Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cục diện viễn thông đã khác

Ảnh: Lê Toàn

Việc FPT rút vốn khỏi thương vụ kinh doanh mạng di động với EVNTelecom là vấn đề nội bộ của hai doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự việc này lại phản ánh sự khốc liệt của thị trường viễn thông và cần có các cơ chế quản lý phù hợp để thúc đẩy cạnh tranh.

Sau nhiều năm “rao bán” những đứa con của mình, cả tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đều gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực viễn thông. Điều này không chỉ tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này mà còn bào mòn lòng tin của khách hàng.

Gả con cho ai?

Vấn đề lớn trong thương vụ bất thành giữa FPT-EVNTelecom là tỷ lệ sở hữu. Theo phương án cổ phần hóa EVNTelecom do Thủ tướng phê duyệt, EVNTelecom nắm 51% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược FPT nắm 49% trong khi họ kỳ vọng tới 60% để đủ quyền chi phối EVNTelecom. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ sở hữu là vấn đề có thể giải quyết được. Vậy vì sao thương vụ lại thất bại trong khi FPT rất tham vọng trên thị trường viễn thông? Trả lời TBKTSG, Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là cải tạo toàn diện hạ tầng cung cấp dịch vụ và hệ thống quản trị của EVNTelecom nhằm nhanh chóng đưa công ty này chiếm lĩnh thị phần quan trọng”.

Theo ông Anh, việc tham gia vào thị trường di động là hết sức cần thiết trong chiến lược phát triển viễn thông và nội dung số của FPT, nhưng đầu tư phải đi liền với hiệu quả của đồng vốn. Sau quá trình khảo sát, FPT nhận thấy hiệu quả dự án không như mong muốn, hội đồng quản trị vì thế đã thông qua nghị quyết rút vốn khỏi EVNTelecom với số phiếu ủng hộ 7/11. “FPT vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội bằng khả năng: mua bán sáp nhập các doanh nghiệp viễn thông gặp khó khăn hoặc xin cấp băng tần triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo”.

Từ bốn năm trước, FPT và EVN đã từng đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược hợp tác toàn diện về công nghệ thông tin, mạng và viễn thông cho đến tài chính, truyền thông, đào tạo… Cụ thể là thương vụ FPT Telecom thuê kênh quốc tế của EVNTelecom trị giá 20 triệu đô la Mỹ trong ba năm. Đây là hợp đồng thuê kênh lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.

Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia tư vấn quản trị viễn thông-công nghệ thông tin, chủ quyền hạ tầng của EVNTelecom hầu hết là của EVN trong khi mô hình quản lý của EVN/EVNTelecom quá khó khăn để doanh nghiệp đối tác có thể hoạt động. Trước đây, không ít nhà khai thác nước ngoài rất mạnh về tài chính cũng như kinh nghiệm đàm phán nhưng không thể hợp tác cũng vì những lý do này. Bộ máy kinh doanh của EVNTelecom phụ thuộc vào EVN nhưng EVN không đủ khát vọng khai thác viễn thông. Dù kinh doanh từ năm 2006, thời điểm đó thị trường có khoảng 17 triệu thuê bao, đến nay tăng lên 170 triệu thuê bao thì EVNTelecom vẫn ở vị trí áp chót trong bảy mạng di động.

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin cho biết: một tập đoàn trong nước khác đang đàm phán mua 40% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của SPT, nghĩa là đủ quyền “làm cha” của S-Fone. Liệu cổ đông chiến lược này có vực được S-Fone dậy hay chí ít làm một cuộc đổi mới để “gả” S-Fone? Trước đây FPT cũng quan tâm đến S-Fone, tuy nhiên theo ông Anh, để sử dụng “băng tần vàng” S-Fone đang có thì cần chuyển đổi công nghệ, nếu không suất đầu tư sẽ cao. Trong khi S-Fone chưa sẵn sàng và cho rằng việc chuyển đổi công nghệ sẽ tốn kém hơn nhiều lần, vì thế việc cần thiết là nguồn tài chính duy trì hoạt động kinh doanh và tranh thủ chuyển đổi sang công nghệ mới 4G LTE khi điều kiện thị trường phù hợp.

