Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tại sao quỹ đầu tư thoái vốn?

Minh họa: Khều.

Nhiều doanh nghiệp xem việc gọi vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài như một giải pháp để có được chi phí vốn thấp, góp phần mở rộng thị trường, đưa thương hiệu, cổ phiếu của doanh nghiệp “vươn lên tầm cao mới”... Thế nhưng, ít doanh nghiệp nào nghĩ đến việc một ngày nào đó quỹ sẽ nói lời chia tay.

Đừng mong quỹ ăn đời ở kiếp

Ông Dương Hải, giảng viên trường Doanh nhân PACE, cho rằng các quỹ đầu tư không cho không doanh nghiệp điều gì và ngược lại. Hoạt động của cả hai luôn dựa trên tiêu chí đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp cần vốn để phát triển, quỹ đầu tư cần nơi đầu tư để đồng tiền sinh lời.

Khi đầu tư vào doanh nghiệp, quỹ thường nhắm đến tương lai của doanh nghiệp chứ không phải ở tình hình hiện tại. Thực tế cho thấy, khi góp vốn vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư hẳn nhiên đặt kỳ vọng vào hiệu quả kinh doanh với khoản đầu tư của họ. Do vậy, một số quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, như cung cấp dịch vụ chuyên gia tư vấn, quản trị doanh nghiệp, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, điều hành, mở rộng thị trường và các quan hệ kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, giúp lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp…

Đến lúc doanh nghiệp làm ăn có lãi, có hệ thống quản trị bài bản, dòng tiền tốt hơn, giá cổ phiếu cũng tăng theo thì quỹ đầu tư bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần cho một đối tác khác để hiện thực hóa số lãi từ nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Phân biệt nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược

Theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư tài chính thường chỉ bỏ vốn vào các doanh nghiệp, và trong một số trường hợp, tùy vào tỷ lệ sở hữu, họ có thể cử đại diện vào hội đồng quản trị ở công ty nhưng không tham gia sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những dạng nhà đầu tư tài chính phổ biến hiện nay là các quỹ đầu tư tư nhân (private equity funds). Các quỹ này thường cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động và hệ thống báo cáo tài chính với mục đích tối đa hóa giá trị công ty.

Nhà đầu tư chiến lược, trái lại, khi đã bỏ lượng vốn nhất định để sở hữu một tỷ lệ đáng kể trong công ty, sẽ cố gắng cải thiện năng lực và vị thế cạnh tranh của công ty. Vì thế, những nhà đầu tư tổ chức có thể đóng góp thêm cho công ty bằng công nghệ hiện đại, quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng quản lý, tiếp thị, khả năng tiếp cận với những thị trường mới, khách hàng mới...

Và chuyện hợp tan giữa quỹ và doanh nghiệp, theo ông Hải, là điều hết sức bình thường. Khi đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, nhà đầu tư hay quỹ đầu tư đều nghĩ đến vấn đề thoái vốn. Các quỹ thường thích đầu tư vào những công ty đã IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hoặc chuẩn bị IPO vì những doanh nghiệp này giúp họ thoái vốn dễ dàng hơn.

Nếu chuyên nghiệp thì chính doanh nghiệp sẽ chủ động đưa ra những kịch bản khác nhau cho mình khi quỹ thoái vốn, đừng bao giờ nghĩ quỹ sẽ ăn đời ở kiếp với doanh nghiệp, bởi khi quyết định đầu tư, quỹ cũng đã tính đến các phương án để đồng vốn của họ sinh lời, chứ không chỉ là đợi lấy cổ tức hàng năm.

Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM), ông Louis Nguyễn, cho rằng thực tế khi quỹ bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp giống như đeo hai tròng, vừa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, vừa chịu áp lực với các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ.

Theo ông Nguyễn, khi đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết, quỹ đầu tư thường xem xét chỉ số P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận thu được từ cổ phiếu) đắt hay rẻ. Khi quỹ cảm thấy giá trị của công ty bắt đầu đắt, họ sẽ rút vốn. Ngoài ra, việc thoái vốn còn do quỹ cần tái cấu trúc danh mục đầu tư, hoặc cần tập trung đầu tư vào một ngành, một lĩnh vực cụ thể, hoặc khi quỹ nhận thấy tình trạng bão hòa trong ngành nghề của doanh nghiệp… Do vậy, khi đạt được kỳ vọng, chuyện thoái vốn của quỹ là đương nhiên.

Cần sự chuyên nghiệp

Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Mekong, ông Hồ Văn Tuyên, cho rằng đối với quỹ đầu tư, việc lựa chọn danh mục đầu tư, huy động vốn đầu tư cho danh mục là rất quan trọng. Việc rút vốn (hay chuyển nhượng phần vốn) trong danh mục đầu tư cũng được quỹ hoạch định từ trước.

