Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều kỳ diệu của khoa học

Một nhà khoa học thuộc Pioneer Hi-Bred, một trung tâm của DuPont ở bang Lowa. Theo trình bày của ông, năng suất trung bình của cây bắp ở Mỹ xấp xỉ 10 tấn/héc ta. Năng suất ở Việt Nam khoảng 4 tấn/héc ta - Ảnh: Sơn Tùng.

Thế nào là một công ty hoạt động trên nền tảng phát minh khoa học trong trường hợp DuPont và một số cơ hội công ty này có thể mang lại trong trường hợp Việt Nam.

Đó không phải trên một chuyến bay mà chỉ là nhà hàng Green Room trong khách sạn Du Pont ở Wilmington, bang Delaware, nước Mỹ. Khoảng 50 người hiện diện trong nhà hàng với hơn phân nửa là các nhà báo đến từ nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, Anthony Farina, Giám đốc giao tế nhân sự toàn cầu của tập đoàn DuPont, lại mở đầu phát biểu của mình bằng việc hướng dẫn cử tọa các lối thoát hiểm trong nhà hàng.

Đó cũng không phải là lần duy nhất. Trong suốt cuộc họp báo kéo dài chính thức hai ngày do Công ty DuPont tổ chức diễn ra vào giữa tháng 9, chi tiết này lại được nhắc đến mỗi khi các nhà báo thăm một địa điểm mới thuộc công ty.

Thực ra, cửa thoát hiểm lại liên quan đến vấn đề an toàn cá nhân vốn gắn liền với lịch sử của DuPont, một tập đoàn có 208 năm tuổi. Năm 1802, E. I. du Pont sáng lập Công ty DuPont chuyên sản xuất thuốc súng. Đó là một nghề nguy hiểm nên ngay từ những ngày đầu tiên, an toàn cho tính mạng con người được đặt lên hàng đầu trong Công ty DuPont non trẻ.

Hơn hai thế kỷ sau, DuPont không còn sản xuất thuốc súng, mà đã trở thành một công ty đa ngành với một danh mục sản phẩm trải rộng từ hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến sản phẩm năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học, và các giải pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng con người với doanh số năm 2009 là 26,1 tỉ đô la Mỹ, bằng khoảng một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Một công ty dựa trên nền tảng phát minh khoa học

Ellen Kullman, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành DuPont, cho rằng công ty của bà hoạt động dựa trên nền tảng phát minh khoa học. Nhưng thế nào là một công ty như vậy?

Các ngành khoa học mũi nhọn DuPont hiện có bao gồm hóa học, khoa học công trình, khoa học vật liệu, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học trong công nghiệp và nông nghiệp. Theo DuPont, chính nhờ nghiên cứu một cách chọn lọc các ngành khoa học có liên quan mật thiết với nhau, họ có khả năng giải quyết nhiều vấn đề gai góc trên ba lĩnh vực họ cho là “xu hướng chủ đạo” (megatrend) đang dẫn dắt thế giới, bao gồm nâng cao sản lượng lương thực, giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.

DuPont quy tụ 8.500 nhà khoa học làm việc tại 75 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong số đó khoảng 40 trung tâm đặt tại Mỹ, số còn lại ở 11 quốc gia khác.

Được thành lập năm 1903 tại thành phố Wilmington, bang Delaware, Experimental Station - trung tâm nghiên cứu đầu tiên và lớn nhất của DuPont, cũng là một trong những trung tâm đầu tiên và lớn nhất thế giới thuộc loại này - rộng 150 dặm vuông, có cách bố trí tương tự khuôn viên của một viện đại học và là nơi làm việc của hơn 2.000 nhà nghiên cứu với hơn 500 người có bằng tiến sĩ. Chính tại phòng thí nghiệm này, vào thập niên 30 của thế kỷ trước, các nhà khoa học của DuPont đã phát minh ra sợi polymer dẫn đến việc tổng hợp nylon.

Mỗi năm, DuPont dành khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ cho nghiên cứu khoa học. Bảy mươi lăm phần trăm con số này được đổ vào các nghiên cứu trong ba “xu hướng chủ đạo” nêu trên.

Tính đến nay, DuPont đã có bản quyền cho hơn 35.000 phát minh. Nghĩa là cứ trung bình hai ngày, công ty này lại được cấp bản quyền một phát minh mới trong suốt lịch sử 208 năm của mình!

Nghiên cứu khoa học nói chung rất tốn kém. DuPont có kế sách gì giải quyết vấn đề này? Trong phần trả lời câu hỏi này của TBKTSG, người đại diện DuPont đã nêu bật sự cần thiết của việc vận dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tạo ra các giải pháp độc đáo dựa trên nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, họ tạo ra được lợi thế cạnh tranh lâu dài. Nói khác đi, sự tốn kém cũng là lợi thế cạnh tranh. Theo người đại diện DuPont, mấu chốt của vấn đề trong thời đại hiện nay là phải có khả năng đa ngành để có thế phát triển, thử nghiệm, tối ưu hóa và thiết kế được các sản phẩm mới có tính chất đột phá cho thị trường.

Chỗ nào cho Việt Nam trong các “xu hướng chủ đạo” do DuPont đề ra?

