Thời điểm những công ty này đầu tư lớn cho hạ tầng về công nghệ thông tin, nhiều người gọi đó là những quyết định “dở người”. Thế nhưng, những thay đổi lớn đã diễn ra sau đó.
Năm 2001, khi vốn điều lệ của Techcombank chỉ có 100 tỷ đồng, hội đồng quản trị của nhà băng này quyết định đầu tư tới 20 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking). Thời điểm đó, chỉ có những ngân hàng quốc doanh lớn gấp hàng chục lần và được Ngân hàng Thế giới tài trợ mới triển khai Core Banking.
Nhiều chuyên gia ngân hàng còn ngạc nhiên về quyết định của Techcombank và đánh giá đó là một khoản đầu tư quá mạo hiểm và hơi “điên rồ” do hiệu quả chưa được nhà băng nào triển khai trước đó kiểm chứng mà số tiền phải bỏ ra quá lớn.
Vài năm sau đó, Techcombank thay đổi mạnh về hệ thống quản trị. Nguồn vốn và hệ thống quản lý rủi ro được quản trị tập trung, dịch vụ một cửa được áp dụng... Nhà băng này cũng trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet Banking toàn diện (cho phép khách hàng chuyển khoản qua Internet với số tiền lên tới 500 triệu đồng một ngày).
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc nhà băng này chia sẻ: “Đầu tư lớn cho công nghệ thông tin là một định hướng chiến lược của ngân hàng. Đây cũng là nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của Techcombank những năm gần đây”. Hiện tại, ngoài việc được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, với hệ thống công nghệ thông tin hàng đầu, nhà băng này xếp thứ 2 về giá trị lợi nhuận trong khối cổ phần và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Cùng trong lĩnh vực tài chính, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) là một ví dụ điển hình khác về định hướng đầu tư chiến lược cho công nghệ thông tin. Cuối năm 2006, khi chuẩn bị thành lập công ty chứng khoán FPT, ban trù bị của FPTS bị cả người bên trong lẫn ngoài chì trích vì quyết định đầu tư khoảng một triệu đôla cho hệ thống phần mềm giao dịch được nhập từ nước ngoài.
Khi thị trường chứng khoán đang ở “cơn điên” tăng điểm, việc tập trung nhiều công sức, tiền bạc vào phần mềm giao dịch được coi là hành động “ngược đời” và "không hợp thời". Phần lớn các công ty thành lập cùng thời điểm đều tranh thủ “hớt váng” đầu tư, ít quan tâm đến hạ tầng công nghệ.
Nhà đầu tư cũng không mấy quan tâm đến phần mềm giao dịch của công ty chứng khoán có tốt hay không bởi chỉ cần mua được cổ phiếu là có lãi nên dịch vụ kém, hạ tầng yếu… không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Năm 2010, thị trường chứng khoán khủng hoảng, trong khi hầu hết các công ty chứng khoán gặp khó khăn lớn, thua lỗ trầm trọng thì FPTS đạt lợi nhuận 210 tỷ đồng. Con số này giúp FPTS đứng thứ 4 trong các công ty chứng khoán, còn xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thì giữ vị trí số một với tỷ lệ 75% so với 2009.
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS cho biết, nguyên nhân quan trọng giúp công ty vượt qua khủng hoảng, đạt được lợi nhuận cao là hệ thống công nghệ giúp kiểm soát rủi ro tốt. Đây là nhân tố quan trọng bậc nhất trong ngành chứng khoán. Bên cạnh đó, công nghệ cũng là nhân tố giúp FPTS thu hút một lượng lớn khách hàng đến giao dịch.
Bất chất thị trường khủng hoảng, số tài khoản của FPTS vẫn tăng gần 30% trong năm 2010 đạt xấp xỉ 55.000. Chưa hết, công ty còn được SBI Securities (Nhật Bản) mua 20% với giá 45.000 đồng một cổ phiếu - đây là mức giá cao nhất trong số các cổ phiếu chứng khoán đang được giao dịch trên thị trường.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đào Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, các tổ chức đặc biệt là ngân hàng nếu đầu tư sớm và có chiến lược cho công nghệ thông tin đều có những thay đổi mạnh mẽ sau đó. Vietcombank nhờ triển khai sớm nên tư duy về kinh doanh cũng như quản trị đã có bước tiến lớn.
Trước đây, dù là một ngân hàng quốc doanh nhưng định hướng dịch vụ theo khách hàng và quản trị nguồn vốn và rủi ro phải tập trung đã được Vietcombank triển khai rất sớm. “Điều này có được nhờ việc triển khai hệ thống Core Banking. Nếu không đi theo hướng đó thì sẽ triệt tiêu những ưu điểm mà việc triển khai công nghệ có thể đem lại”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, chuyên gia từng đoạt giải thưởng “Nhà lãnh đạo CNTT xuất sắc nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương” năm 2006 bình luận: “Đầu tư chiến lược cho công nghệ thông tin sẽ đem lại những lợi thế cạnh tranh vượt trội, có thể giúp một doanh nghiệp 'lội ngược dòng' nhưng là một quá trình liên tục. Người dẫn đầu những năm trước đây có thể sẽ bị tụt hậu nếu không có những chiến lược đổi mới với chính những khoản đầu tư của mình”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, trong ngành tài chính, hầu hết những tổ chức đầu tư lớn cho công nghệ thông tin đều có tầm nhìn xa. Họ không chỉ muốn tận dụng các cơ hội kinh doanh tức thời mà còn muốn duy trì sự phát triển ổn định của tổ chức trong một thời gian dài. "Ai đó coi việc đầu tư lớn cho công nghệ thông tin là việc dở người có thể là họ chưa hiểu, hoặc chỉ muốn tận dụng cơ hội trước mắt chứ chưa nghĩ tới chuyện lâu dài", bà Lan nói.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com