Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi doanh nghiệp không ‘giương buồm vượt sóng’

Mỗi doanh nghiệp sẽ tự tìm ra được “ốc đảo trong sa mạc” của riêng mình để vượt qua thời điểm khó khăn.

Những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá, giá cả nguyên vật liệu… trong thời gian gần đây đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong nước.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với năm trước. Thậm chí một số doanh nghiệp đã chuyển mục tiêu từ “có lãi” sang mục tiêu “giữ vững thị trường”. Theo các chuyên gia, trước quá nhiều những biến động của chính sách kinh tế vĩ mô, thái độ lúng túng nhất định của các trong đối sách kinh doanh là điều không thể tránh khỏi.

Không nên giương buồm vượt sóng

Sau khi nền kinh tế có những biểu hiện của lạm phát cao và nguy cơ bất ổn, Chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 nghị quyết với nội dụng chính là “tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”. Hàng loạt các giải pháp đã được Chính phủ đưa ra trong đó thiên về cắt giảm chi tiêu, đầu tư ở tất cả các cấp, ngành và mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến, với các giải pháp của Chính Phủ thì trước hết doanh nghiệp phải làm nhiều việc hơn, cắt giảm chi tiêu, ra sản phẩm mới giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn với giá tốt và vẫn giúp người tiêu dùng giữ được phong cách sống để họ sẵn sàng mua. Nếu sản phẩm không tăng chất, tăng lượng mà chỉ đơn thuần tăng giá thì sẽ “khó sống” được qua mùa khó khăn này.

Trong khi đó, với các giải pháp của Chính phủ, ông Cường cho rằng cũng chưa biết được là doanh nghiệp mình có nằm trong nhóm được hỗ trợ hay không. Trong trường hợp không được hỗ trợ thì chắc chắn doanh nghiệp phải tự vượt khó.

Trong khi đó, ông Trần Kim Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh Đô lại cho rằng, trong tình hình này doanh nghiệp phải  tiên đoán được xu hướng, có dự báo mức ảnh hưởng sau đó có những kế hoạch nhập nguyên liệu ra sao, xuất khẩu thế nào để giảm chuyện mua ngoại tệ.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải lường trước mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu để có những điều chỉnh phù hợp, để việc kinh doanh trong tầm kiểm soát. Theo ông, trong ngành thì tương đối dễ kiểm soát, còn về mức độ vĩ mô thì ảnh hưởng của nó sẽ rất là sâu xa, chuỗi cung ứng của mình với các nhà cung cấp luôn có sự chia sẻ để có một sự hỗ trợ lẫn nhau để đầu vào của mình có căn cơ, tránh sản phẩm bị lên giá liên tục.

“Muốn tồn tại chắc chắn doanh nghiệp phải phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu hiện tại. Chẳng hạn, khi khó khăn thì người dân ăn bánh mì nhiều hơn, đó là cơ hội để mình đẩy mạnh bánh mì”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm trên, song có phần cẩn trọng hơn, Phó tổng giám Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) lại cho rằng, nhiều khả năng “cơn bão” năm nay sẽ tương tự năm 2008, đó là tỷ giá tăng, lãi suất tăng và giá cả tăng... cho nên các bộ phận của Casumina đã thống nhất đưa ra đối sách vào lúc này, đó là không giương buồm cao để tránh gió to, sóng lớn, tập trung giữ và bảo toàn được vốn.

Theo ông, mỗi doanh nghiệp sẽ tự tìm ra được “ốc đảo trong sa mạc” của riêng mình để vượt qua thời điểm khó khăn.

Dễ rơi vào vòng luẩn quẩn?

Theo bà Bùi Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty Bột thực phẩm Tài Ký, một trong những điều doanh nghiệp đang rất lo lắng là lãi suất ngân hàng. Lãi suất quá cao, áp lực về giá thành quá lớn, đương nhiên sản phẩm giá cao, như vậy thì sản lượng sẽ giảm, dễ rơi vòng xoay luẩn quẩn không có đường gỡ để đưa hàng đến tay người tiêu dùng.

Theo bà Loan, những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp càng áp dụng sớm càng tốt để doanh nghiệp có điểm tựa qua thời kỳ khó khăn. Hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ là cầu nối để những chính sách dành cho người dân của Chính phủ được thực thi.

“Về nguyên tắc là các doanh nghiệp không được nhập nguyên liệu kém chất lượng để giảm giá thành. Điều này sẽ giết doanh nghiệp”, bà Loan nói.

Trong khi đó, Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, khó khăn của ngành dược hiện nay là khi giá cả tăng (ngành dược cũng phải chịu giá điện tăng) nhưng trong ngành lại quy định không được tăng giá, trong khi đó dược liệu phải nhập khẩu chiếm đến 90% nên sức ép của vấn đề này rất lớn.

Trong khi đó, một ý kiến khác lại chia sẻ, ảnh hưởng bới giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá buộc doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm nhưng điều này lại khiến chính họ gặp khó do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

Hồng Hạnh - NDHMoney

 

  • Cáo mượn oai hùm
  • Lạm phát ảnh hưởng chiến lược kinh doanh 2011
  • Thôi chức, CEO của Google được thưởng 100 triệu USD
  • Nhà nước lạc quan, doanh nghiệp bi quan
  • Doanh nhân đi học
  • Để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp
  • Nghịch lý doanh nghiệp báo cáo lỗ - Càng lỗ, càng lớn mạnh?
  • Cha đẻ thuyết cạnh tranh Micheal Porter: Cảnh báo về những "cái bẫy" trong cạnh tranh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com