Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS.Phan Minh Ngọc: Bàn về khủng hoảng và thất nghiệp

Đối phó với thất nghiệp, Chính phủ có những lựa chọn khác nhưng đều liên quan tới độ dày của túi ngân sách, làm tăng chi tiêu Chính phủ, tăng thâm hụt ngân sách vốn đã tới mức không nên thâm thủng và kéo dài hơn của Việt Nam. Do đó, cần có sự đánh đổi giữa các mục tiêu ưu tiên trong bối cảnh tiềm lực tài chính eo hẹp: ưu tiên cho đầu tư hoặc ưu tiên cho ngăn ngừa và giảm thiểu sa thải nhân công ở DN. - Ts. Phan Minh Ngọc.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam đã trở thành sự kiện thời sự với những tin tức xuất hiện hầu như hàng ngày trên các phương tiện truyền thông về một doanh nghiệp nào đó, một khu công nghiệp nào đó đã và đang định sa thải bao nhiêu công nhân. Kèm theo đó, những phóng sự, những bài viết về thực trạng cuộc sống bi đát của những công nhân ngoại tỉnh mất việc càng làm u ám thêm vấn đề thất nghiệp và việc làm trong cơn khủng hoảng.
 

Dòng người thất nghiệp ở Mỹ trong đại khủng hoảng. Ảnh: worldpress

Thiếu thống kê


Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề thất nghiệp và những hậu quả về chính trị và xã hội của nó nhưng phản ứng của Chính phủ vẫn chưa đủ nhanh chóng và mạnh mẽ.

Cho đến nay, có thể điểm ra mấy động thái đáng kể từ phía Chính phủ như tung ra gói kích thích đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề trị giá 1 tỷ đôla, hạ lãi suất tín dụng nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng, hạ thuế và phí để giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí v.v…

Công bằng mà nói, điều này không chỉ do năng lực phản ứng và nguồn lực hạn chế mà còn bắt nguồn từ hai nguyên nhân sau.

Thứ nhất, do căn bệnh chủ quan của một số cơ quan hữu quan, kể cả một số chuyên gia kinh tế độc lập, nên cuộc khủng hoảng tài chính của thế giới ban đầu được cho là không mấy ảnh hưởng đến Việt Nam.

Chúng ta vẫn còn hưng phấn với viễn cảnh tăng trưởng trong năm nay và những năm sau và rất tự tin vào khả năng của mình theo kiểu “đường ta ta cứ đi”, thể hiện qua việc “phấn đấu hoàn thành” chỉ tiêu tăng trưởng rất cao cho 2008 và tiếp tục đặt ra mục tiêu cao cho năm 2009. 

Dĩ nhiên, sự chủ quan này đã khiến chúng ta không kịp ứng phó với những biến động xấu đi hàng ngày của cuộc khủng hoảng.

Thứ hai, năng lực thống kê và nắm bắt tình hình của các cơ quan hữu trách còn yếu. Cho đến tận bây giờ, dường như vẫn chưa có một cuộc thống kê đầy đủ và tổng quát cho biết đã có bao nhiêu người thất nghiệp hoàn toàn và bán thất nghiệp trong thời gian qua, chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong lực lượng lao động, đã có bao nhiêu việc làm mới được tạo ra, địa phương nào, ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất v.v…


Cái mà đại chúng được biết thường là những số liệu về số công nhân mất việc mang tính cục bộ ở một doanh nghiệp cụ thể, một khu vực cụ thể tại một thời điểm cụ thể. Tình trạng này đẩy chúng ta vào thế “thầy bói xem voi”, không đánh giá được tổng quan về tình hình để từ đó có những giái pháp đối phó hợp lý và kịp thời.

Cũng bởi lý do này mà người viết hoài nghi về mức độ trầm trọng của nạn thất nghiệp ở Việt Nam mà dư luận cảm nhận được qua các tin tức và báo cáo trên các phương tiện truyền thông.

