Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhu cầu và thử thách

Trong khi Việt Nam đứng trước thực tế các cơ sở vật chất y tế toàn quốc không đáp ứng kịp các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe toàn dân thì nền y tế điện tử thế giới đã có những bước tiến nhanh chóng và vững chắc nhằm lấp đầy các thiếu sót của nền y tế hiện nay, gia tăng hiệu quả điều trị của các bệnh viện và y bác sĩ, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận toàn cầu các trình độ y khoa và kiến thức y học. Vấn đề cấp thiết bây giờ không phải là đầu tư cho y tế điện tử hay xây dựng thêm các bệnh viện, mà là chọn lựa các bước đi thích hợp để tích hợp nền y tế hiện đại này vào nền tảng y tế của nước ta.

Có nhiều cách để định nghĩa y tế điện tử mà thường được gọi là Telemedicine hay e-Health (electronic healthcare). Nhóm thứ nhất coi y tế điện tử là việc sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) như mạng Internet hay hệ thống điện thoại di động vào việc chăm sóc sức khỏe và triển khai các dịch vụ y tế như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân, người già yếu và cả việc thanh toán viện phí. Nhóm thứ hai định nghĩa là việc chăm sóc sức khỏe và triển khai các dịch vụ y tế thông qua phương tiện kỹ thuật số ICT.

Như vậy, có thể thấy nổi lên giữa hai định nghĩa này là một bên chú trọng đến lực đẩy từ các cơ sở y tế, bên kia quan tâm đến lực hút bởi nhu cầu của khách hàng mỗi ngày một đông bao gồm người bệnh, người già yếu, công chức nhà nước hay công nhân nhà máy và những người lao động bận rộn muốn an tâm với tình trạng sức khỏe của mình. Đó chính là đặc trưng của nền kinh tế tri thức khi mà ICT trở thành chiếc cầu nối hai lực đẩy và lực kéo thay thế cho quan niệm cung - cầu trước đây.

Y tế điện tử ở châu Á - Thái Bình Dương

Kho dữ liệu trong ngành y tế mỗi nước và cả cộng đồng quốc tế là rất quan trọng vì làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phân tích, phát hiện các bệnh lạ hay chiều hướng phát triển thành đại dịch, đánh giá các phác đồ điều trị và tính hiệu quả của từng loại thuốc. Ở phạm vi quốc gia các chính phủ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân và đưa ra những chính sách. Trên bình diện quốc tế nền y học thế giới có khả năng phản ứng nhanh chóng, chính xác nhằm phục vụ cho cả nhân loại không phân biệt giàu nghèo, biên giới hay xa gần với các trung tâm y khoa. Như vậy nền y học điện tử nhắm đến tính bình đẳng, phổ quát, tiện lợi, kịp thời, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao cho cả cá nhân, bệnh viện cũng như quốc gia. Tờ The Sydney Morning Herald ngày 7-5-2010 cho biết nhờ phát triển y tế điện tử mà nước Úc mỗi năm tiết kiệm được 7,6 tỉ đô-la Mỹ và cứu sống khoảng 5.000 người, giảm đi khoảng 2 triệu lần thăm khám tại các cơ sở y tế, khoảng 500.000 ca cứu cấp và trên dưới 310.000 trường hợp phải nằm bệnh viện.

Chính phủ các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chú ý nhiều đến việc xây dựng y tế điện tử vì đây là nơi thiếu hụt về cơ sở điều trị y khoa và chăm sóc sức khỏe, đồng thời có sự chênh lệch rất lớn về trình độ y tế giữa vùng nông thôn với khu vực thành thị. Nhiều vùng miền núi hay khu vực hẻo lánh ở Trung Quốc mới chỉ biết tới y học dân tộc, và cho đến khi Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ các dự án chăm sóc sức khỏe điện tử thì cả nước Ấn Độ vẫn chưa có một nền bảo hiểm y tế chung. Người dân trên nhiều hải đảo ở Đông Nam Á, trong vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chưa một lần biết đến bác sĩ.

Trong khi đó, ở hầu hết các thành phố lớn việc điện tử hóa y tế nơi các bệnh viện được hình thành một cách tự phát nhằm giảm bớt chi phí hành chính, rút ngắn thời gian chẩn đoán và nâng cao hiệu quả điều trị của y bác sĩ. Quá trình tự phát này tỏ ra hữu hiệu nhưng không đạt được tầm vóc quốc gia hay khu vực vì việc ghi chép hồ sơ điện tử bệnh nhân mỗi nơi một khác. Thiếu chuẩn mực thống nhất trong cách ghi chép, thiếu mẫu định dạng (format) chung và thiếu cả những chi tiết liên quan đến gen di truyền cá nhân, các hồ sơ điện tử này không thể tự động tập hợp để trở thành một kho dữ liệu sẵn sàng cho việc khai thác.

