Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chống lại sự xâm nhập của 'tập đoàn trị'

"Khi tôi tham gia Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF) diễn ra tại Brazil vào tháng 1/2005, lục địa này đang bị cuốn vào cuộc cách mạng chống lại “tập đoàn trị”. Bất chấp sức ép từ các thế lực, những vị tổng thống nước này vẫn tiến hành chiến dịch ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ thông qua các tập đoàn nước ngoài.

Một sát thủ kinh tế cảm nhận về Brazil thời những năm 2005 như vậy.

Ở Chile, một chuyện lạ lùng cũng đã xảy ra. Các báo cáo và tài liệu về chính phủ Mỹ mới được tiết lộ gần đây đã khẳng định những tin đồn từ lâu về việc chính quyền Nixon và CIA câu kết với các công ty Mỹ và quân đội Chile lật đổ và ám sát Salvador Allende - Tổng thống được bầu dân chủ năm 1973.

CIA buộc “tội” Allende là đã quá tôn trọng lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử của ông: tài nguyên của Chile cần phải thuộc về nhân dân Chile. Sau khi thắng cử, Allende tiến hành quốc hữu hóa 60% ngành công nghiệp sản xuất thép, than, đồng và các ngân hàng tư nhân... vốn đang thuộc quyền sở hữu của các công ty nước ngoài.

Như tại Iran, Iraq, Guatemala, Indonesia và nhiều nơi khác trước đó, Mỹ đã hậu thuẫn cho một kẻ khác lên thay thế ông: tướng Gen. Augusto Pinochet - một kẻ chuyên quyền khát máu. Giờ đây, sau 20 năm, WSF lại gây chấn động với thông tin các nhân viên điều tra của chính phủ Mỹ và một thẩm phán Chile đã phát hiện ra những tài khoản bí mật của Pinochet tại ngân hàng Riggs ở Washington và các ngân hàng nước ngoài khác, tổng số tiền gửi ít nhất là 16 triệu đôla. Ngoài ra, một sự thật khác cũng được hé lộ, chính Pinochet là người phải chịu trách nhiệm trước công lý vì đã ra lệnh cho cảnh sát và các đơn vị vũ trang sát hại hai nghìn người dân vô tội.

Tại WSF xuất hiện nhiều lời đồn về Michelle Bachelet, một phụ nữ có khả năng giành thắng lợi rất lớn trong cuộc tranh cử tổng thống Chile năm 2005. Cha bà từng là một vị tướng trong lực lượng không quân và đã bị chết trong tù vì phản đối Pinochet. Bachelet đã tự củng cố địa vị của mình với vai trò là người đứng đầu Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Chile. Bà ủng hộ phong trào dân tộc và sẵn sàng đứng lên chống lại “tập đoàn trị”. Nếu bà giành thắng lợi có nghĩa là có hơn 80% người Nam Mỹ bỏ phiếu bầu cho các tổng thống chống lại tập đoàn trị, và khoảng 300 triệu người (xấp xỉ dân số Mỹ) đã lựa chọn vị ứng cử viên phản đối lại đế quốc ở Bắc Mỹ.

WSF là biểu tượng của làn gió mang trong mình sự thay đổi đang thổi trên khắp hành tinh của chúng ta. Nó được thành lập đầu thiên niên kỷ thứ ba như một sự hưởng ứng cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới - nơi chính phủ và những người đứng đầu doanh nghiệp cùng hợp tác, thỏa thuận, tìm ra các chính sách thương mại và phối hợp với các chiến lược của tập đoàn trị khác. Tháng 1/2005, hơn 150 nghìn người tham gia đến từ 130 nước đã tập trung tại WSF, Porto Alerge, Brazil để bàn về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị và tiến tới đề ra những giải pháp thay thế cho hệ thống cũ đang suy tàn. Tổng thống Brazil Lula và tổng thống Venezuela Chávez cùng rất nhiều nhân vật có uy tín đã tham gia phát biểu tại diễn đàn này.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp với thế giới? Một chiếc lều lớn được dựng lên cho cuộc nói chuyện của tôi. Bản quyền cuốn sách này đã được bán dưới nhiều ngôn ngữ nhưng hầu như tất cả vẫn chưa được xuất bản. Dù sao điều đó cũng không thành vấn đề vì bản tiếng Anh đã được lưu hành rộng khắp. Mọi người ngồi kín hàng trăm ghế và kín cả cửa ra vào. Sau cuộc nói chuyện, có rất nhiều người chờ xếp hàng để nói chuyện với tôi và đưa ra những nhận xét của họ. Cá nhân tôi thực sự bị xúc động khi một thanh niên trẻ Brazil đưa ra lời chỉ trích chính phủ Brazil. Anh buộc tội Lula đã nhượng bộ các sát thủ kinh tế và phản bội lại những cam kết trong chiến dịch vận động của ông. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy khiến tôi nhớ lại những lời chỉ trích chống lại Gutiérrez mà tôi từng nghe được ở Ecuador.

