Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ì ạch ứng dụng phần mềm mở

picture
 
Bốn phần mềm được yêu cầu sử dụng là phần mềm văn phòng OpenOffice, thư điện tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey.

Vì sao việc ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở đã có từ hơn 10 năm nay, nhưng đến giờ hiệu quả vẫn dừng lại ở nhận thức?

Tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở” ngày 14/12, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo chỉ thị 07/2008 về sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các cơ quan nhà nước, bốn phần mềm được yêu cầu sử dụng là phần mềm văn phòng OpenOffice, thư điện tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey.

Với chỉ thị trên, chậm nhất là ngày 31/12/2009, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành và các tỉnh, phải bảo đảm 70% máy trạm được cài đặt các phần mềm mã nguồn mở, 70% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, trong đó tối thiểu 40% cán bộ, nhân viên sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc.

Thế nhưng đến năm 2010 cũng mới chỉ có 4/12 bộ, ngành cài phần mềm nguồn mở cho máy trạm. Trong số 12 bộ, cơ quan Nhà nước gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông, mới chỉ có 3/12 bộ cài phần mềm OpenOffice, 7/12 bộ cài Unikey, 6/12 bộ cài Firefox, 4/12 bộ cài Thunderbird...

"Đó là kết quả khá thấp!", Phó vụ trưởng Nguyễn Thanh Tuyên nói.

Thiếu sự hỗ trợ

Ông Tuyên cho rằng, do lâu nay, thói quen của người sử dụng là dùng phần mềm nguồn đóng nên đã "nghiện", vì thế ngại chuyển sang phần mềm mở. Tuy nhiên, không hẳn vậy, mấu chốt ở chỗ là các đơn vị hành chính nhà nước sử dụng phần mềm mở lại rất thiếu các cơ chế hỗ trợ.

Lãnh đạo Vụ Công nghệ thông tin dẫn chứng, khi các địa phương triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở, khâu hỗ trợ kỹ thuật còn rất thiếu và yếu. Hầu hết các địa phương đều nêu khó khăn về vấn đề nhân lực, trong đó đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng đủ yêu cầu, mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của cán bộ còn thấp.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chuyển đổi và ứng dụng phần mềm nguồn mở, là thiếu cơ chế tài chính. Tại mỗi địa phương, nguồn vốn để thúc đẩy phần mềm mã nguồn mở là 1,2 tỷ đồng trong 4 năm (từ 2009 - 2012), tương đương mỗi năm chỉ có 300 triệu đồng.

Ngay bản thân Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông) là đơn vị trực tiếp hỗ trợ các đơn vị bộ ngành, địa phương triển khai phần mềm mở, nhưng toàn bộ nguồn ngân sách dành cho viện này mỗi năm chỉ hơn 1 tỷ đồng với hơn 40 con người.

Viện trưởng Hoàng Lê Minh than phiền, với nguồn ngân sách trên, dù hệ thống hạ tầng triển khai phần mềm nguồn mở đã có, nhưng không có nguồn kinh phí hỗ trợ thì cũng rất khó để hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương.

Về những khó khăn tài chính, Vụ Công nghệ thông tin cho biết, ngoài Thông tư liên tịch 142/TTLT-BTC-BTTTT đã được ban hành, để giải quyết khó khăn cho cơ chế tài chính hiện nay, việc xây dựng định mức chi cho việc triển khai áp dụng và phát triển sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đang được gấp rút thực hiện và dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2011 tới.

Cần tạo ra cộng đồng sử dụng

Nhiều bộ phần mềm nguồn mở có tính năng tin cậy, dễ sử dụng, có thể thay thế được phần mềm nguồn đóng. Việc phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở sẽ giúp các tổ chức, cá nhân làm chủ công nghệ, tránh sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp giải pháp độc quyền, giảm chi phí mua sắm phần mềm và đặc biệt sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Nghĩa, Giám đốc công ty Nhất Vinh, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, phần mềm không thể "sống" được nếu không có một cộng đồng ủng hộ, sử dụng, nhưng Việt Nam lại chưa có một chính sách hướng tới cộng đồng phát triển và sử dụng mã nguồn mở.

Ông Nguyễn Hồng Quang, giảng viên Viện Tin học Pháp ngữ, cũng cho rằng, việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cần sử dụng sức mạnh của cộng đồng, đồng thời cần phải có mạng băng thông rộng tốt để tạo điều kiện và hỗ trợ cho cộng đồng nghiên cứu phần mềm nguồn mở phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp trước mắt, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, bằng cách trong các chương trình mua sắm Chính phủ về công nghệ thông tin, nên dành riêng một phần cho mã nguồn mở. Như thế sẽ kích thích và tạo động lực để cộng động doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các ứng dụng phần mềm.

Theo ông Tuyên, để thúc đẩy và ứng dụng phần mềm nguồn mở, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng quy chế bắt buộc tất cả các máy tính trạm, máy chủ được mua mới trong cơ quan Nhà nước, phải cài đặt các phần mềm trong danh mục nêu tại Thông tư 41, đưa ra cơ chế bắt buộc cán bộ công chức ứng dụng…

(Theo Vneconomy)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Nguy cơ mất an toàn thông tin gia tăng
  • Ứng dụng di động thu hút đối tác nước ngoài
  • Bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp cách nào?
  • Càng lớn càng khó sáng tạo?
  • Nguy cơ từ ứng dụng di động
  • Thương mại điện tử: Vẫn chỉ là… tiềm năng
  • Những thảm bại và “trò lố” công nghệ năm 2010
  • Những xu thế công nghệ di động hàng đầu 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com