Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất Những bài học về công tác quản lý

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Trong những năm qua, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước. Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm dầu khí và các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo sâu sát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Nhiều cơ chế, chính sách và các quy định đặc cách của Chính phủ được áp dụng đối với dự án quan trọng này.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong những năm qua đã tập trung chỉ đạo và mở rộng cơ chế ủy quyền, phân cấp cho Ban quản lý. Sự đổi mới quyết liệt và những thành tựu trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, xây dựng Ðảng,... trong toàn tập đoàn là động lực quan trọng thúc đẩy Ðảng bộ Ban QLDA Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác quản lý dự án

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành quả rất quan trọng. Ðại hội Ðảng bộ lần này không những tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2007 - 2010, mà còn tập trung đánh giá toàn diện diễn biến quá trình thực hiện các gói thầu chính, những hạng mục công việc chủ yếu qua từng giai đoạn cho đến khi hoàn thành và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành.

Sau khi có Nghị quyết 44/2005/ QH11 của Quốc hội khóa XI, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước, chủ trương ghép gói thầu EPC số 1 và số 4, số 2 và số 3 được triển khai thực hiện. Tham gia thực hiện gói thầu EPC 1+4 và 2+3 ngoài tổ hợp nhà thầu chính Technip còn có 47 nhà thầu phụ và 151 nhà thầu phụ thứ cấp. Ðã có hơn 1.000 chuyên gia của nhà thầu  và hàng trăm cán bộ giám sát thiết kế của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn quản lý dự án (PMC) được huy động làm việc liên tục trong nhiều tháng tại bốn trung tâm trên thế giới. Tài liệu thiết kế chi tiết và bản vẽ kỹ thuật phục vụ chế tạo, xây lắp được phê duyệt lên đến hàng triệu bản. Số kỹ sư và công nhân tham gia xây dựng tại hiện trường vào khoảng từ 14 nghìn đến 15 nghìn người đến từ 30 quốc gia. Các nhà thầu Việt Nam đảm nhận khoảng 75% khối lượng xây lắp. Tổng số giờ công thi công trên công trường đạt khoảng 65.993.497 giờ. Khối lượng vật tư, thiết bị được chế tạo vận chuyển vào Việt Nam và lắp đặt trong gói thầu 1+4 và 2+3 vào khoảng: 40 nghìn tấn thiết bị; 23 ngàn tấn bồn bể;  40 nghìn tấn đường ống và phụ kiện; 14 nghìn tấn các vật tư về điện; 3,7 triệu mét cáp điện và cáp điều khiển; 1.183 mô-tơ; 17.227 vòng điều khiển; 11.032 thiết bị tự động hóa;... trở thành một công trình có khối lượng vật tư, máy móc thiết bị kỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam.

Về công tác tổ chức đời sống và sinh hoạt trên công trường, ngay từ khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải hết sức coi trọng việc chuẩn bị công tác hậu cần, đời sống và nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của CBCNV, của chủ đầu tư và người lao động thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế. Ðây là vấn đề  ảnh hưởng trực tiếp tiến độ thi công, năng suất và chất lượng công việc trên công trường. Về công tác quản lý chất lượng, phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch kiểm tra và nghiệm thu tại công trường đã được phê duyệt, với mỗi loại công việc, có quy định rõ các bước thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và trách nhiệm đóng hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Về công tác quản lý an toàn, bộ phận an toàn phải được thành lập ngay từ đầu cùng với việc hình thành hệ thống quy trình an toàn, quy định về trang thiết bị bảo hộ lao động và biện pháp chế tài. Các chương trình huấn luyện làm việc trên cao, làm việc những nơi nguy hiểm, làm việc ban đêm và làm việc ngoài giờ phải được triển khai liên tục. Về công tác tổ chức các đội giám sát, việc thay đổi về cơ cấu tổ chức từ cấu trúc quản lý giám sát theo gói thầu EPC chuyển sang cấu trúc quản lý giám sát theo chuyên ngành, thành lập các đội giám sát chuyên ngành về điện, cơ khí, xây dựng, tự động hóa... đã giải quyết được những vấn đề quan trọng trong công tác quản lý, giám sát dự án, kết nối các hạng mục và giải quyết giao diện với các gói thầu còn lại.

