Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các "lão thần" của FPT đang làm gì?

Đầu năm nay, cơ cấu quản trị của FPT có thay đổi lớn khi một loạt lãnh đạo kỳ cựu không còn tiếp tục tham gia vào Hội đồng quản trị (HĐQT).
 
Thay vào đó, Hội đồng sáng lập được lập ra bao gồm 10 thành viên HĐQT khóa cũ gồm các ông, bà: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Trương Thị Thanh Thanh, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Trương Đình Anh, Nguyễn Điệp Tùng.
 
Ngoài ra còn bổ sung thêm 3 ông Trần Quốc Hoài, Lê Trường Tùng và Phan Ngô Tống Hưng.
 
Ông Trương Đình Anh cùng các ông Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Điệp Tùng và Trần Quốc Hoài là thế hệ lãnh đạo trẻ. Chín người còn lại đều đã trên 50 tuổi và có thể xếp vào hàng "lão thần" tại FPT.
 
Trong thế hệ lãnh đạo “5X” thì có người vẫn đứng trong hội đồng quản trị của FPT là ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch và ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT.
 
Các "lão thần" còn lại cũng có người còn tham gia điều hành quản lý như bà Trương Thị Thanh Thanh, ông Lê Trường Tùng nhưng cũng có người hầu như không còn nắm các chức vụ quan trọng.
Từ trái qua: ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo

Ông Trương Gia Bình (56 tuổi) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT

Theo miêu tả trong báo cáo thường niên của FPT thì ông Trương Gia Bình là “linh hồn, là người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra được những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT”.

Ông Bình là TGĐ của FPT trong 21 năm từ năm 1988 đến 2009.

Hiện tại, ông Bình đang là cổ đông cá nhân lớn nhất nắm 7,14% cổ phần của FPT, đứng trong top 20 người giàu nhất TTCK với lượng cổ phiếu trị giá hơn 740 tỷ đồng. Ông cũng là một trong số ít lãnh đạo của FPT chưa hề bán ra cổ phiếu kể từ khi FPT lên sàn.

Với việc ông Trương Đình Anh từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc, ông Trương Gia Bình đã phải quay lại điều hành từ cuối tháng 9/2012.

Ông Bùi Quang Ngọc (56 tuổi) - Phó Chủ tịch HĐQT FPT

Ông là một nhà quản trị xuất sắc và từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Cán bộ thuộc HĐQT FPT.
 
Từ tháng 7/2012, ông Ngọc thay ông Nguyễn Điệp Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Kiểm soát nội bộ. 
 
Theo website của FPT thì ông Ngọc làm TGĐ của FPT Investment - công ty quản lý các khoản đầu tư tài chính, bất động sản của FPT.

Trong ban lãnh đạo của FPT, ông Ngọc là cổ đông lớn thứ 2 sau ông Bình, hiện nắm giữ gần 10,2 triệu cổ phiếu, tương đương 3,7% cổ phần.

Ông Đỗ Cao Bảo (55 tuổi) – Chủ tịch FPT IS

Từ năm 1994, với vai trò lãnh đạo cao nhất của Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), ông đã đưa FPT IS trở thành mũi nhọn công nghệ của FPT và liên tục dẫn đầu thị trường tích hợp hệ thống, phát triển phần mềm và dịch vụ tin học Việt Nam.
 
Từ tháng 7/2012, ông Bảo được bổ nhiệm là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ FPT.
 
Từ trái qua phải:
Hàng trên: ông Lê Quang Tiến, ông Nguyễn Thành Nam và ông Hoàng Minh Châu
Hàng dưới: bà Trương Thị Thanh Thanh, ông Phan Ngô Tống Hưng và ông Lê Trường Tùng
 
Ông Lê Quang Tiến (54 tuổi) - Phó Chủ tịch Tienphong Bank

Ông Lê Quang Tiến một thời gian dài được coi là nhân vật số 2 tại FPT sau ông Trương Gia Bình, giữ chức Phó Chủ tịch FPT từ 1988 đến 2012.