Kinh doanh viễn thông nay đã khác

Như vậy, FPT muốn thành công phải hội đủ các yếu tố: được quyền quản lý EVN Telecom, tận dụng tốt công nghệ để tạo sự đột phá và chiếm lĩnh thị trường và FPT sẵn sàng nguồn lực tài chính và “bộ óc” để đối đầu với sự cạnh tranh dài hạn. Các chuyên gia ví S-Fone hay EVNTelecom như “gái đẹp nhưng quá thì”. Một cuộc hôn nhân mà đối tác chỉ chấp nhận khi hưởng lợi trên “gia tài của bố mẹ” chứ không chỉ ở vẻ đẹp của cô gái.

“Gia tài” của EVN hiện nay là “sở hữu trong mơ” của bất kỳ nhà khai thác viễn thông nào: tuyến cáp quang xuyên Việt lớn nhất nước, cổng kết nối quốc tế hàng đầu Việt Nam, các tần số 3G cho di động, 450 MHz cho WLL (vô tuyến nội vùng) vốn có tầm phủ sóng rộng, tiết giảm được trạm phát sóng để giảm chi phí đầu tư khai thác. “Nếu kết hợp hiệu quả giữa các băng tần và hạ tầng cáp quang cho việc kết nối băng thông rộng thì EVNTelecom là “mối đe dọa” lớn của các doanh nghiệp khác. Hạ tầng này nếu thuộc về một nhà khai thác chuyên nghiệp trong nước thì VNPT và Viettel sẽ ở vào thế… rất kẹt!”, ông Diệp nói.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, cho rằng thương vụ bất thành giữa EVN và FPT là điều đáng tiếc cho thị trường viễn thông. Nếu thành công, có thể xuất hiện một doanh nghiệp “có thế lực” trên thị trường để thúc đẩy cạnh tranh ở quy mô ngành. FPT có khát vọng thị trường và khả năng quản trị doanh nghiệp mạnh nhưng thiếu tần số di động. Ngược lại, EVN đang sở hữu một cơ sở hạ tầng mạnh nhưng thiếu khát vọng và năng lực khai thác viễn thông.

Thương vụ bất thành này, theo ông Trực, cũng phản ánh những vướng mắc trong điều kiện của hợp đồng về sở hữu cơ sở hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam hiện nay. Việc sở hữu 51% của EVN là một rào cản để FPT đủ lực khai thông thị trường, chưa kể các vướng mắc về cơ chế hoạt động, nợ nần hay đội ngũ…

Một thị trường mà hai nhà cung cấp VNPT và Viettel đang nắm giữ đến 90% thị phần thì một mô hình nhỏ lẻ khó có thể cạnh tranh. Nhà đầu tư mới phải sẵn sàng với công nghệ hiện đại, nguồn tài chính lớn, dài hạn và đội ngũ chuyên nghiệp.

“Thất bại của thương vụ này cho thấy EVN sẽ phải xem xét lại chiến lược kinh doanh về viễn thông. EVN sẽ biết rõ hơn mình có gì, cần gì và được gì. Thất bại trong đàm phán làm cho thế mạnh của EVNTelecom bị yếu đi, giả sử FPT quay lại bàn đàm phán thì khả năng doanh nghiệp này đã ở một tư thế khác có lợi hơn”, ông Trực nhận định.

