Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mua bán sáp nhập DN (M&A) 2010: Liệu có thương vụ khủng?

VCG đang đẩy nhanh tiến độ bán vốn dự án Xi măng Cẩm Phả

Nếu như năm 2009, giới quan sát và các nhà đầu tư “dài cổ” đợi các giao dịch lớn nhưng chưa đến hồi kết, thì năm 2010, thị trường M&A được đánh giá sẽ có thể xuất hiện một số thương vụ được coi là lớn và có tầm cỡ.

Theo các chuyên gia, các thương vụ M&A trong năm nay vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tài chính. Một số lĩnh vực khác có thể bắt đầu xuất hiện các thương vụ trong năm 2010 là viễn thông, khai khoáng. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ cũng như lĩnh vực giáo dục sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Điểm mặt “anh tài”

Đầu tiên phải kể đến vụ Vinaconex (VCG) đẩy nhanh tiến độ bán vốn dự án Xi măng Cẩm Phả - dự án được HĐQT VCG đặt kế hoạch tái cơ cấu nhằm tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo khả năng tự chủ về tài chính của dự án. Đây là dự án được đánh giá có hiệu quả, vì vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ mối quan tâm được tham gia đầu tư vào dự án thông qua việc nhận chuyển nhượng một phần cổ phần của Vinaconex tại Cty CP Xi măng Cẩm Phả, đơn vị đang sở hữu, quản lý và vận hành nhà máy xi măng Cẩm Phả tại Quảng Ninh và Trạm nghiên xi măng Cẩm Phả tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, thị trường còn quan tâm đến việc Sapporo cho biết sẽ mua 65% cổ phần của Kronenbourg VN (KVL), một liên doanh 50 – 50 giữa Cty bia Đan Mạch Carlsberg Brewery A/S và Tổng Cty Thuốc lá VN (Vinataba) với giá 25,35 triệu USD. Theo đó, Carlsberg sẽ chuyển toàn bộ 50% và Vinataba 15% cổ phần KVL sang Sapporo. Sau khi thoả thuận kết thúc, Vinataba sẽ nắm 35% CP của liên doanh. Một quan chức của Kronenbourg VN cho biết hiện việc đàm phán đã hoàn tất và đang trong quá trình lo thủ tục. Theo Sapporo, Cty này dự định sẽ đổi tên Kronenbourg VN thành Sapporo VN.

Một yếu tố nữa khiến nhận định năm nay sẽ có nhiều vụ M&A đình đám là Đại hội cổ đông của các Cty công nghệ hàng đầu VN như FPT hay CMC đều đã thống nhất sẽ dành một phần nguồn vốn cho hoạt động M&A các Cty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, Viettel cũng đang hướng đến việc mua lại hoặc góp vốn vào các mạng ở thị trường các nước thuộc Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin. Thông tin cho thấy Viettel có thể thực hiện 2 thương vụ lớn: Thứ nhất Viettel mua lại 60% cổ phần của mạng di động  Teletalk tại Bangladesh. Ban đầu, số tiền Viettel rót vào thương vụ này được cho là 250 triệu USD, nhưng gần đây con số này được nâng lên 300 triệu USD. Teletalk là mạng di động nhỏ nhất trong 6 mạng di động tại Bangladesh, có khoảng 1 triệu thuê bao trong tổng số khoảng 50 triệu thuê bao di động tại đất nước này.

Thương vụ thứ 2 Viettel chi ra 59 triệu USD để mua lại 70% cổ phần Cty viễn thông Teleco tại Cộng hoà Haiti, đơn vị sở hữu mạng di động Teleco. Nếu cả 2 thương vụ suốn sẻ thì Viettel phải chi khoảng 359 triệu USD...

Một thông tin đáng chú ý nữa là M&A trong ngành viễn thông là có tin SK Telecom VN (SKTV) sẽ không tiếp tục đầu tư tại VN và Cty Rutter Associates Korea của Hàn Quốc đang muốn tham gia liên doanh mạng di động S – Phone. Tuy nhiên, hiện Rutter Associates Korea và SPT đang trong giai đoạn đàm phán.