Tốc độ tăng trưởng tụt từ mức trên 8% xuống còn 5%-6% trong năm nay tất yếu sẽ làm tăng con số thất nghiệp. Nhưng lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng như vậy trong năm 2009 vẫn là một tốc độ tăng trưởng tương đối cao đáng mơ ước với nhiều nền kinh tế trên thế giới, và bản thân nó cho thấy tình trạng thất nghiệp trên thực tế có lẽ không đến mức trầm trọng và bi quan như những gì ta đang cảm nhận.

Hơn nữa, sự thiếu vắng những số liệu thống kê và các nghiên cứu tổng quát cũng không cho phép ta đánh giá được đầy đủ tác động của sự suy giảm tăng trưởng lên tình trạng thất nghiệp. Suy giảm tăng trưởng đôi lúc không hoàn toàn tỷ lệ nghịch với gia tăng thất nghiệp theo kiểu tăng trưởng giảm đi 1% thì thất nghiệp sẽ tăng lên x%. Bởi vậy, nếu như suy giảm tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là do suy giảm ở một số ngành thâm dụng vốn và sử dụng ít lao động thì tác động tiêu cực của nó lên công ăn việc làm cũng sẽ là nhỏ một cách tương đối.

Vẫn chưa có một cuộc thống kê đầy đủ và tổng quát cho biết đã có bao nhiêu người thất nghiệp hoàn toàn và bán thất nghiệp trong thời gian qua.

Cũng cần lưu ý thêm rằng kể cả trước cuộc khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp đã không phải là nhỏ, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên mới bước vào lực lượng lao động. Dẫu vậy, thực tế vẫn là nạn thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng, dù ít hay nhiều một cách tương đối, đòi hỏi Chính phủ phải có những đối sách hữu hiệu hơn, ngoài những biện pháp nêu ở trên.

Lựa chọn chính sách

Ở những nước khác, một trong những công cụ chính đối phó với thất nghiệp là bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ tài chính cho người lao động để giúp họ có thể tồn tại (một cách lương thiện) trong thời gian tìm việc làm khác.

Rất tiếc, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp chưa hoạt động ở Việt Nam và nếu có thì cũng sẽ chỉ bảo hiểm cho một bộ phận nhỏ của lực lượng lao động Việt Nam, vốn có một tỷ trọng lớn là lực lượng lao động từ nông thôn ra, phần lớn trong số đó lại làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, nhiều khi mang tính gia đình, và do đó khó có thể kiểm soát được tình hình liên quan đến người lao động chứ chưa nói đến chuyện bảo hiểm thất nghiệp.

Với đặc thù này, bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam sẽ và vẫn sẽ không phải là một công cụ hữu hiệu giảm nhẹ gánh nặng thất nghiệp cho người lao động khi được áp dụng nay mai.

Vậy Chính phủ có những lựa chọn nào khác để đối phó với nạn thất nghiệp đang gia tăng không? Câu trả lời hẳn nhiên là có, nhưng không hẳn là hoàn toàn khả thi. Một số lựa chọn có khả năng nhất thường lại liên quan đến độ dầy của cái “túi” ngân sách.

Một số quốc gia hiện nay có những sáng kiến như trợ cấp một tỷ lệ nhất định trong quỹ lương ở các doanh nghiệp. Họ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu v.v… mà mục đích không gì khác ngoài việc giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí nhân lực liên quan mà không cần phải sa thải nhân công.

Bên cạnh đó, những biện pháp gián tiếp khác như cắt giảm thuế tiêu thụ cũng giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng với hy vọng rằng tổng cầu sẽ được duy trì ở mức khả dĩ, tác động tích cực ngược lại đến doanh nghiệp và do đó giảm thiểu được nạn sa thải nhân lực do sản xuất kinh doanh đình đốn. Tất cả những biện pháp này đều làm gia tăng chi tiêu Chính phủ và do đó làm tăng thâm hụt ngân sách, vốn đã ở mức không nên thâm thủng hơn và kéo dài hơn ở Việt Nam.

