Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu hỏi từ cuộc khủng hoảng lần trước

Với những tác giả muốn gây ảnh hưởng đến công chúng, việc lựa chọn thời điểm có vai trò vô cùng quan trọng. Và ít người lựa chọn được thời điểm tốt hơn Adolf Augustus Berle. Những câu hỏi ông đặt ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lần trước đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị.

Mùa hè năm 1932, khi nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử, Berle cho xuất bản cuốn "Doanh nghiệp hiện đại và tài sản tư nhân" (The Modern Corporation and Private Property), một bản phân tích uyên bác nhưng lại rất dễ đọc về các công ty lớn nhất nước Mỹ và những người đang điều hành chúng. Ngày nay, người ta hầu như đã quên lãng Berle, nhưng tác phẩm đó đã thực sự giúp ông thuyết phục thành công người Mỹ nhìn nhận lại hệ thống kinh tế của mình theo một cách mới và thiết lập những bước đi để cơ cấu lại tổ chức một cách căn bản nhất sau khi sụp đổ.

Adolf Augustus Berle. Ảnh: New York Times, chụp năm 1969

Thị trường chứng khoán bắt đầu tụt dốc chóng mặt ba năm trước đó và đến năm 1932, người Mỹ cố gắng trong tuyệt vọng hòng đảo ngược sự sụp đổ rộng lớn hơn gần như chắc chắn sẽ xảy ra và để đảm bảo rằng điều đó sẽ không lặp lại. Đảng Cộng Hoà mới lúc đó đã nhanh chóng ca ngợi "Doanh nghiệp hiện đại" là cuốn sách của năm, trong khi tờ The New York Herald Tribune lại coi cuốn sách là "công trình quan trọng nhất chứa đựng nghệ thuật lãnh đạo của nước Mỹ" kể từ các tuyên bố liên bang.

Louis Brandeis đã trích dẫn những lập luận của cuốn sách trước toà án tối cao khi nói đến quyền lực của các doanh nghiệp. Khi tranh cử Tổng thống, Franklin Delano Roosevelt đã kéo Berle, một luật sư thuộc đảng Cộng hoà làm việc tại phố Wall và từng ủng hộ Hoover, vào đội ngũ chủ chốt của mình. Mùa thu năm đó, Roosevelt đã đã tin tưởng giao cho Berle viết bản thảo của bài phát biểu sau này trở thành bài phát biểu quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử.

Sau cuộc bầu cử, Berle ở lại New York, tuy vậy mối liên hệ của ông với vị tổng thống mà ông vẫn táo bạo gọi là " Caesar thân mến" vẫn mật thiết đến nỗi tờ Time đã gọi tác phẩm "Doanh nghiệp hiện đại" là "cuốn kinh thánh về kinh tế của chính quyền Roosevelt".

Nếu chỉ đọc qua, cuốn sách này có vẻ không xứng đáng lắm với sự ca ngợi đó. Nhưng nếu xem xét từng chủ đề cụ thể thì những phân tích của Berle lại rất đáng kể. Ông dùng những dữ liệu do người cộng tác của mình, nhà kinh tế học Gardiner Means, thu thập để kiểm tra xem thị trường chỉ tập trung ở vài trăm công ty và những quản lý cao cấp đã giành lấy quyền lực từ người chủ hợp pháp của các công ty, những người cổ đông, như thế nào.

Không hề cực đoan, Berle háo hức bảo tồn hệ thống doanh nghiệp mà ông gọi là "bông hoa của tổ chức công nghiệp". Nhưng giờ ông tin rằng sự kiểm soát mới phải cân bằng được "rất nhiều đòi hỏi xuất phát từ nhiều nhóm khác nhau trong cộng đồng" - không chỉ là nhà quản lý và các cổ đông - và phân phối "mỗi phần thu nhập theo lợi ích chung chứ không phải theo sự tham lam cá nhân".

