Chị H. là thành viên sáng lập của công ty TNHH B. Do nhu cầu rút vốn khỏi công ty, chị có ý định bán lại toàn bộ vốn góp của mình cho đối tác khác. Sau một thời gian dài thương lượng với đối tác và nhờ luật sư soạn thảo hồ sơ, chị H. hồi hộp nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Y...
Bán là đã nhận đủ tiền rồi
Sau một hồi lật tới lật lui hồ sơ, anh nhân viên phòng đăng ký kinh doanh trả lại hồ sơ với lý do là hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa chị và đối tác không ghi câu “đã giao đủ tiền chuyển nhượng vốn”.
Dù cố gắng giải thích rằng số tiền chuyển nhượng vốn là rất lớn và đối tác không muốn thanh toán một lúc mà thành nhiều lần nhưng anh nhân viên chỉ lạnh lùng lắc đầu và nhắc chị về kiểm tra lại Nghị định 88.
Kiểm tra kỹ lưỡng Nghị định 88, chỉ thấy điều 33.(2) quy định trong hồ sơ đăng ký việc chuyển nhượng vốn phải có hợp đồng chuyển nhượng và “các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của công ty”.
Theo cách hiểu của chị, “các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng” chỉ là các tài liệu chứng minh hợp đồng chuyển nhượng vốn đã ký và đã được Hội đồng thành viên công ty thông qua, đã ghi vào sổ thành viên của công ty rồi, còn việc nhận tiền hay chưa chỉ là vấn đề thanh toán giữa hai bên.
Sau một hồi tranh luận, nhân viên Sở KH&ĐT vẫn khăng khăng rằng “các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng” là giấy tờ chứng minh các bên đã giao nhận đủ tiền rồi, bất kể giá trị chuyển nhượng là bao nhiêu.
Quy định bất hợp lý
Trường hợp của chị H. chỉ là một điển hình về những khó khăn từ quy định tại điều 33.(2) của Nghị định 88. Một mặt, nghị định này quy định hồ sơ đăng ký chuyển nhượng vốn phải bao gồm “các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của công ty” nhưng mặt khác lại không nêu rõ “các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng” được hiểu như thế nào.
Điều này dẫn đến cách hiểu của các cơ quan cấp phép là “hoàn tất việc chuyển nhượng” nghĩa là “hoàn tất việc thanh toán”. Vì vậy, một số cơ quan đăng ký kinh doanh luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải xác nhận rằng bên bán đã nhận đủ tiền chuyển nhượng còn bên mua đã thanh toán đủ tiền trong hồ sơ đăng ký chuyển nhượng vốn.
Nếu doanh nghiệp không có xác nhận này, hồ sơ sẽ không được cơ quan đăng ký kinh doanh thụ lý và việc chuyển nhượng vốn cũng không thể hoàn tất. Để hoàn tất thủ tục này, đa số doanh nghiệp đều chấp thuận làm theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh (theo kiểu “làm cho xong” và chỉ mang tính hình thức), còn trên thực tế hai bên mới chỉ thanh toán một phần tiền chuyển nhượng vốn vào thời điểm đăng ký chuyển nhượng.
Như vậy có nghĩa là hồ sơ mà các bên nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh đã thể hiện không đúng thực tế giao dịch của các bên. Nếu sau này phát hiện ra, cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn toàn có quyền phạt các bên vì cái “tội” khai không trung thực hồ sơ, chưa kể nhiều rủi ro khác cả hai bên phải gánh chịu.
Cách giải thích pháp luật như trên từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh gây ra vô số khó khăn cho doanh nghiệp và vi phạm quyền tự do thỏa thuận của các bên. Việc thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng vốn là quyền của các bên và cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền can thiệp vào nội dung hợp đồng này, đặc biệt là điều khoản thanh toán - một điều khoản quan trọng bậc nhất của hợp đồng (trừ khi thỏa thuận rõ ràng trái pháp luật).
Hơn nữa, cách giải thích trên cũng chỉ là ý kiến từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh mà chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Việc hoàn tất việc chuyển nhượng cũng có thể hiểu là đã ký xong hợp đồng, có sự phê chuẩn của hội đồng thành viên, đã ghi vào sổ thành viên của công ty... chứ không nhất thiết phải hoàn tất việc thanh toán. Thậm chí, nhằm ràng buộc bên bán, các bên có thể thỏa thuận việc thanh toán giá mua bán dựa vào mức độ lợi nhuận của công ty trong những năm tài chính tiếp theo chứ giá mua bán không xác định ngay khi ký hợp đồng với một số tiền cụ thể.
Tất cả những thỏa thuận này là hợp pháp và rất bình thường trong các giao dịch chuyển nhượng vốn, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn lớn thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong đó có những giao dịch chuyển nhượng vốn giá trị rất lớn.
Cách giải thích và áp dụng luật như trên rõ ràng là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam cũng như thông lệ kinh doanh quốc tế. Đối với một số giao dịch không quá lớn, dựa trên sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau thì các bên có thể thực hiện bằng cách tuân thủ hình thức và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh như phân tích ở trên.
Nhưng đối với khá nhiều công ty có quy mô hoạt động và quy tắc quản trị chuyên nghiệp, quy củ, họ sẽ không thể chấp nhận rủi ro để làm theo cách thức đó. Hệ quả là, rất nhiều giao dịch chuyển nhượng vốn đã không thể thực hiện được một cách hợp pháp và công khai.
(Theo Trần Thanh Tùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com