Từ năm 2006, Chính phủ Thái Lan đưa hoạt động chăm sóc sức khỏe điện tử vào nội hàm chính phủ điện tử (eGovernment) và coi đó là lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch có tên là “hiện đại hóa Thái Lan”. Trước đó, vào năm 2001, Singapore thiết lập cấu trúc hạ tầng kỹ thuật chung cho nền công nghệ thông tin gọi là Singapore nhằm thực hiện chương trình công dân điện tử (eCitizen) với việc chăm sóc sức khỏe tự động cho mọi người. Trên thực tế, việc ban hành chính sách quốc gia không chỉ nhằm thúc đẩy tiến trình điện tử hóa nền y tế điện tử của mỗi nước mà còn hỗ trợ cho các hoạt động xuyên biên giới. Nhiều bệnh viện điện tử (eHospital) không chỉ chữa trị cho người trong nước mà còn thực hiện dịch vụ y tế ra cả nước ngoài thông qua mạng Internet và các loại điện thoại tích hợp Internet.

Thành công nhất trong lĩnh vực này ở khu vực Đông Nam Á ngoài Singapore là Malaysia. Kế hoạch phát triển hạ tầng ICT cho ngành y tế đã bắt đầu từ năm 1995, hai năm sau đó quốc hội nước này thông qua đạo luật y tế điện tử (Telemedicine Act 1997). Đến năm 2000, công ty tư vấn y tế toàn cầu Worldcare mở văn phòng tư vấn trung tâm và kết nối với 41 cơ quan thuộc Bộ Y tế. Một dự án khác gọi là eFarmasi liên kết cộng đồng các cửa hiệu thuốc tây để cung cấp một cách công bằng cho các bệnh nhân thông tin về những loại thuốc ghi trên hồ sơ y tế điện tử với giá ổn định. Trên trang web của tổ chức này người ta luôn thấy đầy đủ khoảng 27.000 loại thuốc cần cho việc điều trị. Một dự án y tế điện tử khác triển khai qua hệ thống điện thoại di động nhằm tư vấn và chăm sóc các bà mẹ mang thai cho tới cả sau khi sinh đẻ.

Giải pháp cần thiết cho Việt Nam

Kinh nghiệm thành công trong việc triển khai y tế điện tử của Malaysia được trình bày trong cuộc hội nghị quốc tế về quản trị tri thức ngành y lần đầu tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11-2010. Các chuyên gia và nhà quản lý y tế trong nước tin rằng đã đến lúc xây dựng một nền y tế điện tử ở tầm mức quốc gia thay vì chỉ điện tử hóa y tế từng phần trong các bệnh viện như trước đây. Trên thực tế trình độ y tế của Việt Nam đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng miền cũng như giữa nông thôn và thành thị, điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn về các thành phố lớn. Thực trạng thiếu thốn và xuống cấp cơ sở vật chất y tế không thể giải quyết ngày một ngày hai và cần rất nhiều tiền của cũng như đội ngũ chuyên khoa.

Sự lúng túng do quản lý y tế kém thể hiện rất rõ qua ngành bảo hiểm y tế: không có điều kiện đánh giá phác đồ điều trị, không có khả năng kiểm tra cấp phát thuốc đúng cách và cũng chẳng có biện pháp chế tài khách hàng lạm dụng quá mức yêu cầu các dịch vụ đã làm cho ngành này luôn luôn thua lỗ. Nhưng y tế điện tử được đặt ra không phải chỉ để khắc phục các yếu kém mà là một giải pháp chung nhằm nâng cao trình độ y tế nước nhà và tạo nên sự công bằng trong quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân dù ở nông thôn hay thành thị.

Cũng như bất cứ ngành ứng dụng công nghệ thông tin nào, nền y tế điện tử cũng đòi hỏi các chuẩn mực thống nhất phổ quát, thiết lập các cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm các phần mềm ứng dụng tương ứng và bảo đảm mức độ tin cậy cũng như tính riêng tư cho người sử dụng, song song với việc soạn thảo các luật lệ điều hành.

Việc thiết lập hồ sơ y tế điện tử cá nhân và mẫu định dạng nên theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để từ đó chúng ta có thể xây dựng kho dữ liệu y tế tập hợp và trao đổi thông tin với các tổ chức y tế và các nước khác. Việc thể chế hóa hoạt động y tế điện tử thuộc về nhà nước, theo đó các nhà cung cấp dịch vụ y tế (provider) được hình thành. Mặt khác nên bắt đầu áp dụng y tế điện tử cho viên chức nhà nước, công nhân nhà máy và những người tham gia bảo hiểm y tế.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • TVC Online hiệu quả hơn quảng cáo trên TV kênh nhỏ
  • Từ chuyện gả chồng cho Ngân Lượng
  • Quảng cáo trực tuyến: Công nghệ Re-Targeting gia tăng nhận diện thương hiệu
  • Nobel Kinh tế 2012 có ích cho… ghép thận
  • Cuộc chiến khốc liệt chợ thật – chợ ảo
  • Thời của đám đông
  • Khuynh hướng phát triển mới
  • Sở hữu trí tuệ: Gậy nào đập lưng ông nào?
  • Chữ ký số: Có thị trường nhưng còn băn khoăn
  • Chữ ký số và các ứng dụng cho tổ chức tài chính
  • Doanh nghiệp Việt làm điện thoại Việt
  • Khoảng trống chuyển giao công nghệ
  • Giảm chi phí quảng cáo nhờ áp dụng công nghệ cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com