Công tác vận hành chạy thử và kết quả sản xuất

Công tác chạy thử từng phần của nhà máy bắt đầu từ cuối năm 2008. Hơn 1.000 kỹ sư vận hành và công nhân kỹ thuật cùng các chuyên gia của các nhà thầu nước ngoài đã thực hiện việc vận hành chạy thử các phân xưởng công nghệ của nhà máy. Ngày 22-2-2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam lần đầu hoàn thiện quy trình từ khai thác đến sản xuất ra dòng dầu thương phẩm.

Trong quá trình chạy thử và chạy nghiệm thu, các bên đã phối hợp kiểm tra 17.227 vòng điều khiển và các hệ thống điều khiển; kiểm tra các bồn bể chứa, thiết bị phản ứng, tái sinh, tháp chưng cất, các thiết bị quay lớn và tất cả các thiết bị công nghệ khác. Soạn thảo và ban hành 906 quy trình vận hành, 131 quy trình bảo dưỡng, 70 quy trình an toàn và 276 quy trình cho phòng thí nghiệm, phối hợp xử lý gần 170 nghìn điểm kỹ thuật theo tiêu chuẩn dự án.

Tháng 3-2009, công tác chạy nghiệm thu từng phần và nghiệm thu sơ bộ được tiến hành và đã hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2009. Ngày 24-5-2010, Ban QLDA và nhà thầu TPC đã tiến hành ký nghiệm thu bàn giao gói thầu EPC 1+4 và 2+3. Tính đến cuối tháng 5-2010, số lượng dầu thô Bạch Hổ đã nhập vào nhà máy khoảng gần 3,9 triệu tấn phục vụ công tác chạy thử, chạy nghiệm thu. Nhà máy đã chế biến được hơn 3 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng và xuất ra tiêu thụ trên thị trường là gần 2,9 triệu tấn sản phẩm các loại. Bảy sản phẩm của nhà máy đã đạt Huy chương vàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế (Vietnam Expo - 2010). Với chế độ vận hành chạy thử, chạy nghiệm thu, nhưng ngay trong năm 2009, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng gần 2.400 tỷ VNÐ, nâng tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi năm 2009 đạt khoảng 6.432 tỷ VNÐ.

Công tác quản lý, giám sát dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và triển khai các hạng mục phụ trợ khác

Bên cạnh công tác quản lý Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, từ đầu năm 2008 đến nay, các nhà thầu đã lắp đặt gần 400 hạng mục thiết bị lớn nhỏ các loại, trong đó có các hạng mục thiết bị có khối lượng và kích cỡ lớn như các tháp phản ứng dạng vòng (cao 40m), thiết bị máy đùn, các silo chứa hạt nhựa,... Chế tạo, sơn phủ và lắp đặt hơn 1.520 tấn thép kết cấu các loại cho toàn bộ dự án. Chế tạo và lắp đặt 138.590 ID ống công nghệ, phụ trợ, ống ngầm, ống cứu hỏa; thực hiện 15.890 m2 sơn và sơn dặm cho ống; 1.800 m2 sơn và sơn dặm cho giá đỡ ống; thi công 6.730 m2 bọc cách nhiệt cho ống, phụ kiện của ống và thiết bị; lắp đặt gần 300 nghìn m cáp điện và 110 nghìn m cáp điều khiển...

Rà phá bom mìn: 815,94 ha; san nền toàn bộ mặt bằng thi công nhà máy: 266,70 ha (tương đương 8,7 triệu m3 đất đá); gia cố các mái ta-luy: 24.200 m3; xây dựng hàng rào nhà máy: 25.688 m. Ngoài ra, còn thực hiện các hạng mục khác như hệ thống đường và cầu dân sinh qua tuyến ống, hệ thống cấp điện, nước phục vụ thi công, điện chiếu sáng, hệ thống điện 22 kV mạch kép phục vụ chạy thử và vận hành nhà máy, hệ thống ca-mê-ra và các công trình bảo vệ...

