Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi các ông nghị đòi tăng bổng lộc

Lương bổng của các ông nghị Kenya hiện tại cao gấp 79 lần thu nhập bình quân đầu người ở nước này, trong khi tỷ lệ ấy ở Tanzania là 54 lần, Mỹ 11 lần và Anh 8 lần. Ảnh: Nation.co.ke

Các ông nghị ở Kenya hồi tuần rồi đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị tăng lương và trợ cấp do một thành viên Ủy ban hậu cầu quốc hội tên là Akilano Akiwumi, cựu thẩm phán tòa án phúc thẩm, đệ trình. Theo dự luật này, bình quân bổng lộc mà mỗi nhà lập pháp Kenya có thể nhận được lên tới 175.000 USD/năm, tức tăng 40% so với hiện tại. Nếu trừ đi tiền thuế thu nhập lần đầu tiên được áp dụng và các khoản thuế khác, một nghị sĩ Kenya lĩnh lương và trợ cấp gộp lại có thể trên 13.450 USD/tháng, so với khoảng 10.400 USD/tháng hiện nay.

Người ta biết được rằng ngay cả khi chưa có dự luật nói trên, bổng lộc của các ông nghị ở quốc gia Đông Phi nghèo khó với hơn 39 triệu dân này thuộc dạng cao không thua kém gì các nước phát triển. Vì thế, nếu được tăng lương và trợ cấp, thu nhập của họ có khi sẽ cao hơn mức 174.000 USD/năm của các nhà lập pháp ở Mỹ. Điều đáng nói là để tranh thủ sự ủng hộ của Thủ tướng Raila Odinga, dự luật vừa được các nghị sĩ Kenya thông qua đó có điều khoản cho phép người đứng đầu chính phủ nhận mức lương tăng lên đến hơn 39.000 USD/tháng. Như vậy, lương trước thuế của Thủ tướng Kenya có thể lên tới 486.000 USD/năm, hơn 10% so với mức lương cơ bản 400.000 USD/năm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và hơn 1/3 so với Thủ tướng Anh.

Sau khi quốc hội bỏ thiếu thông qua kiến nghị trên, dư luận Kenya tỏ ra giận dữ và phê phán hành động không thể tin nổi đó trong bối cảnh người dân ở đất nước này đang lâm vào cảnh thiếu lương thực, điện, nước sạch sinh hoạt hằng ngày, chăm sóc y tế yếu kém, thất nghiệp tràn lan. Thu nhập bình quân trên đầu người ở Kenya khoảng 1.600 USD/năm và lương cơ bản của công nhân tròm trèm 40 USD/tháng. Việc tăng bổng lộc vào thời điểm này cũng không thích hợp khi mà cả thế giới đang nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” vì lo ngại khủng hoảng ngân sách và nợ nần.

Ý thức được phản ứng của dân chúng, Thủ tướng Odinga sau khi xuất viện vì căn bệnh tràn dịch não đã bác bỏ kiến nghị mà ông cho “sáng kiến tồi” nói trên, rằng đây là “thông điệp không đúng đắn” mà các ông nghị Kenya gởi tới bàn dân thiên hạ giữa lúc nền kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ trưởng Tài chính Uhuru Kenyatta thì cảnh báo các ông nghị rằng chính phủ không đủ tiền để chi thêm 8,8 triệu USD cho mức tăng lương trong tài khóa 2010 này.

Ấy vậy mà nhiều ông nghị Kenya lại đánh tiếng đe dọa sẽ cản trở tiến trình điều hành của chính phủ nếu đòi hỏi của họ không được đáp ứng. Theo hãng tin Anh Reuters, sở dĩ giới lập pháp Kenya gấp rút đưa ra kiến nghị trên bởi đây là cơ hội cuối cùng họ được phép ấn định mức lương của mình trước khi dự thảo hiến pháp mới có thể được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4-8 tới tước đi cái quyền này của họ. Từ năm 2003, họ đã 3 lần tăng lương cho họ với lý do là “để bù đắp tỷ lệ lạm phát cơ bản”. Dân biểu kiểu này thì đúng là không thể tin nổi!

(Theo PHÚC GIA AN // Cantho Online // Csmonitor, AP, Reuters và RTTnews)

  • IBM: 70% CFO ở ASEAN làm việc thủ công
  • 'CEO lương càng cao, doanh nghiệp càng bần tiện'
  • Hiệu quả tài chính và chất lượng doanh thu
  • Mua bán nợ, một phương thức tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả
  • CEO của Nissan nhận lương cao nhất Nhật Bản
  • Tăng cường kiểm soát mức lương của cấp quản lý
  • Chấm dứt những cuộc nói chuyện u sầu, ảm đạm
  • Tiền không chỉ để tiêu mà phải tiêu khôn ngoan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com