Năm 1932 tại thời điểm khủng hoảng tài chính, hầu hết người Mỹ đều nhận thấy phải làm gì đó, bởi vì những động lực biến nước Mỹ từ một nước nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới, giờ lại đang chênh vênh trên bờ vực thẳm, dường như có thể kéo toàn bộ nền kinh tế đổ sụp theo. Sự sáng suốt của Berle trong cuốn "Doanh nghiệp hiện đại" thể hiện ở chỗ ông đã gắn những nhận định chuyên môn với tâm trạng lo âu và tức giận của công chúng. Ví dụ như khi ông đặt vấn đề rất mạnh mẽ trong lời tựa: "Tổ chức chính trị xã hội và tổ chức kinh tế xã hội, tổ chức nào sẽ thống trị?"

Dưới thời Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, các nhà cải cách đã lập luận rằng những điều luật chống độc quyền và chống câu kết  khắt khe sẽ đưa nước Mỹ trở lại thời kì của những công ty nhỏ và trang trại. Nhưng dân Mỹ vẫn tiếp tục đổ xô đến các thành phố, dẫn đến sự bùng nổ trong tiêu dùng, với sự hỗ trợ của những khoản vay dễ dàng để chi tiêu và mua nhà. Sau đó, vào năm 1929, thị trường sụp đổ.

Sự sụp đổ trong một thời gian đã tiếp thêm sinh lực không chỉ cho những người theo chủ nghĩa chống độc quyền mà còn cả những người tổ chức công đoàn, các nhà xã hội học, những người theo chủ nghĩa trọng nông và cả những người theo chủ nghĩa duy tâm. Nó cũng mang đến cho những nhà điều hành có tầm nhìn xa như Gerald Swope của General Electric, người đã ủng hộ chủ nghĩa nghiệp đoàn tiến bộ - cả thế giới của tập đoàn kinh tế chính phủ, để đổi lấy mức lương cao hơn, điều kiện làm việc cải thiện và mức thưởng cho công nhân, tiền lương hưu và trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên Berle không để tâm đến những vấn đề này. Trong cuốn sách của mình, ông giải thích rằng những tập đoàn khổng lồ không phải là những tổ chức kinh tế "tự nhiên" mà là thứ do luật mới sáng tạo ra kết hợp với những gì sót lại của những tập đoàn kiểu cũ, một thế chể rất khác. Ông lập luận rằng cuộc đại suy thoái cho thấy những doanh nghiệp hiện đại đã thất bại không chỉ với những cổ đông mà là với cả công chúng, và sẽ thất bại tiếp nếu như không được điều chỉnh.

Nhưng quy định nào là cần thiết? Về chi tiết, Berle mập mờ một khó chịu nhưng lại rất có chủ ý. Ông nói rất rõ rằng chính phủ cần chịu trách nhiệm về tài chính cho nền kinh tế bằng cách sử dụng quyền lực của mình để cân bằng cung cầu. Chính phủ cũng cần yêu cầu các giám đốc công ty quản lý những người điều hành của họ, không chỉ vì quyền lợi của các cổ đông mà còn vì sự phù hợp với những quy tắc mới hệ thống hoá quyền lợi chung của cổ đông và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm nay có thể học được gì từ cuộc khủng hoảng năm 1932. Ảnh: Economist

Tác động của các ý tưởng của Berle chắc chắn được củng cố hơn bởi chính tiểu sự hoàn toàn không cực đoan của ông. Là con trai của bộ trưởng giáo đoàn có tư tưởng cải cách với một người vợ giàu có, ông vào học ở  Harvard lúc 14 tuổi và học xong Trường luật Harvard khi mới 21, là người trẻ nhất tốt nghiệp và thời điểm đó. (Có tài nhưng kiêu ngạo, ông đã từng xuất hiện trong giờ giảng của Felix Frankfurter mặc dù đã học xong. Bối rối, Frankfurter hỏi tại sao ông quay lại và Berle trả lời: "Em quay lại xem từ năm ngoái đến này thầy có học thêm được điều gì không?").