Ðã có 1.046 nhân sự vận hành được tuyển dụng từ năm 1998 đến năm 2008 và cử đi đào tạo tiếng Anh, dầu khí cơ bản, thiết bị mô phỏng tại các trung tâm đào tạo trong nước và quốc tế, trong đó 551 là kỹ sư vận hành và 495 công nhân kỹ thuật.  Quá trình đào tạo nhân lực vận hành từ khi triển khai dự án đến nay đã đạt được kết quả rất quan trọng. Các kỹ  sư vận hành và công nhân kỹ thuật hiện đang tham gia vận hành nhà máy và từng bước có thể thay thế chuyên gia của nhà thầu O  & M. Kế hoạch bảo vệ an ninh cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được đặt vào không gian chung của Ðề án bảo đảm an ninh, trật tự Khu kinh tế Dung Quất và được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thiết kế, mua sắm, xây dựng chạy thử và giai đoạn vận hành thương mại nhà máy. Kết quả quan trọng nhất đạt được là các lực lượng an ninh đã phối hợp chủ đầu tư và các cơ quan chức năng giám sát các nhà thầu thực hiện các hợp đồng kinh tế, mua sắm và vận chuyển vật tư thiết bị và  nhất là trong quá trình thi công xây lắp các hạng mục của nhà máy. 

Các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành chạy thử nhà máy đều được kiểm soát kịp thời và đúng quy trình nên gây thiệt hại không đáng kể. Phương tiện ứng cứu khẩn cấp được trang bị đầy đủ, bảo dưỡng thường xuyên; lực lượng kỹ sư, công nhân phòng cháy, chữa cháy được tuyển dụng và đào tạo bài bản, có tính chuyên nghiệp cao, luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Toàn công trường đã đạt được hơn 18 triệu giờ làm việc không tai nạn lao động, đặc biệt không để xảy ra một vụ tai nạn nào cho nhân sự của chủ đầu tư tham gia giám sát dự án.  Chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng, chạy thử và vận hành nhà máy đều được xử lý theo đúng các quy định, chất lượng môi trường chung quanh nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn cho phép.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác quản lý dự án

Trong nhiệm kỳ, Ðảng ủy đã tiến hành 24 kỳ hội nghị trong đó có chín hội nghị mở rộng; ban hành 24  nghị quyết và các văn bản, chỉ thị phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ban hành Quy chế làm việc, xây dựng Chương trình hành động toàn khóa; ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc DQR/BSR theo quy định của tập đoàn.

Lãnh đạo công tác cán bộ của Ban QLDA và Công ty LHD Bình Sơn giới thiệu nhân sự tham gia bộ máy lãnh đạo các dự án và doanh nghiệp góp vốn. Thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với các chức danh do tập đoàn quản lý giai đoạn từ 2010 đến 2015. Cân đối bộ máy nhân sự quản lý và vận hành nhà máy, ưu tiên lao động địa phương và lao động nữ. Hiện nay, số cán bộ nữ được quy hoạch là 22 người, trong đó đã bổ nhiệm 12 người. Số CBCNV người Quảng Ngãi là 621 người (chiếm 48,1%).

Ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/ÐU về công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong giai đoạn  từ 2010 đến 2015. Ðã có 189 quần chúng ưu tú được tham gia lớp đối tượng đảng; bồi dưỡng và kết nạp 67 đảng viên mới. Tính đến tháng 5-2010, Ðảng bộ Ban QLDA có chín chi bộ trực thuộc với 160 đảng viên, trong đó có 38 đảng viên dự bị. Liên tục ba năm 2007, 2008 và 2009, Ðảng bộ được công nhận là tổ chức Ðảng trong sạch, vững mạnh. Năm 2009, Ðảng bộ được nhận Cờ thi đua của Ðảng ủy khối doanh nghiệp trung ương và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Việc thực hiện quy hoạch và đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ chủ chốt chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm vẫn thấp so với số lượng CBCNV toàn Ban QLDA, chưa tương xứng với tiềm năng về nguồn lực nhân sự của Ðảng bộ.

