Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở

Những kết quả đạt được qua bài viết trước cho thấy, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh không ít bất cập, thậm chí có những mục tiêu không những không đạt được mà còn tác dụng ngược...

Tổng Công ty Phong Phú, một trong những đơn vị cổ phần hóa làm ăn hiệu quả. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thất thoát vì định giá không sát

Quá trình CPH thời gian qua cũng là quá trình thất thoát nhiều tài sản nhà nước (NN) một cách… hợp lệ vì những quy định còn bất cập. Một trong những kiểu thất thoát điển hình là định giá DN “bèo” để sau một thời gian CPH, khối tài sản đó được tư nhân hóa - lọt vào tay một vài cổ đông “đại gia”, trở thành tài sản có giá trị khổng lồ. Những “đại gia” có thể là ban giám đốc DNNN và bạn bè, những người biết rõ tình hình DN, câu kết đánh giá thấp giá trị, sau đó khống chế, thôn tính....

Chẳng hạn như: Công ty (CT) CP Đay Sài Gòn có tài sản gồm trụ sở chính tại số 11 đường Công trường Mê Linh, quận 1 rộng khoảng 2.200m² và khu nhà máy sản xuất tại quận 4 với diện tích khoảng 24.000m² nhưng chỉ được định giá khoảng 16 tỷ đồng. Sau CPH, hầu như sản xuất của DN này bị đình đốn bởi việc tranh giành quyền kiểm soát DN (thực chất là các xung đột nhằm kiểm soát những khu đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng mà DN được thuê sử dụng với giá quá rẻ).

Tương tự, tại CT Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 trước khi CPH thành CT CP Bình Phú, đã tiến hành xác định giá trị DN đối với 9 dự án, mà theo đơn cáo giác của một lãnh đạo công ty thì “không theo giá thị trường nên gây thất thoát cho NN hàng trăm tỷ đồng”.

Chỉ khi có các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm tra thì những sai phạm đó mới lòi ra và được “đòi” lại một ít. Như: CT Kỹ thuật Xây dựng Phú Nhuận bị yêu cầu phải điều chỉnh xuất toán chi phí, tăng lợi nhuận trước thuế, ghi tăng vốn NN khi xác định giá trị DN thực hiện CPH, nộp vào ngân sách là 561,189 triệu đồng; xem lại việc định giá 5 căn hộ chung cư Phan Xích Long; xác định lại phần lợi nhuận của dự án Thới An quận 12. Kết quả xác định lại giá trị DN ở CT CP Savico cũng cho thấy đã chênh lệch so với sổ sách là 26,399 tỷ đồng; kết quả xác định giá trị CT CP cấp nước Chợ Lớn tăng so với sổ sách hơn 33 tỷ đồng…

“Quên” giá trị thương hiệu

Thời gian gần đây, nhiều DN lớn đã được đưa ra CPH. Kết quả đấu giá các DN cho thấy giá trúng thầu đều cao hơn mấy lần so với giá khởi điểm. Điều đó cho thấy, tài sản NN chưa được định giá đúng, nhất là giá trị sử dụng mặt bằng, giá trị thương hiệu, thị phần…

Trong Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc chuyển đổi DNNN thành CT CP chỉ nêu ngắn gọn: “Giá trị thực tế của DN CPH là giá trị toàn bộ tài sản hiện có của DN tại thời điểm CPH, có tính đến khả năng sinh lời của DN mà người mua, người bán CP đều chấp nhận được. Lợi thế kinh doanh của DN gồm: vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển”.

Căn cứ duy nhất để tính lợi thế kinh doanh đó là lấy tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị DN. Nếu với phương pháp này, rõ ràng những DN không có lợi nhuận thì kể như cũng không có giá trị thương hiệu!

Phân tích về vấn đề này, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, Ủy viên UBKT của QH nhận định: Các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc đều có thể liệt kê dễ dàng, nhưng còn những giá trị như nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, các sáng chế… thì gần như không được đề cập đến. Điều này có thể dẫn đến mất mát lớn.

Bất cập hậu quản lý DN sau CPH

Huy động vốn, thay đổi cơ chế quản lý, tìm được những người có năng lực để thay mặt NN quản lý DN… là các mục tiêu cơ bản mà những DNNN CPH muốn đạt được. Bên cạnh những DN hoạt động hiệu quả hơn sau CPH, vẫn còn nhiều DN chưa thật sự đổi mới hoặc vẫn tiếp tục trì trệ, nợ nần, thua lỗ, bị thao túng… Để tình trạng đó xảy ra và kéo dài khó xử lý, một phần cũng do cơ quan quản lý NN quá “chậm chân” trong hoàn thiện cơ chế pháp lý.

Một cán bộ Ban Đổi mới Quản lý DN nhận định: Nhiều DN sau CPH đang gặp vướng bởi nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm trước CPH, như: nợ tài chính, nợ không có khả năng thu hồi, lao động dôi dư. Nhiều lãnh đạo công ty CP quản lý DN với phương thức cũ (giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT tự quyết mọi vấn đề, thậm chí có DN không tổ chức đại hội cổ đông trong một thời gian dài…) nên khó tạo sự thay đổi.

