Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liệu “đám mây” có giúp giảm chi phí?

Khi mà điện toán đám mây (cloud computing) đã trở thành cụm từ quen thuộc trong giới công nghệ thông tin (CNTT) trong những năm gần đây, những lợi ích mà nó hứa hẹn đều được thừa nhận. Tuy nhiên, một trong những mối lo ngại hàng đầu của đa số giám đốc CNTT (CIO) là vấn đề bảo mật thông tin. Và “đám mây” có phải là giải pháp tiết kiệm chi phí hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu quan điểm của một số nhà cung cấp dịch vụ xung quanh hai vấn đề nói trên.

Khi ứng dụng đám mây thì yêu cầu đầu tiên là chuyển dữ liệu cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý và lưu trữ. Chính điều này làm cho không ít CIO lo lắng vì không biết dữ liệu được quản lý ra sao, bị rò rỉ, bị đánh mất, có lấy lại được không khi không còn sử dụng đám mây.

Bảo mật vẫn là mối quan tâm hàng đầu

Theo kết quả một cuộc khảo sát 700 CIO trên toàn cầu do IDC thực hiện, 43% doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang môi trường điện toán đám mây vẫn lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, so với 39% doanh nghiệp không sử dụng và 33% doanh nghiệp sử dụng một phần dịch vụ đám mây. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy 36% doanh nghiệp ứng dụng hoàn toàn e ngại mất khả năng kiểm soát dữ liệu mà chính họ chuyển cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý, còn ở các doanh nghiệp chưa sử dụng đám mây thì con số chỉ là 27%. Có tới 33% doanh nghiệp sợ bị trói buộc vào nhà cung cấp dịch vụ một khi đưa dữ liệu “lên mây”, so với 24% doanh nghiệp chưa sử dụng. Kết quả nói trên cho thấy những doanh nghiệp nào ứng dụng dịch vụ đám mây nhiều nhất lại tỏ ra bất an nhất.

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu thế giới cũng thừa nhận điều này. Nói với Thời báo Vi tính Sài Gòn tại cuộc hội nghị CNTT NetEvents khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở Langkawi, Malaysia vào đầu tháng Tư, ông John McHugh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tiếp thị tập đoàn Brocade, cho rằng vấn đề lớn nhất liên quan đến đám mây là bảo mật thông tin. Theo ông, hầu như tất cả đội ngũ phụ trách CNTT tại các doanh nghiệp ứng dụng đều mất ăn mất ngủ vì sợ thông tin không được bảo mật.

Ông Steve Dietch, Phó tổng giám đốc HP phụ trách hạ tầng điện toán đám mây, cũng chia sẻ nhận định của ông McHugh. Phát biểu tại cuộc hội nghị, ông cho biết 70% CIO được khảo sát lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin. Ông Dietch khuyến nghị, để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, doanh nghiệp nên triển khai kế hoạch ứng dụng đám mây một cách từ từ và vững chắc, không nên đi tắt đón đầu, nếu không sẽ dễ mất khả năng bảo mật và kiểm soát dữ liệu của chính mình. “Ai cũng bàn về việc ứng dụng đám mây nhưng còn vấn đề bảo mật, quản lý thông tin và khả năng vận hành của đám mây thì sao?”, ông nói với giới báo chí khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nhà phân tích CNTT tại cuộc hội thảo. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiến đến ứng dụng đám mây nhưng từng bước một và tùy theo nhu cầu kinh doanh thực tế, ông Dietch cho hay.

Trên thực tế, theo ông, thị trường dịch vụ đám mây không phát triển nhanh như mọi người vẫn nghĩ, nó vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chủ yếu ứng dụng phần mềm dịch vụ (SaaS) trong môi trường đám mây và sau này họ mới đi bước tiếp theo là sử dụng cơ sở hạ tầng dịch vụ (IaaS). Như vậy, trong ngắn hạn sẽ xuất hiện mô hình “đám mây lai”, tức nửa trong nửa ngoài. Ông Dietch cho hay doanh nghiệp có thể triển khai cấu trúc đám mây nội bộ được bảo vệ bằng bức tường lửa và đồng thời thuê dịch vụ đám mây bên ngoài để thực hiện một số tác vụ. “Tôi thường thấy nhiều doanh nghiệp quá vội vàng chuyển hết cơ sở hạ tầng vào môi trường đám mây, thay vì làm từng bước một để có thời gian kiểm chứng độ tin cậy của dịch vụ đám mây”, ông nói.

Tốc độ và tính linh hoạt quyết định

Tuy nhiên, không phải vì lo ngại vấn đề bảo mật thông tin mà không sử dụng đám mây. Thực ra, có thể xem đây như một loại dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) mà hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng để thực hiện một số công đoạn trong quy trình sản xuất-kinh doanh, thay vì mất thời gian đầu tư mới vào thiết bị, máy móc, nhân sự.