Công tác xây dựng Ðảng được quan tâm chú trọng, chất lượng của tổ chức Ðảng có thay đổi theo hướng tích cực. Công tác chính trị, tư tưởng đã đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy đã tập trung hơn, hiệu quả hơn. Chất lượng sinh hoạt của các chi bộ từng bước có chuyển biến. Công tác kết nạp đảng viên mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động của các đoàn thể đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ðạt được những thành quả trên là do sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị dưới sự chỉ đạo và quan tâm sâu sắc của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, sự phối hợp trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ to lớn của nhân dân địa phương. Những thành quả trên đã tạo ra một bước phát triển hết sức quan trọng, làm nền tảng để Ðảng bộ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong những năm tiếp theo.

Phương hướng, mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2010 - 2015

Nhiệm kỳ IV (2010 - 2015) của Ðảng bộ Ban QLDA Nhà máy lọc dầu Dung Quất diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Dự báo trong những năm tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách, đó là những vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình ban đầu vận hành nhà máy, việc hạch toán kinh doanh để tăng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận, kế hoạch mở rộng nhà máy và dự tính nguồn nguyên liệu dầu thô, chiến lược hội nhập và phát triển bền vững...

Mục tiêu tổng quát của Ðảng bộ trong nhiệm kỳ 2010-2015 là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao, củng cố tổ chức và chất lượng sinh hoạt của các chi bộ theo hướng chủ động và thực chất. Ðẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, CNVCLÐ có trình độ chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kỷ luật nghiêm trong lao động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời. Quản lý vận hành nhà máy lọc dầu tuyệt đối an toàn và ổn định, kinh doanh hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm do tập đoàn giao. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn: Tiếp nhận và tổ chức vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy sản xuất Polypropylene bảo đảm tuyệt đối an toàn, ổn định và hiệu quả. Phấn đấu duy trì công suất của nhà máy ổn định ở mức cao nhất, có lợi nhất cho hệ thống thiết bị để giảm ít nhất hỏng hóc và chi phí bảo dưỡng. Tổ chức kinh doanh thương mại các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao.

Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 của Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đề ra phương hướng, mục tiêu phấn đấu chú trọng tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ. Phát huy vai trò của các đảng viên trong công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Ðảng.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng ủy đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật thông qua hoạt động của các đoàn thể. Ðại hội Ðảng bộ Ban QLDA Nhà máy lọc dầu Dung Quất lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng khi dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành quá trình xây dựng và vận hành chạy thử, ký kết bàn giao, nghiệm thu tổng thể công trình. Việc đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa rất to lớn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ðảng và Chính phủ, giữ đúng lời hứa với Quốc hội, và đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Các mục tiêu quan trọng của dự án đến nay đều đã hoàn tất. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức và khó khăn tiềm ẩn đang được kiểm soát chặt chẽ, dự lường chính xác và có phương án xử lý thích hợp để quá trình vận hành nhà máy sau nghiệm thu bàn giao bảo đảm tuyệt đối an toàn và ổn định, cán bộ, công nhân viên và người lao động thuộc Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết một lòng, thi đua lao động giỏi, vượt qua khó khăn thử thách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ðại hội. Lập thành tích xuất sắc chào mừng Ðại hội Ðảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, tiến tới Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng.

(Theo TIẾN PHÚ // Nhandan Online)

  • Lương giám đốc giảm, công ty có hoạt động tốt hơn?
  • Trách nhiệm xã hội đảm bảo cho thành công của doanh nghiệp
  • Nghĩ đến đạo đức trong quản trị doanh nghiệp
  • Điều hành công ty gia đình - Thách thức và cơ hội
  • Tạo lập tính kiên cường cho nhóm
  • Kiểm toán trong các DNNVV: Kiểm toán nhỏ, lợi ích lớn
  • Chất lượng doanh nghiệp tư nhân: Nhìn từ góc độ quản trị điều hành
  • Quản trị, quản lý tác nghiệp, chìa khóa để mở chiến lược
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com