Một số nơi, thành viên trong ban lãnh đạo DN nắm quyền chi phối, không đưa ra hội đồng cổ đông bàn bạc mà đã “thoải mái” phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, dẫn đến làm giảm giá trị cổ phiếu gốc và tỷ lệ góp vốn của cổ đông. Có nơi, các thành viên trong ban lãnh đạo tự quyết định cơ cấu đầu tư mà không bàn bạc với các cổ đông nên khi thị trường bất động sản, chứng khoán hưng thịnh thì “nhảy” vào đầu tư, đến khi thị trường này tụt giảm thì DN lao đao theo…

Bà Hoàng Thị Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN TP trong một cuộc họp mới đây với UBND TP cũng cho biết, thời gian qua, quỹ tiền lương do DN tự đăng ký nhưng chưa được duyệt (ngoại trừ các tổng công ty xếp hạng đặc biệt thì có sự phê duyệt của Bộ LĐTB-XH) dẫn đến nhiều đơn vị xây dựng quỹ tiền lương không bám sát hướng dẫn. Việc “vượt rào” này đã làm cho tiền lương của người lao động trong DN không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh.

Từ những bất cập trên, khi cơ quan chức năng kiểm tra DN nào là phát hiện có sai sót. Một trong những sai phạm phổ biến đều liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, mặt bằng nhà xưởng. Nhiều DN sở hữu nhiều mặt bằng có giá trị, đã đem cho thuê lại kiếm lời, hoặc đem chuyển nhượng, “gá” nợ (CT CP Vận tải Xăng dầu Vitaco thuê địa chỉ 12 Lê Duẩn quận 1 và cho 2 đơn vị khác thuê lại một phần diện tích làm văn phòng giao dịch); CT CP Cơ khí xây dựng công trình 623 “qua mặt” các cơ quan chức năng “gá nợ” khu đất 11.561m² ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho Công ty CP Phúc Long…

Nhiều DN trước khi CPH thì không thấy nợ nần nhưng sau CPH “lòi” ra nhiều khoản nợ cực lớn. Như: CT CP Kim Thạch kinh doanh lỗ lũy kế 12,641 tỷ đồng (chiếm 50,57% vốn đầu tư chủ sở hữu); CT CP Tư vấn Quy hoạch và Xây dựng từ năm 2005 đến nay liên tục lỗ, còn nợ thuế và các khoản phải nộp là 1,283 tỷ đồng. Ba CT thuộc TCT Xây dựng Sài Gòn có vốn NN trên 51% đã CPH để nợ khó đòi đến 12,56 tỷ đồng.

Rõ ràng, nếu cố gắng ép, đẩy nhanh tiến độ CPH trong khi cơ chế giám sát, kiểm tra, định giá, quản trị DN… vẫn chưa được chặt chẽ thì chắc chắn một lượng lớn giá trị tài sản của NN mà các DN này đang nắm giữ không những sẽ bị mất mà quyền lợi của cổ đông cũng đang tiếp tục bị hao mòn!

Vai trò tổ chức Đảng còn lu mờ

Trong một báo cáo mới đây, UBND TP nhận định: Chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, Đảng bộ cơ sở trong DN CPH có vốn NN một số nơi chưa sâu, có mặt cứng nhắc, không phù hợp với điều kiện thực tế của DN.

Một số cơ sở Đảng chưa xây dựng quy chế làm việc (35 cơ sở, chiếm 8,1%), có quy chế nhưng chưa phù hợp với tình hình DN (61 cơ sở, chiếm 14,2%). Một số cán bộ, đảng viên khi tham gia vào HĐQT, ban điều hành DN thì có biểu hiện xem nhẹ công tác Đảng, đoàn thể.

Thậm chí có nơi giám đốc chưa tán thành việc đề ra quy chế hoạt động của Đảng ủy CT CP… Quy định số 140 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong CT CP có vốn NN nêu rõ : “Nếu có vấn đề nào không thống nhất được thì cùng báo cáo lên cấp ủy cấp trên và cơ quan quản lý cấp trên có quyền xem xét quyết định”.

Thực tế, việc này khó thực hiện vì theo quy định của pháp luật, quyền quyết định sản xuất kinh doanh và công tác tổ chức cán bộ trong công ty CP không có phần vốn NN chi phối thì thuộc thẩm quyền của TGĐ, HĐQT và của đại hội cổ đông.

(Theo SGGP online)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)
  • Quản trị doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế
  • Nghĩ lại sự tôn sùng GDP
  • Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn
  • Tại sao quỹ đầu tư thoái vốn?
  • Hướng hoàn thiện chính sách thuế trong điều kiện hội nhập quốc tế
  • Dự báo kinh tế: Không thể không...sai!
  • Bài học đắt giá từ khủng hoảng vẫn chưa được áp dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com