Buổi nói chuyện hôm ấy đã mở ra một cánh cửa mới với tôi. Tôi được tiếp cận với những nhóm người đến từ châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh. Tất cả đều muốn chia sẻ những câu chuyện và ý kiến của họ cũng như muốn được nghe nhiều hơn từ tôi.

Cũng trong buổi hôm đó, một người đàn ông ăn mặc rất lịch sự đưa cho tôi tấm danh thiếp của anh ta. Qua tấm danh thiếp, tôi biết anh ta là cố vấn cấp cao của tổng thống Brazil Lula. Anh ta hẹn gặp tôi tại một công viên nhỏ gần khách sạn mà tôi đang ở và nói thêm: "Hãy giữ kín chuyện này. Đây là bí mật giữa anh và tôi”.

Vào ngày hẹn, tôi đi bộ đến công viên. Trong tôi có một thoáng lo âu. Tôi tự hỏi lẽ nào tôi đã làm phật lòng chính quyền Brazil. Tôi không thể hiểu tại sao một quan chức chính phủ lại tiếp cận và hẹn gặp tôi theo kiểu lén lút này. Thật đáng nghi ngờ!

Tôi ngồi vài phút bên ngoài công viên, cố gắng thư giãn một chút. Tiếng còi inh ỏi cùng với tiếng nhạc chát chúa phát ra từ chiếc xe vừa đi qua. Tôi cúi xuống bụi hoa để ngửi mùi thơm nhưng chỉ thấy mùi khói xả ra từ chiếc xe ban nãy. Tôi nghĩ về thành phố này - Porto Alegre là trung tâm công nghiệp với gần 1,5 triệu dân nhưng khi tôi nói chuyện với những người Mỹ khác, có rất ít người trong số họ nghe và biết về thành phố này. Một lúc sau, tôi đứng dậy và đi vào công viên.

José đang ngồi trên chiếc ghế đá nằm dưới một tán cây. Thay vì trang phục áo sơ mi phẳng phiu và quần âu gấp nếp hôm trước, anh mặc áo phông, quần jean và kính râm quá cỡ làm tôi có cảm giác anh giống một con chuồn chuồn. Trên đầu José là chiếc mũ rơm mềm che gần hết cả khuôn mặt. Khi tôi đến gần, José đứng lên, nhìn xung quanh rồi bắt tay tôi và nói: “Cảm ơn vì anh đã tới”. V

ẫn đứng đó, José giải thích với tôi bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn rằng nếu có ai đó chất vấn về cuộc gặp gỡ của chúng tôi, anh ta sẽ trả lời đơn giản là anh ta muốn biết thêm về tôi và cuốn sách trước khi nó được xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha. “Tôi hy vọng điều này không xảy ra”. Đảo mắt quanh công viên, José nói: “Thế nhưng, vào những ngày này, chẳng ai biết trước được điều gì...”. Giọng José nhỏ dần. Rồi chỉ vào ghế đá, anh nói với tôi: “Ngồi đi”.

Ban đầu, José hỏi tôi về một vài người trong cuốn "Lời thú tội của một sát thủ kinh tế", chủ yếu là hai người Iran “Yamin” và “Doc”. Năm 1977, hai người này bất chấp hiểm nguy cho tính mạng của mình đã tiết lộ cho tôi những thông tin về vị vua Ba Tư và quyết tâm lật đổ ông ta của các giáo sĩ Hồi giáo (chuyện này đã xảy ra gần 2 năm sau đó). José thở phào khi tôi kiên quyết không tiết lộ chi tiết nào về hai người này. José cho tôi biết anh muốn câu chuyện của mình sẽ đến với tất cả người dân Mỹ nhưng với điều kiện tôi phải đảm bảo giữ bí mật cho anh. José đề nghị tôi ghi chép lại, miễn là tôi không tiết lộ tên tuổi của anh. Trong cuộc chuyện trò giữa chúng tôi, José có nói tới năm 1968, khi anh vừa tròn 26 tuổi – đây cũng là khoảng thời gian tôi tốt nghiệp cao đẳng.