Tuy nhiên, ông Tiến đã không tiếp tục tham gia HĐQT kể từ năm 2012. Ông Tiến là giám đốc tài chính đầu tiên của FPT

Ông Tiến đã giữ chức Chủ tịch của Ngân hàng Tiên phong từ khi thành lập đến năm 2012. Khi Tập đoàn Doji trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20% cổ phần của Tiên phong, ông Tiến rút xuống làm Phó Chủ tịch. Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Doji lên làm Chủ tịch Tiên phong.

Khi FPT mới lên sàn, ông Tiến nắm giữ 6,1% cổ phần. Tháng 3/2007, ông Tiến đã có vụ ly hôn chấn động TTCK khi mà 1/2 trong số 3,7 triệu cổ phiếu mà ông Tiến nắm giữ khi đó được chia cho vợ theo thủ tục phân chia tài sản. Tại thời điểm đó, thị giá 1 cổ phiếu FPT là gần 600.000 đồng.

Đến đầu năm 2012, ông Tiến chỉ còn nắm giữ 1,1% cổ phần.

Bà Trương Thị Thanh Thanh (61 tuổi)Giám đốc FPT Hồ Chí Minh

Bà Thanh Thanh - chị gái của ông Trương Gia Bình - là Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước.
 
Bà Thanh là người đầu tiên bắt tay xây dựng Chi nhánh FPT TP. HCM. Bà luôn tiên phong trong các hoạt động xã hội và từ thiện của FPT.
 
Bà hiện giữ chức Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần FPT tại TP.HCM.

Ông Hoàng Minh Châu (54 tuổi) – Thành viên sáng lập

Năm 2002, FPT trở thành công ty cổ phần, ông Hoàng Minh Châu được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn. Ông là Giám đốc của chi nhánh FPT tại TP.HCM từ năm 1990 đến tháng 10/2009 và là người có nhiều đóng góp cho văn hóa của FPT.
 
Hiện ông Châu là Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT.

Ông Phan Ngô Tống Hưng (51 tuổi)Thành viên sáng lập

Ông từng giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT.

Trong số các thành viên Hội đồng sáng lập FPT thì ông Hưng là người rời khỏi HĐQT khá sớm khi thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT FPT từ ngày 16/03/2009.

Ông Nguyễn Thành Nam (51 tuổi) - Phó Chủ tịch Đại học FPT

Ông Nam đã lãnh đạo FPT Software từ khi công ty này còn là một trung tâm phần mềm thuộc FPT từ năm 1995. Tháng 4/2009, ông Nam được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của FPT thay ông Trương Gia Bình và giữ chức vụ này đến tháng 3/2011.

Đến cuối năm 2011, chuyển giao lại chức Chủ tịch của FPT Software cho ông Hoàng Nam Tiến. Ngoài FPT Software, ông Nam từng có thời gian giữ chức Chủ tịch FPT Trading và FPT Capital.

Tháng 8/2012, ông Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của Đại học FPT.
 
Ông Lê Trường Tùng (55 tuổi) – Hiệu trưởng Đại học FPT
 
Ông Tùng là Hiệu trưởng Đại học FPT từ năm 2006 đến nay. Trước đó, ông là Tổng giám đốc học viện quốc tế FPT. Ông Tùng nguyên là đại biểu Hội đồng nhân Tp.HCM khóa VII (2004-2011).
 
Ông Lê Trường Tùng và ông Trần Quốc Hoài là những người trong hội đồng sáng lập chưa từng tham gia HĐQT của FPT.
 
KAL

Theo TTVN

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Ông Trương Gia Bình: 'Chuyển giao lãnh đạo FPT không dễ'
  • Nhân tài và khát vọng thương hiệu Việt toàn cầu
  • Bí quyết bắt đầu ngày làm việc của những người thành công
  • Phòng nhân sự ở các công ty ít đáp ứng được kỳ vọng
  • Thị trường "đói" nhân lực CNTT và quản lý
  • Thị trường nhân lực trực tuyến tiếp tục cạnh tranh
  • Bí quyết đánh giá đúng nhân viên
  • Bài toán chuyển giao quyền lực trong các công ty gia đình châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com