Mark Vergnano, Phó chủ tịch điều hành của DuPont, đề cập đến “xu hướng chủ đạo” thứ tư trong hoạt động của công ty. Đó là tăng trưởng ở các thị trường mới nổi (emerging market), hay nói rõ hơn là giải quyết các nhu cầu của các thị trường này.

Doanh số của DuPont tại các thị trường mới nổi tại châu Á (bao gồm ASEAN), châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh lên đến 8 tỉ đô la Mỹ năm 2009, chiếm gần một phần ba tổng doanh số toàn cầu của công ty và đạt mức tăng trưởng 80% trong vòng năm năm qua. DuPont đặt mục tiêu nâng doanh số tại các thị trường này lên 12 tỉ đô la Mỹ trong vòng hai năm tới.

Trong số hơn 20 nhà báo ngoài nước Mỹ tham gia cuộc họp báo của DuPont, các phóng viên Trung Quốc và Ấn Độ có số lượng đông nhất. Điều này cũng phần nào đó phản ánh mức độ đầu tư hiện tại của DuPont vào hai thị trường quan trọng này. Phần lớn câu hỏi các nhà báo Trung, Ấn đặt ra xoay quanh kế hoạch đầu tư của DuPont ở nước họ. Nội dung các câu hỏi cho thấy sự quan tâm của giới truyền thông hai quốc gia này đến các bước đi kế tiếp của DuPont. Từ một góc nhìn khác, hiện tượng này dường như cũng phản ánh sự cạnh tranh trong việc lôi kéo đầu tư và kỹ thuật từ một công ty tầm cỡ toàn cầu như DuPont.

DuPont đã có mặt tại các nước ASEAN từ hơn 30 năm nay. Gần đây, công ty này mở rộng trung tâm nghiên cứu và đặt cơ sở bảo vệ thực vật toàn cầu của họ tại Philippines.

Tại Việt Nam, DuPont lập văn phòng đại diện tại TPHCM vào năm 1994. Bốn năm sau, nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của DuPont được thành lập tại khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, so với tổng số 58.000 nhân viên trên toàn cầu của DuPont, con số 86 người của DuPont tại Việt Nam quả là khiêm tốn. Như vậy, phải chăng thị trường Việt Nam đã ở ngoài tầm ngắm của DuPont? Hay, nhìn từ chiều ngược lại, so với các nước trong khu vực nơi DuPont đã đặt trung tâm nghiên cứu, Việt Nam không còn cơ hội để họ mở rộng hoạt động?

Nếu phân tích bốn “xu hướng chủ đạo” do DuPont đề xướng, câu trả lời sẽ là “chưa hẳn vậy”.

Với 85 triệu dân, trong đó hơn 70% sống về nghề nông, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nông dân Việt Nam rất cần hạt giống cho sản lượng cao, kỹ thuật trồng trọt tiên tiến và các sản phẩm bảo vệ thực vật hiệu quả. Nhìn xa hơn cây lúa, thế mạnh của DuPont về cây bắp, và gần đây hơn, những thành tựu trong nghiên cứu làm giàu khả năng cung cấp nguồn đạm cho cả thế giới từ đậu nành của họ có thể mở ra những hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm lời giải cho bài toán giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ tốt hơn môi trường trong quá trình phát triển kinh tế của mình. Ở lĩnh vực năng lượng thay thế, nhu cầu về các sản phẩm năng lượng mặt trời để tận dụng lợi thế thời gian chiếu sáng trong năm sẽ rất lớn vì Việt Nam có tham vọng nâng năng lượng tái tạo từ mức 3% trong năm nay lên 5% năm 2020 và 11% năm 2025. Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý đến năng lượng sinh học vì có lợi thế về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi của TBKTSG về các điều kiện cho việc thiết lập một phòng thí nghiệm ngoài nước Mỹ, một trong những chi tiết DuPont đưa ra là đào tạo nhân lực tại chỗ, trùng khớp với trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Đây có lẽ là điều không thể thiếu nếu xét đến tiêu chuẩn “tạo ra các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường sở tại” do DuPont đặt ra.

Cuối cùng, với vị trí là một nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á, Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài chiến lược phát triển chung của DuPont.

Trong buổi gặp gỡ các nhà báo Đông Nam Á tại Wilmington, Carl Lukach, Chủ tịch PuPont Đông Á, đã giải thích phần nào việc này. Theo ông, DuPont luôn khởi đầu tại một thị trường bằng những lĩnh vực mạnh nhất của mình. Việc mở nhà máy thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam cũng không nằm ngoài chiến lược đó.

Xem ra, đến nay trong cuộc cạnh tranh giành giật đầu tư và kỹ thuật trong khu vực, Việt Nam vẫn còn cơ hội. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm và biết cách nắm lấy cơ hội đó hay không.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Câu chuyện máy fax hay hiệu ứng mạng lưới
  • Mật khẩu trực tuyến tương lai có thể là bản đồ 3D
  • Xu hướng nhập khẩu công nghệ mới trong sản xuất đồ uống
  • Định vị xu hướng truyền thông mới
  • Thử nghiệm công nghệ 4G: Không quá sớm
  • Dịch vụ nội dung số và những mảng sáng tối
  • Thiết kế sản phẩm và dịch vụ-nhóm làm việc hoàn hảo
  • CNTT và triển vọng đổi mới việc dạy và học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com