José kể anh đã đọc cuốn sách của tôi và đánh giá rất cao những gì tôi phơi bày trước công chúng. Tuy nhiên, anh nói: “Đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Tôi chắc anh rõ điều này nhưng tôi cảm thấy tôi vẫn cần phải nói ra. Ngay cả quyển sách của anh cũng đã bỏ sót những câu chuyện thực sự”.

José nói đến những áp lực mà cấp trên của anh, tổng thống Lula, phải chịu đựng. “Nó không chỉ là những khoản hối lộ, sự đe dọa từ các cuộc đảo chính hay ám sát, không chỉ là những thoả thuận và dự báo kinh tế bị bóp méo, không chỉ là việc người dân Brazil đang dần trở thành nô lệ bởi những khoản nợ mà chúng tôi không bao giờ trả nổi. Sự thực còn kinh khủng hơn thế”.

José nói tiếp, tại Brazil và nhiều quốc gia khác, về cơ bản, tập đoàn trị khống chế tất cả các đảng chính trị. “Thậm chí những ứng cử viên của đảng cộng sản cấp tiến phản đối lại Mỹ cũng phải thoả hiệp với Washington”.

Khi tôi hỏi làm thế nào anh biết được tất cả điều này, anh cười: “Tôi đã tham gia vào chuyện này trong suốt một thời gian dài. Tôi luôn bị cuốn vào chuyện chính trường. Từ Johnson rồi Bush, cả hai cha con nhà Bush. Những cơ quan tình báo và cả những sát thủ kinh tế như anh hoạt động hiệu quả hơn anh tưởng đấy”.

José cho tôi biết các sinh viên đã bị dụ dỗ như thế nào trong khi họ hoàn toàn ngây thơ và dễ bị tổn thương. Anh nói về những trải nghiệm của chính mình khi anh còn là một thanh niên và bị mờ mắt bởi đàn bà và ma túy. “Anh thấy đấy, khi một đối thủ cấp tiến của Mỹ đứng lên nắm quyền và giả sử vào lúc này, ông ta muốn đứng lên chống lại Washington thì CIA sẽ ngay lập tức tặng cho ông ta một món quà”.

“Thư khủng bố ư?”.

José cười phá lên khi tôi nói như vậy. “Anh có thể gọi như vậy hay gọi đó là một chính sách ngoại giao hiện đại cũng được. Tất nhiên, không chỉ có nước Mỹ. Tôi chắc anh đã được nghe những lời đồn về lý do tại sao Noriega bị hạ bệ và bây giờ đang chết dần trong nhà tù Mỹ”.

“Tôi nghe nói anh ta đã gắn các camera khắp đảo Contadora”. Contadora là một khu resort nổi tiếng bên bờ biển Panama, nơi ẩn náu an toàn để giới doanh nhân Mỹ chiêu đãi các chính trị gia bằng những hành vi đồi bại không thể tưởng tượng được. Tôi đã đến Contadora vài lần khi còn là một sát thủ kinh tế.

“Anh có nghe được những chiếc camera đó đã tóm được những ai không?”.

“Có tin đồn rằng George W. đã bị quay lén khi đang sử dụng cocain và có hành vi quan hệ tình dục bất chính trong thời gian cha anh ta làm tổng thống”. Người ta còn nói rằng ở Mỹ Latinh, Noriega đã sử dụng những bức ảnh đồi trụy của Bush con và người tình để thuyết phục Bush cha, khi đó đang là tổng thống, đứng về phía chính quyền Panama trong những vấn đề chủ chốt. Để trả đũa, Mỹ mang quân xâm lược Panama và đẩy Noriega vào nhà tù Miami. Hồ sơ mật về Noriega được cất giữ trong toà nhà bị ném bom thiêu rụi. Sự việc này còn gây ra một ảnh hưởng khác, một ngày vào tháng 12/1989, hơn 2.000 người dân vô tội đã bị chết cháy trong thành phố. Trong suy nghĩ của nhiều người, giả thuyết này là lời biện hộ hợp lý nhất cho việc Mỹ dùng bạo lực tấn công vào Panama, một quốc gia không có lực lượng vũ trang và chẳng hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ!

José tán thành: “Từ vị trí của tôi, những tin đồn này có vẻ như hoàn toàn đúng sự thật. Tôi đã trải qua những chuyện khó mà tưởng tượng nổi”. Anh ta ngẩng đầu lên: “Cả anh nữa đúng không?”. Rồi lại nhìn xuống: “Và điều đó làm tôi khiếp sợ”.

