Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vinamotor thất bại trong thuê CEO

Vinamotor kiến nghị cho phép trở lại mô hình bổ nhiệm tổng giám đốc để ổn định sản xuất. Ảnh: Hoài Nam
Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã phải đề nghị chấm dứt việc thí điểm mô hình hội đồng quản trị thuê tổng giám đốc chỉ sau 1 năm triển khai.
 
 “Đến” rầm rộ, “đi” im ắng

Thông tin Tổng giám đốc điều hành (CEO) Vinamotor đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động gần như được “bảo mật” bởi cả 2 phía. Điều này trái ngược hoàn toàn với những phát ngôn khá mạnh miệng với báo giới của ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT Vinamotor tại buổi ký hợp đồng thuê CEO (ngày 28/7/2008).

Cho đến thời điểm này, sau gần 2 tháng kể từ ngày ông Trần Quang Thành xin thôi nhiệm và 2 tuần kể từ khi Ban đổi mới Doanh nghiệp nhà nước của Vinamotor có báo cáo tổng kết kết quả thực hiện thí điểm Đề tài “Mô hình HĐQT tổng công ty thuê tổng giám đốc điều hành”, các bên có liên quan trong hợp đồng thuê CEO đầu tiên tại một doanh nghiệp nhà nước ngành giao thông - vận tải đều từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự kiện này.

Theo một lãnh đạo xin giấu tên tại Vinamotor, tình hình sản xuất, kinh doanh của Vinamotor không có bất kỳ sự khác biệt trong suốt 1 năm đơn vị này triển khai việc thuê CEO. Thậm chí, đời sống, việc làm của cán bộ công chức tại doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực cơ khí giao thông - vận tải này còn thụt lùi. Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất của Vinamotor chỉ đạt 2.001 tỷ đồng (giảm 42,6%), doanh thu đạt 2.049 tỷ đồng giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, rất khó có thể nói rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh tại đơn vị trong hơn 1 năm qua là do năng lực chuyên môn yếu kém của ông Thành – người hưởng lương 2.000 USD/tháng và càng không thể khẳng định, Vinamotor đã chọn sai người để ngồi vào ghế CEO.

Được biết, trước khi trở thành CEO của Vinamotor, ông Thành nguyên là Giám đốc Công ty liên doanh và sản xuất ô tô Hoà Bình (VMC). Ông đã vượt qua 10 thí sinh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ sau 2 vòng thi tuyển do chính các thành viên trong HĐQT Vinamotor lựa chọn. Cũng tại lễ ký hợp đồng, ông Chủ tịch HĐQT Vinamotor còn khẳng định, ông Thành là người hội đủ những phẩm chất để điều hành Vinamotor.

Một được, hai hỏng

Theo Ban đổi mới Doanh nghiệp nhà nước của Vinamotor, thành công trong suốt 1 năm thí điểm mô hình thuê CEO là đã tách rời được trách nhiệm, quyền hạn, vai trò của cán bộ quản lý (chủ sở hữu) và cán bộ điều hành trực tiếp trong Vinamotor.

Tuy nhiên, nếu đặt “cái được” duy nhất của việc thuê CEO trong bức tranh tổng quát với 2 cái “hỏng” thể hiện trong sản xuất - kinh doanh toàn Tổng công ty (chưa có nét đặc sắc, nổi bật trong điều hành của tổng giám đốc được thuê, phần lớn vẫn dựa vào các cơ chế và quy định đường lối chỉ đạo và mô hình quản lý của tổng giám đốc cũ; đời sống và việc làm của cán bộ, công nhân viên chức lao động chưa có tín hiệu thay đổi), thì Đề tài do Vinamotor xây dựng thực sự đã thất bại.

Ngay sau khi ông Thành nghỉ việc, cùng với việc đề bạt 1 phó tổng giám đốc tạm giữ quyền điều hành, Vinamotor kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép dừng tổ chức thí điểm thuê CEO, đồng thời cho phép đơn vị trở lại mô hình bổ nhiệm tổng giám đốc để ổn định sản xuất.

Được biết, tại Hội nghị báo cáo kết quả Đề tài “Mô hình HĐQT tổng công ty thuê tổng giám đốc điều hành” được Vinamotor tổ chức đầu tháng 10/2009, thất bại của việc thí điểm thuê CEO được quy cho những bất cập về cơ chế và mô hình tổ chức sử dụng cán bộ. Theo đó, các phó tổng giám đốc, trưởng, phó các phòng ban tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo chế độ bổ nhiệm cán bộ, chưa thực hiện đồng bộ việc thi tuyển, nên chỉ đạo điều hành sản xuất của CEO thuê chưa đạt hiệu quả cao.

Theo các chuyên gia, thất bại tại Vinamotor không đủ để cho rằng, mô hình thuê CEO cho các doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ đề xướng sẽ khó có cơ hội thành công. Tuy nhiên, riêng với trường hợp của Vinamotor – thất bại đến từ những khó khăn đã được cảnh báo từ trước, có vẻ như lỗi hoàn toàn thuộc về tính chuyên nghiệp của lãnh đạo doanh nghiệp, dù đơn vị này ban đầu rất hăng hái với việc thuê CEO.

(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Việc đối nhân xử thế tại doanh nghiệp
  • Xử lý xung đột lợi ích trong nội bộ tập đoàn
  • CEO xứ lý khủng hoảng nhân sự cấp cao
  • Hội chứng France Telecom
  • Các quốc gia hạn chế điện thoại ra sao?
  • Siết thưởng và cuộc chiến giành nhân tài ở Phố Wall
  • Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao ở châu Á được cải thiện
  • Con người - hiệu quả kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com