10 năm qua thị trường viễn thông phát triển nhanh xét về mặt phổ cập dịch vụ, hình thành được những doanh nghiệp lớn mang tầm khu vực và đầu tư ra nước ngoài. Nhưng theo ông Trực, cũng bộc lộ những hạn chế lớn phản ánh vòng luẩn quẩn về điều phối cơ sở hạ tầng. Đó là có quá nhiều nhà khai thác hạ tầng mà đại bộ phận là doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa chậm chạp làm hạn chế nhiều bộ phận tham gia vào lĩnh vực viễn thông và phát sinh những hạn chế khác như việc sử dụng và chia sẻ hạ tầng khó khăn, những tiêu cực do khuyến mãi vô tội vạ làm méo mó thị trường, chất lượng dịch vụ giảm sút, các mạng nhỏ sử dụng dịch vụ chuyển vùng (roaming) vào các mạng lớn khó khăn…

Ông Diệp so sánh, nếu 10 năm trước, sự ra đời của Viettel đã “đánh” vào nền viễn thông độc quyền, thì hiện nay sự độc quyền biến tướng theo góc cạnh khác. Các mạng lớn từng đề nghị áp “giá cước sàn”, chưa có lộ trình cho giải pháp MNP cho phép người dùng được giữ số thuê bao khi chuyển đổi mạng, chất lượng mạng có vấn đề rõ rệt mà mỗi người dùng đều nhận thấy, nhưng năm nào các mạng cũng đều đạt “chuẩn” chất lượng của ngành. “Sự vô tâm của các nhóm quản lý chất lượng cũng như của nhà khai thác đối với khách hàng phản ánh rõ tính “phi thị trường” và việc kinh doanh thiếu bài bản của các mạng viễn thông”, ông Diệp nói.

Như vậy, “Nếu FPT thành công chính là sự thành công của cổ phần hóa trong lĩnh vực viễn thông” - ông Trực khẳng định. Vì sao EVN giữ 51% trong khi đang ở thế yếu. Điều này còn do các khống chế trong tư duy quản trị - rào cản lớn của quá trình chuyển đổi kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước - dù chủ trương hiện nay vẫn là giảm bớt vốn sở hữu. “Kinh doanh viễn thông hiện nay đã khác bởi thị trường đã ở vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Nhà nước không nên gánh rủi ro thay cho doanh nghiệp mà huy động các lực lượng kinh tế cùng tham gia, vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, làm giàu dịch vụ và gia tăng chất lượng cho nền viễn thông hiện đại, đồng thời giảm rủi ro cho đồng vốn nhà nước”, ông Trực khẳng định.

MobiFone và Vinaphone có phải sáp nhập?

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải lựa chọn phương thức sở hữu mạng MobiFone và Vinaphone trong thời gian tới khi Luật Viễn thông chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2011.

Chương 2, điều 3, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định: một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông.

VNPT hiện đang sở hữu 100% vốn tại Vinaphone và MobiFone, theo quy định sẽ phải tính toán lại mô hình kinh doanh: hoặc cổ phần hóa với sở hữu tối đa 20% cổ phần; hoặc hợp nhất hai mạng thành một.

MobiFone là mạng thông tin di động đầu tiên ở Việt Nam hoạt động từ năm 1995 theo mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) có thời hạn 10 năm giữa VNPT và Comvik của Thụy Điển. Sau khi hợp đồng hai bên chấm dứt năm 2005, Chính phủ có chủ trương cổ phần hóa MobiFone nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Hàng năm MobiFone mang lại khoảng 50% lợi nhuận cho VNPT nhưng chiếm chưa đến 5% lao động của toàn tập đoàn.

Trước đây khi đấu thầu băng tần 3G, nhiều kiến nghị Chính phủ nên có chủ trương sáp nhập hai mạng do VNPT quản lý thành một để phù hợp với việc quy hoạch băng tần và hệ thống kinh doanh viễn thông.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • An ninh bảo mật: Đừng mất bò mới lo làm chuồng
  • Bài toán công nghệ cao
  • Dự báo tréo ngoe về ngành bán dẫn
  • Xu hướng việc làm CNTT năm 2011
  • Quản lý năng lượng bằng thiết bị di động
  • IE vẫn thống trị thị trường trình duyệt toàn cầu
  • Nhu cầu và thử thách
  • Thời của đám đông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com