Sự nghiệp của ông ở Phố Wall diễn ra suôn sẻ cho đến năm 1923. Nhận thấy những mua chuộc, kiện cáo và ngớ ngẩn của Phố Wall, ông bắt đầu viết các bài phân tích. Vài năm sau ông đã góp phần tạo ra một lĩnh vực luật tài chính doanh nghiệp hiện đại nhấn mạnh vào các giải pháp điều tiết. Sau khi Trường luật Columbia mời ông đến làm việc năm 1927, ông bắt đầu quay vòng giữa công việc thực tế nhiều lợi nhuận ở khu phố kinh doanh và việc giảng dạy.

Nhưng Đại suy thoái và những phát hiện có liên quan về sự vận động, lừa gạt và coi thường rủi ro thị trường đã buộc Berle thay đổi. Ông là một đảng viên Cộng hoà có vai vế nhưng sự hỗn độn của kinh tế trong thời kì suy thoái và mối nguy cơ đe doạ nền dân chủ đã khiến ông nhận ra rằng những quy tắc mới giờ là không thể tránh khỏi.

Cuối năm 1931, Franklin Roosevelt, lúc đó là thống đốc New York đã nhờ đến nhà khoa học chính trị của trường Columbia, Raymond Moley. Roosevelt đang vận động tranh cử tổng thống và đang tìm kiếm ý tưởng mới. Moley nhanh chóng tiếp cận Berle và đã liên kết hai người đàn ông đầy tham vọng của trường Harvard.

Một tháng sau khi "Doanh nghiệp hiện đại" xuất hiện, Berle đã soạn thảo bài diễn văn nổi tiếng cho Roosevelt tại Hội nghị khối thịnh vượng chung tháng 9/1932. Tuyên bố rằng "thời của chính quyền khai sáng đã đến", Roosevelt nói rõ về tính hợp lý của những cải cách doanh nghiệp và tài chính trong thời kì mới, bao gồm bảo hiểm tiền gửi và quy định về chứng khoán. Ông lập luận rằng sự can thiệp của chính phủ là nhằm bảo vệ các cá nhân và tài sản cá nhân trước sự tập trung quyền lực kinh tế. Kêu gọi "một trật tự kinh tế lập hiến" mới, ông tuyên bố rằng đó là nhiệm vụ chung nhằm "hướng tới tương lai khi một cuộc suy thoái lớn không thể xảy ra lần nữa."

Sau này, Arthur Schlesinger Jr. viết: "Không một bài phát biểu nào của Roosevelt lại gây được nhiều chú ý trong thời kì đầu suy thoái như bài này". Nó đảm bảo cho chiến thắng của ông và kiếm cho Berle một loạt chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nước Mỹ bắt đầu một cuộc bành trướng chưa từng có kéo dài 40 năm.

Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Reagan, một học thuyết mới nổi lên và quan điểm giám sát thị trường mà Berle đi tiên phong đề xướng theo thời gian đã bị gạt bỏ, với niềm tin rằng thị trường có thể tự điều chỉnh và chính phủ chính là trở ngại chứ không phải là giải pháp.

Ngày nay, thời kì đó dường như đã tự nó kết thúc và câu hỏi mà Berle từng đặt ra - liệu dân chủ sẽ điều khiển các doanh nghiệp hay chính các doanh nghiệp điều kiển dân chủ? - dường như vẫn là một câu hỏi cực kì quan trọng đáng được đặt ra một lần nữa.

(Theo Nguyễn Tuyến//Richard Parker//TuanVN)

  • Năm cơ hội để vươn lên từ suy thoái
  • Tín nhiệm thông qua sự minh bạch
  • Sức hấp dẫn của những ý tưởng táo bạo
  • Kết nối chiến lược và vận hành để tạo ra lợi thế cạnh tranh
  • Ba cách chống lại sự kiệt sức
  • Cải cách trong thời kỳ "Đại gián đoạn"
  • Mô hình đóng góp cộng đồng: Thành công đến từ những điều bất ngờ (P1)
  • Khi các nhà lãnh đạo... lảng tránh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com