Vì vậy, ông Tuyên cho rằng khi gọi vốn từ quỹ, doanh nghiệp cần tìm hiểu về nguồn gốc nguồn vốn của quỹ, chiến lược đầu tư như thế nào... Nếu nguồn vốn của quỹ huy động được trong 5-7 năm thì doanh nghiệp tự hiểu đến gần thời điểm đó thì quỹ sẽ thoái vốn.

Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp hiểu về nguồn vốn của quỹ một cách rất mơ hồ, hay không hiểu nguồn vốn đó từ đâu ra.

Bản thân số tiền của quỹ có được cũng là do đi huy động, do vậy khi thị trường suy thoái, quỹ phải chịu áp lực rút vốn để bảo toàn đồng vốn, thậm chí các quỹ không cần tính đến hiệu quả đầu tư lâu dài, mà cắt lỗ để chuyển nhượng. Việc quỹ thoái vốn không có gì xấu, vì khi đầu tư phải có lối ra. Vấn đề là doanh nghiệp cần có sự chuyên nghiệp, để với bất cứ một đối tác nào doanh nghiệp cũng có thể dung hòa và hợp tác được, ông Tuyên cho biết.

Với việc thoái vốn của quỹ đầu tư, ông Hải cho rằng hầu như không ảnh hưởng gì nhiều đến uy tín cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy sự chia tay của các quỹ và doanh nghiệp là điều không thể tránh và cũng không có gì bỡ ngỡ đối với những doanh nghiệp có được sự chuyên nghiệp, ông Hải nói.

Một số quỹ đầu tư vào doanh nghiệp

- Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1), thành lập năm 2004, thời gian hoạt động dự kiến 10 năm, với tổng vốn 1.000 tỉ đồng. VF1 đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (185.120 cổ phần, chiếm 5,21% vốn), Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (647.610 cổ phần, chiếm 7,62% vốn), Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (673.349 cổ phần, chiếm 5,85% vốn).

VF1 đang đầu tư vào một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nhà Từ Liêm (1.081.780 cổ phần, chiếm 6,6% vốn), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (579.832 cổ phần, chiếm 4,51% vốn), Công ty cổ phần Sông Đà 10 (936.700 cổ phần, chiếm 8,006% vốn)...

- Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, thành lập năm 2001, có ba quỹ con gồm Mekong Enterprise Fund (thành lập năm 2002), Mekong Enterprise Fund II (thành lập năm 2006) và Quỹ Vietnam Azalea Fund (thành lập năm 2007). Tổng vốn đầu tư của ba quỹ là 168,5 triệu đô la Mỹ, thời gian hoạt động dự kiến của mỗi quỹ từ 5-8 năm hoặc có thể dài hơn tùy từng trường hợp. Mekong Capital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, Công ty cổ phần Sài Gòn Gas.

Mekong Capital đang đầu tư vào một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm Masan (tổng vốn đầu tư 9,4 triệu đô la Mỹ), Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế (hơn 6 triệu đô la), Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà Intresco (hơn 14 triệu đô la), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (hơn 12 triệu đô la)…

- Indochina Capital Việt Nam đã và đang bắt đầu thoái vốn tại tập đoàn Bảo Việt (22.850.664 cổ phần, chiếm 9,4% vốn), tập đoàn FPT (11.210.476 cổ phần, chiếm 4,6% vốn), Công ty Vinamilk (7.804.623 cổ phần, chiếm 3,2% vốn), tập đoàn công nghiệp Hòa Phát (4.916.329 cổ phần, chiếm 2% vốn), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (2.523.337 cổ phần, chiếm 1% vốn), tập đoàn Mai Linh (2.912.915 cổ phần, chiếm 1,2% vốn), Công ty cổ phần Thực phẩm Kinh Đô miền bắc (343.392 cổ phần, chiếm 0,1% vốn)…

- Quỹ IDG Ventures Vietnam, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ tại Việt nam, quản lý số vốn 100 triệu đô la Mỹ, đang đầu tư vào Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame, Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt…

- Quỹ Đầu tư VinaCapital đang đầu tư vào Phở 24 (4 triệu đô la Mỹ, chiếm 30% vốn), Công ty mobizCom (chiếm 30% vốn), Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Toàn Cầu (chiếm 49% vốn), Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí (3.905.283 cổ phần, chiếm 1,6% vốn). VinaCapital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại Masan (13,1 triệu đô la), mới đây nhất là thoái 70% vốn tại khách sạn Hilton Hanoi Opera.

 

(Theo Nguyễn Quân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Hướng hoàn thiện chính sách thuế trong điều kiện hội nhập quốc tế
  • Dự báo kinh tế: Không thể không...sai!
  • Bài học đắt giá từ khủng hoảng vẫn chưa được áp dụng
  • Nền kinh tế Hoa Kỳ: Sự phục hồi kinh tế của ai?
  • Giáo sư Rick Wolf: Rủi ro tiềm ẩn đằng sau sự hồi phục nền kinh tế Mỹ
  • 4 lý do kinh tế châu Á chưa qua thời phụ thuộc phương Tây
  • Hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR
  • Cựu Chánh Tòa Kháng án Liên bang Mỹ viết sách về thất bại của chủ nghĩa tư bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com