Cũng tại cuộc hội nghị của NetEvents, ông Amit Sinha Roy, Phó tổng giám đốc Tata Communications phụ trách tiếp thị và chiến lược cho các giải pháp doanh nghiệp toàn cầu, cho hay mối thách thức mà các tổ chức và doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là đuổi kịp đối thủ cạnh tranh để có thể tồn tại và tạo ra lợi nhuận. Nếu làm theo cách truyền thống – tức xúc tiến gặp nhà cung cấp thiết bị rồi tính toán nhu cầu, đặt hàng, chờ giao hàng, bố trí nơi lắp thiết bị, tiến hành lắp đặt – doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, ông Roy nói. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai các trình ứng dụng khi lên mây, giúp cải thiện đáng kể tốc độ và thời gian tạo ra doanh thu.

Hiện nay, theo ông Roy, đám mây cho phép doanh nghiệp triển khai các trình ứng dụng chỉ trong tích tắc, thay vì phải chờ vài ngày hay thậm chí vài tháng. Ông Steve Dietch của HP cũng có quan điểm tương tự. “Doanh nghiệp cần chú ý đến khía cạnh linh hoạt và nhanh nhạy thay vì khía cạnh chi phí, như là tiêu chí đầu tiên khi chuyển sang môi trường đám mây. Theo tôi, doanh nghiệp sẽ rất thất vọng khi triển khai sử dụng dịch vụ đám mây với lý do hàng đầu là tiết kiệm chi phí. Tôi nghĩ với một khoản chi phí tối ưu và danh mục các ứng dụng tối ưu trong môi trường đám mây riêng, truyền thống hay vừa riêng vừa chung, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ đổi mới, tăng tốc quy trình sản xuất-kinh doanh, rút ngắn thời gian tạo ra doanh thu. Theo tôi, chi phí chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ ba”, ông nói. Như vậy tốc độ và tính linh hoạt sẽ là nhân tố giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhờ tránh được tình trạng đầu tư thừa công suất thiết bị CNTT và giảm thiểu thời gian tạo ra doanh thu.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề bảo mật thông tin, trên 70% doanh nghiệp e ngại khả năng vận hành và tính sẵn sàng của đám mây, khả năng tích hợp dịch vụ bên trong và bên ngoài trong môi trường đám mây, sự ràng buộc của nhà cung cấp dịch vụ. “Do đó, thuyết phục doanh nghiệp ứng dụng đám mây không hề đơn giản chút nào”, ông Dietch nói.

Mua dịch vụ đám mây bằng thẻ tín dụng

Với chiến lược nhắm vào thị trường ngách đầy tiềm năng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty Tata Communications thuộc tập đoàn Tata của Ấn Độ cho phép doanh nghiệp mua dịch vụ đám mây công cộng bằng thẻ tín dụng.

Tại cuộc hội nghị NetEvents khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Langkawi, Malaysia vào đầu tháng Tư, ông Amit Sinha Roy, Phó tổng giám đốc Tata Communications phụ trách tiếp thị và chiến lược cho các giải pháp doanh nghiệp toàn cầu, cho hay công ty của ông đa dạng hóa phương thức thanh toán nhằm thu hút khách hàng.

Sau thời gian sử dụng thử dịch vụ trên Internet, khách hàng có thể chọn một trong hai cách: mua bằng thẻ tín dụng hoặc gửi phiếu đặt hàng rồi nhận hóa đơn thanh toán. Ngoài ra, Tata Communications đang tính đến khả năng bán thẻ trả trước, tương tự như thẻ điện thoại di động trả trước. Khách hàng chỉ cần đến đại lý gần nhất để mua thẻ khi có nhu cầu sử dụng đám mây. Phương thức này cũng giúp người sử dụng dễ dàng kiểm soát chi phí.

Không chọn cách tiếp cận của đa số nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác là chỉ tập trung vào các công ty lớn, Tata Communications nhắm đến mọi đối tượng khách hàng. Theo doanh nghiệp này, khách hàng lớn luôn là đích ngắm của nhà cung cấp dịch vụ nên tính cạnh tranh rất quyết liệt. Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn đều đầu tư lớn vào trung tâm dữ liệu.

Tháng 10 năm ngoái, Tata Communi-cations bắt đầu triển khai việc cung cấp dịch vụ hạ tầng (Iaas) và phần mềm (SaaS) trên Internet tại Ấn Độ. Đối tượng khách hàng chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngày 8-3 vừa qua, công ty đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu tại Singapore nhằm thâm nhập các thị trường tiềm năng trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Hồng Kông và Thái Lan.

Về nguyên tắc, khách hàng ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể mua dịch vụ đám mây của Tata Communications được triển khai ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Roy cho hay, việc mở trung tâm dữ liệu tại Singapore là nhằm giải quyết mối lo ngại về nơi lưu trữ dữ liệu của khách hàng, đồng thời bảo đảm dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ hậu mãi luôn sẵn sàng. Cuối năm nay, công ty này sẽ tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.

(Minh Khôi)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Thương mại điện tử là công cụ đắc lực và hiệu quả của DN
  • Bài học đầu tư CNTT từ những công ty tài chính hàng đầu
  • Cục diện viễn thông đã khác
  • An ninh bảo mật: Đừng mất bò mới lo làm chuồng
  • Bài toán công nghệ cao
  • Dự báo tréo ngoe về ngành bán dẫn
  • Xu hướng việc làm CNTT năm 2011
  • Quản lý năng lượng bằng thiết bị di động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com