Được hỏi về có ấn tượng gì sâu sắc nhất sau hơn 10 năm làm việc cho BP Việt Nam, một nhân sự trung cấp của công ty này trả lời: mình cảm thấy cả sức khỏe lẫn trí tuệ của mình được Công ty trân trọng.
Một kỷ niệm sâu sắc khác của anh là chuyện… nhầm lap top. Lần đó anh có chuyến bay đi châu Âu. Ra sân bay, gặp ông bạn cùng cơ quan cũng chờ chuyến bay sang Trung Đông. Hai người nói chuyện rôm rả, rồi đường ai nấy đi, mỗi người xách theo một chiếc lap top. Về tới khách sạn nước đến, anh tá hỏa nhận ra đã mang nhầm lap top của ông bạn! Người đồng sự, dĩ nhiên, cũng khổ sở như anh vì chuyện nhầm nhọt này. Số là, Công ty trang bị cho họ cùng một loại laptop với bao da giống hệt nhau. Phương tiện làm việc được anh mô tả là “không có gì để phàn nàn”.
Giờ đây, dù không còn làm việc ở Công ty sau nhiều năm gắn bó, anh vẫn giữ những ấn tượng rất tốt đẹp về môi trường làm việc mình đã từng có, bắt đầu từ những “câu chuyện nhỏ của tôi” như thế.
Một nữ manager được tín nhiệm cao ở Công ty Procter & Gamble thì kể, ban đầu chị rất khó chịu vì khi đi công tác cứ bị “nhồi” vào ở trong khách sạn “có sao”, mặc dù chị thấy nhiều khi vừa không cần thiết, vừa xa nơi cần đến làm việc. Sau mới hiểu ra rằng, chỉ những khách sạn đã được khẳng định uy tín với Công ty mới được lựa chọn để đảm bảo sự an toàn và tiện nghi cần thiết cho nhân viên, phòng tránh những bất ngờ hay rủi ro có thể xảy ra. Vốn chuyển từ một cơ quan nhà nước (nơi chi một đồng cũng phải có chứng từ) sang, chị ngạc nhiên thấy công ty cho phép sử dụng thẻ đi taxi khá rộng rãi để phục vụ công việc, thể hiện sự tin tưởng cao đối với tính tự giác của nhân viên. Một kinh nghiệm khác mà chị thấm thía từ Công ty là sự luân chuyển cán bộ được thực hiện rất nghiêm túc. Chị bảo: “Lúc đầu cũng bực vì đang làm ngon trớn thì bị điều sang bộ phận khác. Sau có việc mới thấy luân chuyển là rất cần thiết để nhân sự trung và cao cấp hiểu rõ mọi công đoạn trong quá trình sản xuất kinh doanh và có thể “đóng thế” ngay không bỡ ngỡ khi cần thiết”.
Còn Mỹ Lan, người từng làm cho một công ty liên doanh với Australia thì lại nhớ nhất lúc Công ty… giải thể. “Không phải là khoản tiền đền bù rất đúng luật của họ mà là cách chi trả khoản tiền ấy một cách đầy trân trọng, dù Công ty không còn làm ăn ở Việt Nam nữa, đã khiến cho tôi xúc động”, Lan chia sẻ. Số tiền được cho vào phong bì lớn, được đích thân Chủ tịch Tập đoàn bay từ Australia sang trao tận tay từng nhân viên với lời xin lỗi đã khiến họ phải ra đi tìm một công việc mới. Kèm theo đó là lá thư giới thiệu do Tổng giám đốc ký, trong đó ghi nhận những đóng góp và năng lực của chị, đồng thời cung cấp địa chỉ liên lạc để nhà tuyển dụng mới có thể liên hệ, tìm hiểu thêm. Lan vẫn còn giữ lá thư đó, dù chị đã trở thành một nhà tuyển dụng đích thực, điều hành một doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trên 500 công nhân tại TP.HCM.
Cổ nhân đã dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”. Ở một khía cạnh nào đó, thiết nghĩ, “dụng nhân” khó hơn “dụng mộc” rất nhiều, bởi lẽ mỗi con người là cả một vũ trụ thu nhỏ với lý trí và tình cảm vô cùng phong phú! Những kinh nghiệm hay, dù đôi khi rất nhỏ, từ các doanh nghiệp có nghệ thuật “dụng nhân”, rất đáng để nhiều doanh nghiệp Việt Nam chúng ta tham khảo!
(Theo Lâm Minh Đức // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com