Không dễ thành công

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thành công của các vụ M&A trong nước rất thấp, chỉ đạt khoảng 35% bởi hoạt động M&A tại VN còn gặp nhiều cản trở liên quan đến các vấn đề quản trị, văn hoá, những bất cập trong thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu một khung pháp lý đồng bộ.

Ông Phạm Mạnh Dũng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng: “Những quy định về M&A nằm rải rác đâu đó trong các văn bản pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh... nhưng chưa có những quy định tổng thể về M&A”. Ông cho biết thêm, trong Luật Đầu tư, những quy định về M&A thường rất chung chung, nhiều khi mâu thuẫn với những quy định của các văn bản pháp lý khác.

TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp Bộ Công Thương cho rằng, ngay từ định nghĩa về M&A vẫn còn là rất mới với thị trường VN, DN chưa thực sự hiểu sâu khái niệm này và vô hình trung M&A được hiểu theo nghĩa thông dụng “gộp hai hay nhiều DN lại, tức là đã M&A”. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình M&A rõ ràng cụ thể còn làm cho việc hợp nhất DN gặp khó khăn trong xác lập các giao dịch, địa vị mỗi bên mua – bán, hậu quả quản lý sau mua... Sở dĩ con đường đi đến hợp nhất DN rất khó khăn, bởi DN bên mua gặp rất nhiều khó khăn về định giá đối tác của mình.

Điều đáng nói là việc định giá đối với các chỉ tiêu tài chính lại dễ dàng hơn rất nhiều so với định lượng các giá trị vô hình như yếu tố con người, tầm nhìn, mục tiêu và giá trị... Theo đánh giá của TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện Phó Viện phát triển DN, con đường đi đến hợp nhất DN rất khó khăn, nhất là tại VN khi mà tính minh bạch trong các báo cáo tài chính, kể cả các báo cáo đã được kiểm toán còn chưa cao. Với ba phương pháp định giá chính được sử dụng với thị trường M&A VN là định giá theo tài sản (NAV), định giá theo dòng tiền chiết khấu (DCF) và định giá so sánh tương quan (Compare), DN tiến hành M&A không gặp thuận lợi ở bất kỳ phương pháp nào do kiến thức về M&A của các DN này còn khá sơ sài. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất của các DN đang có tham vọng thực hiện M&A ở VN hiện nay.
 
Ông Tô Hải - Tổng giám đốc Cty Chứng khoán Bản Việt :

Các quy định về M&A tại VN hiện vẫn có độ vênh so với quốc tế. Điều đó đặt cả DN và cả cơ quan quản lý vào trạng thái chưa sẵn sàng. Vì vậy việc mua bán sáp nhập hiện nay mới thực hiện đơn lẻ từng trường hợp chứ chưa kỳ vọng vào vào việc bùng nổ nhiều thương vụ quy mô lớn trên diện rộng.

TS Chistompher Kimmer - Chủ tịch Viện nghiên cứu

Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMMA) có trụ sở ở Áo và Thụy Sỹ :

Điều mà ít DN biết rằng, chỉ có 25% thương vụ M&A trên thế giới đạt được mục đích, 60% có kết quả không rõ ràng và 15% không tốt. Vì vậy, tuy M&A là con đường ngắn nhất để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới nhưng không phải là cách các DN VN phải thực hiện bằng mọi giá.

(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • M&A - Một cách để phát triển
  • Cẩn trọng với mua bán doanh nghiệp
  • CFO giỏi là phải biết nói?
  • Tài chính vi mô và xã hội Trung Quốc
  • Thảo luận: Quản lý rủi ro trong một thế giới mới
  • Muốn lớn và mạnh, phải chủ động khi mua bán – sáp nhập
  • Tiền không chỉ để tiêu mà phải tiêu khôn ngoan
  • Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com