Tôi hỏi José liệu Lula có nhúng tay vào các vụ tham nhũng không và trong bao lâu. Rõ ràng câu hỏi của tôi khiến José cực kỳ lúng túng. Sau một hồi lâu, anh ta thú nhận rằng Lula là một phần của hệ thống: “Nếu không, làm sao ông ta có thể leo lên vị trí như vậy chứ?”. Tuy nhiên, José cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Lula. “Ông ta là một người theo chủ nghĩa hiện thực. Lula hiểu rằng để giúp đỡ người dân nước mình ông không còn lựa chọn nào khác”. Rồi anh lắc đầu: “Tôi sợ rằng Washington sẽ tìm cách lật đổ Lula nếu ông đi quá xa”.

“Theo anh, họ sẽ làm điều đó như thế nào?”.

“Anh biết đấy, ai mà chẳng có những vụ bê bối. Nếu tất cả được đưa ra ánh sáng, anh sẽ thấy chính trị gia nào cũng từng có lúc làm những chuyện tồi tệ. Clinton có Monica. Dẫu vậy cô ta không phải là vấn đề. Clinton đã đi quá xa khi ông ta cố gắng sửa đổi hệ thống tiền tệ thế giới và đặt một mối đe doạ khổng lồ đối với các chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hoà trong tương lai. Khi đó ông ta còn rất trẻ, tràn đầy năng lực và có sức lôi cuốn công chúng. Vì thế, tâm điểm sự chú ý chĩa vào Monica. Anh không tin rằng Bush cũng có vài phụ nữ phía sau ông ta ư? Nhưng ai dám nói về họ nào? Lula có những vụ bê bối. Nếu các thế lực muốn lật đổ ông, họ sẽ tung ra các vụ bê bối này. Và còn có rất nhiều cách để ám sát một chính khách đang đe dọa tham vọng bá chủ của nước Mỹ”.

José nhìn tôi và tôi nhớ mãi những gì anh nói vì chỉ vài tháng sau đó, bốn quan chức cấp cao trong đảng của Lula đã từ chức vì bị buộc tội dàn xếp một khoản tiền trị giá hàng triệu đôla để đút lót một số thành viên trong cơ quan lập pháp trong cuộc bầu cử tổng thống trước đó. Có vẻ như sự nghiệp chính trị của Lula đã đi đến hồi kết sau vụ scandal này.

Khi tôi hỏi làm thế nào chúng ta có thể nắm quyền tự chủ trong một nước đế quốc như thế, José nói: ” Đó là lý do tôi gặp anh. Chỉ có những người Mỹ các anh mới có thể thay đổi được nó. Chính phủ của các anh gây ra vấn đề này và vì thế người của các anh phải giải quyết chúng. Anh phải kiên quyết yêu cầu Washington tôn trọng cam kết về dân chủ thậm chí cả khi những nhà lãnh đạo được nền dân chủ bầu ra quốc hữu hóa những tập đoàn thối nát của các anh. Anh phải quản lý những tập đoàn và cả chính phủ của anh. Chỉ người dân Mỹ mới có nhiều quyền hạn đến vậy. Anh phải nắm lấy nó. Chẳng còn cách nào khác. Những người Brazil chúng tôi không được tự do hoạt động. Người Venezuela cũng thế, người Nigeria cũng thế. Tất cả phụ thuộc vào các anh”.

Sự phấn khởi khi cuốn sách và cuộc nói chuyện của tôi tại WSF được công chúng đón nhận giờ sụp đổ hoàn toàn sau cuộc nói chuyện với José. Lang thang trên những con phố ở Porto Alegre, tôi càng thêm chán nản. Và tôi cho rằng chính điều đó đã khiến tôi trở nên yếu thế trước một phụ nữ Brazil tuyệt vời tự xưng là nhà báo.

(Theo Vn Express)

  • Quản trị DN - nhìn từ sự suy kiệt của Infoco
  • Từ “6 bên cùng thắng” tới “né tránh vấn đề là ngu ngốc”
  • Tại sao chỉ viết kế hoạch kinh doanh trên 1 trang giấy?
  • Chiếc la bàn mang đến cuộc sống giàu sang
  • Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và những bài học
  • Để sự thay đổi không “giữa đường đứt gánh”
  • Lời khuyên “xanh hóa” trong thời điểm kinh tế khó khăn
  • Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong suy thoái kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com