Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần (3): Điều chỉnh chính sách

“Tuy quy định vẫn còn kẽ hở nhưng những gì đã có thì các cơ quan chức năng trong phạm vi của mình phải thực hiện nghiêm, không thể đá hết quả bóng trách nhiệm về cho UBND TP được” - Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn nhận định về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, tổng công ty... trong quản lý doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH) trên địa bàn TPHCM. 

  • Minh bạch thông qua thị trường 

Ông Lịch chia sẻ: Khi tham gia các đoàn giám sát về tình hình sử dụng đất của các công ty, tổng công ty trên địa bàn TP thời gian qua, tôi luôn quan tâm đến vấn đề: Các DN có mặt bằng thì sử dụng mặt bằng đó làm gì. Ngay khi ký kết với nhà nước, các cơ quan quản lý phải chế tài bằng cách ghi rõ sử dụng vào mục đích gì. Nếu có thất thoát, lãng phí, thực hiện không đúng chức năng thì cơ quan đại diện nhà nước quản lý sẽ xử lý như thế nào?

Theo tôi, những thất thoát phát sinh liên quan đến nhà - đất chỉ có thể xử lý được khi nào giá đất được đưa lên bằng giá thị trường, không ai có quyền ưu tiên. Những diện tích đất cho thuê đều phải thông qua đấu giá thị trường. Chỉ có thông qua thị trường thì mới phản ánh được trung thực giá trị của DN. 

Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, Phó Chánh Thanh tra TP cho rằng: Trước mắt, UBND TP cần siết lại trách nhiệm các đơn vị có liên quan. Đơn cử: Luật Thuế nhà nước đã có quy định cụ thể, UBND TP phải chỉ đạo và “siết lại” Cục thuế TP truy thu thuế tại các DN nêu trên. Việc nộp các khoản chênh lệch sau CPH về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN đã có quy định cụ thể, UBND TP phải yêu cầu và chế tài các công ty CP thực hiện nghiêm… 

  • Phân cấp và hoàn thiện quy định 

Theo bà Nga, với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết thì UBND TP cần khẩn trương kiến nghị Trung ương hoàn thiện Hiện nay, để quản lý việc này cần có một “tư lệnh” làm đầu mối tổng hợp từ trung ương đến địa phương trong quản lý NN đối với CT CP chuyển thể từ DNNN để giải quyết nhanh các khó khăn vướng mắc, phát sinh trong thực tế.

Để tháo gỡ, Chính phủ, Bộ Tài chính cần xem xét lại việc tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN CPH, nên điều chỉnh giá cho thuê sát với giá thực tế trên thị trường để tránh tình trạng DN cho thuê lại.

Việc các DN tự ý cho thuê lại nhà xưởng, mặt bằng bởi họ cho rằng theo Luật DN, công ty CP có toàn quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình (trong đó có nhà xưởng) thì Bộ Tài chính và Bộ TN-MT cũng cần phải có văn bản hướng dẫn để tránh “ngộ nhận”. Trong khi chờ đợi, cần bổ sung tiêu chí về mặt bằng khi phân loại DNNN để sắp xếp theo hướng NN giữ CP chi phối đối với DNNN CPH có nhiều mặt bằng, nhà đất. 

Trong kiến nghị gửi Trung ương, UBND TPHCM cũng cho rằng Bộ Tài chính cần điều chỉnh phương pháp tính giá trị lợi thế vị trí địa lý theo quy định tại Thông tư 146/2007/TT-BTC. Trong trường hợp không thay đổi được thì Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép không tính giá trị lợi thế vị trí địa lý vào giá trị DN CPH mà điều chỉnh giá cho thuê đất sát với giá thị trường để tránh tình trạng hai giá cho thuê đất. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Chính phủ cần sớm có quy định buộc các DN CPH đều phải thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Để làm được điều này, cần phải giao cho các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH phải quy định số lượng tối đa, tối thiểu đối với phần bán ra cho công chúng trong phương án phát hành cổ phần lần đầu, để DN sau khi CPH có đủ điều kiện niêm yết theo Luật Chứng khoán. 

  • Tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý DN 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín, trên cơ sở đề án tổng thể đã được phê duyệt, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thì cho phép UBND TP được chủ động quyết định điều chỉnh để hoàn thành nghiêm túc việc sắp xếp các DNNN theo đúng tiến độ.

Riêng đối với NLĐ thì Chính phủ nên cho phép NLĐ mua cổ phần giá ưu đãi bằng 60% giá khởi điểm để bán đấu giá thay vì 60% giá đấu thành công như hiện nay nhằm tạo điều kiện để NLĐ gắn bó hơn với đơn vị.

Đối với tổ chức Công đoàn (CĐ) trong DN thì kiến nghị được mua với giá bằng 60% giá khởi điểm để bán đấu giá và tăng tỉ lệ cổ phần mà CĐ trong DN được phép mua là 5% (với tỉ lệ này, CĐ mới có thể cử người ứng cử tham gia vào Hội đồng quản trị và kiểm soát CT CP). Đồng thời, cần quy định thời gian hạn chế chuyển nhượng để tạo điều kiện cho tổ chức CĐ chủ động đồng vốn và góp phần làm chủ DN… 

Trong thời gian qua các DNNN được CPH ở TPHCM phần lớn chỉ là những DN có quy mô nhỏ nên những “kẽ hở” nói trên cũng chưa gây thiệt hại lớn. Điều đáng nói là, từ năm 2005 trở đi, nhiều tổng công ty, công ty đang sở hữu nhiều DN có thương hiệu lớn bắt đầu CPH. Các cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm và kịp thời có chính sách, điều chỉnh để tránh tổn thất và làm “đúng hướng” lại một chủ trương đúng của Đảng

(Theo SGGP Online)

  • Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường
  • 10 công trình nghiên cứu kinh tế có sức ảnh hưởng mạnh nhất 100 năm qua
  • Giao thông phản ánh tình hình kinh tế?
  • TS. Alan Phan: Cách đánh giá một nền kinh tế
  • Việt Nam: Bẫy thu nhập trung bình có thể xuất hiện sớm?
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa(2): Thiệt vì những kẽ hở
  • Những vấn đề đặt ra từ các doanh nghiệp cổ phần hóa (1)
  • Quản trị doanh nghiệp trong thời khủng hoảng kinh tế
  • Nghĩ lại sự tôn sùng GDP
  • Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn
  • Tại sao quỹ đầu tư thoái vốn?
  • Hướng hoàn thiện chính sách thuế trong điều kiện hội nhập quốc tế
  • Dự báo kinh tế: Không thể không...sai!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com