Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài toán công nghệ cao

Những tên tuổi lớn của làng công nghệ thế giới đến đầu tư vào Việt Nam, đã mở rộng cánh cửa cho ngành công nghệ Việt Nam vươn lên trên bản đồ công nghệ cao quốc tế.

Từ những tên tuổi lớn

Tập đoàn công nghệ năng lượng Mỹ First Solar tuần trước đã khởi công xây dựng nhà máy pin mặt trời giai đoạn 1, trị giá 300 triệu đô la Mỹ, trong tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ ở Củ Chi, TPHCM. Hewlett-Packard của Mỹ cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án phòng nghiên cứu và triển khai trị giá 15 triệu đô la Mỹ ở Khu công viên Phần mềm Quang Trung. Intel thì đã đưa vào hoạt động nhà máy kiểm định chip của mình ở khu công nghệ cao (CNC) từ tháng 7-2010.

Ở khu CNC TPHCM, doanh số sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng trưởng ở mức gấp đôi mỗi năm. Theo báo cáo của ban quản lý khu này thì năm 2010, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 505 triệu đô la Mỹ, tăng 92% so với năm trước, và mục tiêu năm 2011 là 1 tỉ đô la giá trị xuất khẩu. Đến nay, đã có 46 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư đạt 1.872,35 triệu đô la Mỹ, trong đó 24 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2011, khu CNC đặt chỉ tiêu thu hút thêm chừng 6-8 dự án, với khoảng 150 triệu đô la vốn đăng ký.

Ở khu công viên phần mềm Quang Trung, TPHCM, nếu 10 năm trước chỉ có 21 doanh nghiệp với chừng 250 con người làm việc, thì đến nay, số doanh nghiệp đã là 101, và tổng vốn đăng ký đã là 78,83 triệu đô la Mỹ. Khu công viên phần mềm này đang hướng tới doanh số 300 triệu đô la Mỹ vào năm 2015.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc, các dự án và các doanh nghiệp ở đây đã tạo ra một lượng sản phẩm xuất khẩu hàng năm trị giá chừng 40 triệu đô la Mỹ. Ông Lạng cho biết, hạng mục quan trọng nhất của Hòa Lạc là đã quy hoạch chung và chi tiết cho toàn bộ gần 1.600 héc ta cũng như bắt đầu đầu tư hàng loạt và các hạng mục cơ sở hạ tầng chính. Khu Hòa Lạc cũng đã nhận được cam kết hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, với khoảng 600 triệu đô la Mỹ cho năm năm tới.

Đánh giá về hoạt động các khu CNC, ông Lạng, cũng là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cho rằng các ngành CNC ở Việt Nam đang bắt đầu phát triển. Theo ông, giai đoạn quan trọng nhất là xây dựng các hành lang pháp lý, văn bản pháp lý cùng chiến lược phát triển các khu CNC. Trong nước, ngoài ba khu CNC đã nói trên, một loạt các khu khác như các trung tâm công nghệ sinh học, các khu công nghiệp CNC cũng đã hình thành ở các địa phương.

Dù rằng sản phẩm của các dự án lớn này đều dùng để xuất khẩu, và việc chuyển giao công nghệ chưa được chú trọng, nhưng đây là tín hiệu lạc quan. Thứ nhất, các tập đoàn lớn mang theo các công nghệ tiên tiến đến, mở đường cho các công ty khác vào theo. Thứ hai, chính sự có mặt của các tập đoàn lớn là cơ hội để giới hoạch định chính sách quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Theo đó, cơ chế, chính sách sẽ dần được hoàn thiện, đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh chen chân vào chuỗi các nhà cung ứng và công nghiệp phụ trợ.

Đến những thách thức còn lại

Giữa bức tranh về thực trạng công nghệ trong nước, thì sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ cao nước ngoài là những điểm son tươi sáng. Tuy nhiên, để phát triển CNC, theo ông Lạng, còn muôn vàn khó khăn.

“Khó thứ nhất là giải phóng mặt bằng với diện tích lớn, thứ hai là tiền vốn đầu tư hạ tầng, thứ ba là chưa có đầy đủ kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý một thành phố khoa học. Còn một khó khăn nữa là cơ chế, chính sách chưa thực sự thông thoáng”, ông Lạng nói.

Để đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, không có con đường nào khác ngoài việc phát triển các ngành CNC lên thành ưu tiên hàng đầu trong bức tranh phát triển công nghệ, công nghiệp hiện nay.

Điều ông Lạng nói được chứng minh. Theo báo cáo tổng kết năm 2010 của Ban quản lý khu CNC TPHCM, thách thức về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng là thách thức lớn nhất của khu CNC TPHCM, và sẽ còn dai dẳng trong năm 2011.

Cũng trong báo cáo này, cơ hội đầu tư là rõ ràng, nhưng việc chậm xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách chưa ban hành kịp thời là thách thức trong thu hút đầu tư mới.

Cơ chế chính sách mà báo cáo này muốn nói chính là các văn bản như nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Công nghệ cao, vốn đã có hiệu lực từ tháng 7-2009 đến nay, vẫn chưa ra đời.

Theo ông Lạng, để đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, không có con đường nào khác ngoài việc phát triển các ngành CNC lên thành ưu tiên hàng đầu trong bức tranh phát triển công nghệ, công nghiệp hiện nay.

Để giải được các bài toán đó, ngoài việc hình thành một loạt các khu CNC, triển khai cơ chế đầu tư CNC, cần phải học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ… trong việc tạo nguồn nhân lực CNC có thực lực, nhằm nghiên cứu, phát triển, gia công phần mềm, sản phẩm cho công nghệ nguồn của Việt Nam từ điện tử, bán dẫn, các sản phẩm công sinh học, nano, vũ trụ, vệ tinh…

Một kinh nghiệm mà ông Lạng gọi là “lối thoát về lâu dài” mà Việt Nam cần học tập chính là phải tạo ra công nghệ nguồn, công nghệ lõi cho người Việt. Điều đó có thể xuất phát từ doanh nghiệp, ban đầu nhỏ, nhưng có các công nghệ nguồn, lõi để phát triển, và phải có cơ chế chính sách để phát triển lớn. Ông cho biết vừa mới đến thăm các công ty BKIS, VINAGAMES, mà ông cho rằng mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng kỳ vọng về doanh số 1 tỉ đô la trong thời gian tới là có thể được.

Điều còn lại chính là hình thành các công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm, cả quốc gia lẫn tư nhân. Bởi lẽ đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, chính là đầu tư mạo hiểm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Dự báo tréo ngoe về ngành bán dẫn
  • Xu hướng việc làm CNTT năm 2011
  • Quản lý năng lượng bằng thiết bị di động
  • IE vẫn thống trị thị trường trình duyệt toàn cầu
  • Nhu cầu và thử thách
  • Thời của đám đông
  • Khuynh hướng phát triển mới
  • Sở hữu trí tuệ: Gậy nào đập lưng ông nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com