn DN dùng cho đầu tư mua sắm tài sản cố định, mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị tăng 21,55% so với trước khi CPH (bình quân mỗi năm tăng 7,18%).

Ở một khía cạnh khác, CPH còn tạo cơ sở thúc đẩy và hình thành thị trường chứng khoán. Đến nay, đã có 24 DN CPH bằng 9,16% DN CPH thuộc TP tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng số vốn hóa thị trường là 1.957,326 tỷ đồng.

Từ  năm 2002 đến 30-6-2009, TPHCM đã sắp xếp, CPH 305 DN. Cụ  thể, CPH 176 DN (39 DN được CPH từ  đơn vị hạch toán phụ  thuộc và bộ phận; 7DN CPH là  của DN kinh tế Đảng, đoàn thể); sáp nhập 42 DN; giao 2 DN; bán 1 DN; giải thể 14 DN; phá  sản 10 DN; 5 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp; 25 DN chuyển đổi sang Công ty TNHH 1 thành viên; 1 DN chuyển đổi sang Công ty TNHH 2 thành viên; 17 DN chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 10 DN chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc; 2 DN chuyển từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang độc lập.

(Nguồn: Ban Đổi mới doanh nghiệp TPHCM)

(Theo SGGP Online)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Quản trị doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế
  • Nghĩ lại sự tôn sùng GDP
  • Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn
  • Tại sao quỹ đầu tư thoái vốn?
  • Hướng hoàn thiện chính sách thuế trong điều kiện hội nhập quốc tế
  • Dự báo kinh tế: Không thể không...sai!
  • Bài học đắt giá từ khủng hoảng vẫn chưa được áp dụng
  • Nền kinh tế Hoa Kỳ: Sự phục hồi kinh tế của ai?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com