Các chuyên gia nước ngoài cho rằng các ngân hàng nên cùng ngồi lại để tìm cách giúp các doanh nghiệp khách hàng của mình thoát khỏi cảnh phá sản. Ảnh: Lê Toàn.
Khi một công ty đứng trước cảnh phá sản và các khoản vay của công ty tại nhiều ngân hàng có nguy cơ trở thành nợ xấu, cách tốt nhất để giảm bớt thiệt hại cho các bên là các ngân hàng có liên quan nên cùng nhau giải quyết; đó là ý kiến của các chuyên gia nước ngoài tại buổi hội thảo về quản lý nợ xấu trong ngân hàng.
Phil Paterson, Giám đốc khối tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng ANZ tại TPHCM, cho rằng có khá nhiều phương án mà khi ngồi lại các ngân hàng có thể lựa chọn ngoài cách thường được sử dụng là phát mãi tài sản của khách hàng để thu hồi vốn.
“Các ngân hàng có thể thống nhất không cưỡng chế khách hàng để thu nợ trong vòng sáu đến 10 tháng, hoặc thỏa thuận tái cơ cấu các món vay, hoặc tìm một nhà đầu tư chấp nhận mua lại toàn bộ doanh nghiệp này. Phối hợp sẽ giúp đạt hiệu quả cao thay vì từng ngân hàng thực hiện các biện pháp đơn lẻ”, ông Phil nói.
Đồng tình với ý kiến của đại diện Ngân hàng ANZ, ông Matthew Lourey, Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp của Công ty Grant Thornton Việt Nam, cho biết thêm là ở nước ngoài, công ty lâm vào cảnh khó khăn về tài chính và các ngân hàng liên quan có thể cùng làm việc với nhau thuê một công ty tư vấn độc lập bên ngoài để giúp giải quyết vấn đề này. Bên thứ ba sẽ đánh giá lại khả năng tồn tại trong dài hạn của công ty, phát triển kế hoạch tái cấu trúc, phát triển các dự án đáng tin cậy và trực tiếp thương lượng với các bên cho vay.
“Quan trọng hơn cả là khả năng tiếp tục hoạt động của công ty được tùy thuộc sự đồng ý từ phía các bên cho vay, các bên cho vay không theo đuổi công ty một cách riêng lẻ để đòi nợ mà hợp tác chung với nhau để xử lý vấn đề”, ông Matthew nói.
Ông cũng cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến lắm việc các ngân hàng và chủ nợ ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề nợ xấu của một công ty nhưng Việt Nam đang dần hội nhập, làm việc trong môi trường quốc tế, thì đây là một trong những cách các ngân hàng nội địa nên nghĩ tới. Bản thân Grant Thornton cũng đã tham gia một số trường hợp như trên tại Việt Nam và các công ty đó hiện đã tiếp tục phát triển việc kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, theo trao đổi với một số ngân hàng trong nước, việc này là điều khó xảy ra đối với các ngân hàng tại Việt Nam trừ khi khoản vay đó là do các ngân hàng hợp vốn cho vay.
Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc chi nhánh TPHCM của Vietcombank, cho biết tự bản thân các ngân hàng phải làm việc để giúp các khách hàng của mình không bị phá sản. "Ngân hàng tự xử lý sẽ nhanh hơn ngồi lại với nhau", ông nói và cho biết chỉ khi nào phân chia tài sản của một doanh nghiệp thì các ngân hàng mới cùng làm việc với nhau.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó giám đốc Ngân hàng Miền Tây, thì cho rằng đây là vấn đề tập quán và các ngân hàng nội địa chưa có thói quen hợp tác và chia sẻ thông tin với nhau. Ông Sỹ cho rằng, biện pháp hợp tác là tốt nhưng sẽ khó thực hiện tại Việt Nam.
(Theo T.Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com