Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thử nghiệm công nghệ 4G: Không quá sớm

3G, công nghệ tiền 4G, được xem là chưa tăng trưởng như mong đợi. Ảnh: Đức Thanh
Đã có 5 doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm thiết lập và cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ 4G để đánh giá công nghệ và việc chấp nhận của người sử dụng trên thị trường Việt Nam.
 
5 giấy phép thử nghiệm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông băng rộng di động sử dụng băng tần số trong dải 2,5 – 2,69MHz, dải tần số thích hợp cho sử dụng công nghệ LTE (Long Term Evolution, tạm gọi là công nghệ 4G - một trong các công nghệ phát triển sau của công nghệ 3G), đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), FPT Telecom và Tập đoàn Công nghệ CMC.

Trong khi đó, sau gần 1 năm chính thức cung cấp dịch vụ, công nghệ 3G vẫn chưa tăng trưởng được như mong đợi, cả về doanh thu lẫn số lượng khách hàng sử dụng. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng thuê bao 3G của các nhà mạng tính đến thời điểm cuối tháng 6 mới đạt con số gần 7 triệu thuê bao.

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc thử nghiệm công nghệ 4G không phải là quá sớm, bởi trên thế giới, đã có doanh nghiệp chính thức triển khai công nghệ này. “Bộ Thông tin và Truyền thông không bắt buộc các doanh nghiệp thử nghiệm, mà đây là đề xuất của doanh nghiệp và Bộ ủng hộ đề xuất đó”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, đây là công nghệ mới và chưa được triển khai rộng rãi trên thế giới, trong khi các mạng 3G tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu triển khai, nên quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là chưa nên chính thức cấp phép triển khai công nghệ 4G.

Theo đề án mà các doanh nghiệp gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp này sẽ thử nghiệm để đánh giá công nghệ và việc chấp nhận của người sử dụng trên thị trường Việt Nam. Ông Hải cũng khẳng định, sau khi kết thúc thử nghiệm, các doanh nghiệp sẽ có đánh giá cụ thể hơn, kể cả thời điểm chín muồi để chính thức triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam

Theo một đại diện của FPT Telecom, doanh nghiệp này sẽ tiến hành thử nghiệm công nghệ 4G tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng chưa tiết lộ chính xác thời điểm sẽ bắt đầu thử nghiệm dịch vụ. Mặc dù vậy, vị đại diện này cũng cho biết, thời gian Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm dịch vụ với công nghệ 4G là 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thử nghiệm dịch vụ, nhưng có thể xin gia hạn giấy phép thêm 1 năm nữa.

Trước đó, ông Trương Đình Anh, Phó tổng giám đốc FPT (công ty mẹ của FPT Telecom) đã khẳng định, việc xin cấp phép 4G là một trong những động thái tìm kiếm cơ hội trong thị trường di động của FPT, bên cạnh việc nhắm đến đầu tư vào S-Fone và hợp tác triển khai 3G với EVNTelecom.

Còn theo đại diện của VTC, rất nhiều nhà khai thác xin phép thử nghiệm công nghệ LTE, vì dễ phân chia băng tần, trong khi thiết bị đầu cuối cho công nghệ này đã được một số doanh nghiệp Malaysia sản xuất với chi phí thấp. Điều cần thiết trong việc cấp phép công nghệ 4G, theo vị đại diện này, là Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ nên cấp một lượng giấy phép hợp lý để doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả kinh doanh, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong giới hạn dải băng tần cho phép.

Cách đây chừng 2 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm công nghệ Wimax (công nghệ thứ 2 để phát triển lên 4G, bên cạnh công nghệ LTE), cho 9 doanh nghiệp, gồm: VNPT, VTC, Viettel, Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel), Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính – viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel), Đông Dương Telecom, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel), FPT và EVNTelecom. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã hết thời gian thử nghiệm, nhưng chưa có doanh nghiệp nào nộp đơn xin cấp phép thương mại hoá công nghệ Wimax.

(Theo Đức Huy // Báo đầu tư)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Dịch vụ nội dung số và những mảng sáng tối
  • Thiết kế sản phẩm và dịch vụ-nhóm làm việc hoàn hảo
  • CNTT và triển vọng đổi mới việc dạy và học
  • Internet sẽ làm marketing truyền thống biến mất?
  • Sử dụng phần mềm trong kinh doanh: Không đơn giản là vấn đề tuân thủ bản quyền
  • Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường ảo
  • Tính nhân văn của công nghệ
  • Công nghệ thông tin - những vấn đề đang tranh luận? (Phần 1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com