Đánh đổi mục tiêu

Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp chưa hoạt động ở VN và nếu có thì cũng sẽ chỉ bảo hiểm cho một bộ phận nhỏ của lực lượng lao động Việt Nam. Ảnh: baovietnam.vn

Xét trên nghĩa này, ở đây có sự đánh đổi giữa các mục tiêu ưu tiên trong bối cảnh tiềm lực tài chính của Chính phủ cực kỳ eo hẹp: hoặc là ưu tiên cho đầu tư (như ở gói kích cầu đầu tư nói ở phần đầu), hoặc là ưu tiên cho ngăn ngừa và giảm thiểu sa thải nhân công ở các doanh nghiệp.

Lưu ý rằng hai mục tiêu này không nhất thiết là có quan hệ hữu cơ với nhau. Tăng đầu tư nhưng là đầu tư cho những ngành thâm dụng vốn vừa không giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh (trừ chuyện chi phí vay vốn có thể giảm) vừa không tạo ra thêm nhiều việc làm mới để thu hút lao động bị sa thải ở những doanh nghiệp khác.

Thậm chí, cho dù tăng đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động, tình hình thất nghiệp không chắc đã được cải thiện bởi doanh nghiệp có tuyển thêm nhân công và mở rộng sản xuất hay không còn phụ thuộc vào tình hình thị trường, là điều mà chẳng ai dám đặt cược lúc này.

Ngược lại, ngăn ngừa và giảm thiểu sa thải nhân công ở các doanh nghiệp với các biện pháp cắt giảm chi phí nhân công cho doanh nghiệp như nói ở trên chỉ giúp họ duy trì được quy mô sản xuất kinh doanh hiện có, và đây cũng đã là một cố gắng lớn.
 
Thêm nữa, tương tự như bảo hiểm thất nghiệp, các biện pháp này nếu có áp dụng thì cũng chỉ áp dụng được đối với khối doanh nghiệp “chính thống”, với cái nghĩa là Chính phủ có thể kiểm soát được tình hình sản xuất kinh doanh thông qua các chế độ báo cáo, và các nghĩa vụ giao nộp, đóng góp, chứ không phải là các doanh nghiệp nhỏ, gia đình mà tình hình hoạt động kinh doanh là một ẩn số chẳng bao giờ có lời giải.

Một biện pháp khác thường được nói đến mỗi khi có tình trạng thất nghiệp gia tăng là biện pháp tái đào tạo nhân lực, được tiến hành bởi Chính phủ hoặc doanh nghiệp. Nhưng lối thoát này cũng ít mang lại hiệu quả, ít nhất vì hệ thống đào tạo nói chung của Việt Nam ngay trong thời bình thường cũng đã quá nhiều chuyện để nói, chưa kể đến việc này cũng lại liên quan đến túi tiền của nhà nước, của doanh nghiệp, vốn không còn dư dả chút nào.

Ngoài những biện pháp ít nhiều động chạm đến vấn đề tiền nong như trên, có lẽ chỉ còn một biện pháp ít tốn kém hơn là thông qua các tổ chức công đoàn thuyết phục người lao động và chủ doanh nghiệp chấp nhận một mức cắt giảm trong tiền lương để duy trì số công ăn việc làm trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, biện pháp này cũng lại chỉ được áp dụng được ở những nơi có tổ chức công đoàn và vẫn còn hoạt động!

Sau cùng, dẫu vẫn biết rằng vấn đề thất nghiệp gia tăng là một u nhọt trong xã hội nếu không kiểm soát được và để vỡ ra thì sẽ gây ra nhiều biến chứng, nhưng đôi khi phải chấp nhận nó như là hậu quả của một sự điều chỉnh tất yếu trong những giai đoạn đi xuống của chu kỳ kinh tế vì chúng ta không có nhiều lựa chọn khả thi, và trong số đó, kết quả lại phụ thuộc vào năng lực xử lý vấn đề của Chính phủ, cũng như những đặc thù của nền kinh tế mà để giải quyết chúng theo hướng tích cực thì cần những chuyển biến lớn trong cả một thời gian dài.

 

 

(Ts. Phan Minh Ngọc //Theo VietNamNet)

Bài thuộc chuyên đề: Khủng hoảng kinh tế - Việc làm - Thất nghiệp

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Phân định kẻ thắng người thua
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)
  • Quản trị doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế
  • Nghĩ lại sự tôn sùng GDP
  • Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com