Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương ở Bangkok (Thái Lan), giáo sư Stiglitz nhấn mạnh, Liên hợp quốc có vai trò rất quan trọng trong việc xác định nguồn gốc của cuộc khủng hoảng cũng như trong quá trình định hình một nền kinh tề thế giới bền vững và công bằng hơn.
Vì đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu nên một nhóm nhỏ các nước công nghiệp phát triển và đang nổi lên như G20 không thể khắc phục mà phải là G192 - gồm tất cả các thành viên của Liên hợp quốc.
Ông nêu rõ đặc trưng của hệ thống
kinh tế thế giới hiện nay là việc phi quy chế hóa tài chính một cách quá mức và khuyến khích vay nợ để tiêu dùng. Theo ông, hệ thống này là không hoàn thiện và cần phải được cải tổ để tạo ra một cơ cấu kinh tế toàn cầu hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ lợi ích đa số và theo cách thức bền vững hơn.
Giáo sư Stiglitz cũng là Chủ tịch Ủy ban các chuyên gia của Liên hợp quốc về cải tổ hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu. Ông nhấn mạnh mọi phản ứng thành công đối với khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay đều phải tính nhiều hơn đến nhu cầu của các nước đang phát triển.
Ủy ban các chuyên gia của Liên hợp quốc kêu gọi cải tổ mạnh mẽ cơ cấu tài chính quốc tế và đề xuất thành lập Hội đồng Phối hợp Kinh tế Toàn cầu như là một cơ quan của Liên hợp quốc với các cuộc họp hàng năm ở cấp nguyên thủ quốc gia để đánh giá tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế thế giới./.