Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng tầm thương hiệu Việt

Viettel đã quyết định chọn hướng khác biệt với các đối thủ và đã thành công

Các thương hiệu VN với chất lượng và sản phẩm uy tín đang hòa nhập dần với tầm vóc chung của các thương hiệu nổi tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, để trở thành một thương hiệu có tầm quốc tế, các DN VN còn nhiều điều phải làm.

Xây dựng thương hiệu đang trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với một DN nếu muốn tồn tại. Trong bối cảnh phải chịu nhiều cạnh tranh gay gắt của thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng cho mình thương hiệu tên tuổi có hàng hóa dịch vụ phong phú, đa dạng với chất lượng cao đang được nhiều DN quan tâm đúng mức.

Có nhiều cách sở hữu một thương hiệu

Nhiều DN của VN dù lớn hay nhỏ đều đang đổi mới nhận thức về xây dựng thương hiệu. Có được điều này, một phần do bản thân DN ngày càng chủ động hơn về phát triển thương hiệu, biết cách đẩy mạnh các thương hiệu hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường trong nước. Mặt khác, xây dựng thương hiệu đã dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 20/4 hàng năm là ngày Thương hiệu VN. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn phụ thuộc vào sự chú trọng đúng mức đến xây dựng thương hiệu ở mỗi DN.

Thực tiễn có nhiều cách sở hữu một thương hiệu và phát triển thương hiệu để nhiều người biết đến. Một thương hiệu không thể đi tiên phong hay phát kiến hoàn toàn mới thì có thể khác biệt hóa mình trước các đối thủ bằng nhiều cách khác nhau. Điều này có thể thấy rõ ở thương hiệu Viettel. Ra đời khi trên thị trường đã có MobiFone, VinaPhone, S-Phone, Viettel đã quyết định chọn hướng khác biệt với các đối thủ là cung ứng các dịch vụ viễn thông dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, có hạ tầng phân phối rộng khắp cả nước với giá rẻ hơn (tính theo block 6 giây). Sự ra đời của Viettel khiến cho điện thoại quốc tế, điện thoại đường dài trong nước, phí hòa mạng điện thoại di động và phí thuê bao đều giảm khá nhiều so với trước.

Trên bước đường phát triển, nhiều thương hiệu đã biết chấp nhận rủi ro để mạnh dạn đổi mới mình hay tái định vị thương hiệu dù rằng là một công việc đầy khó khăn và tốn kém. VietinBank là một ví dụ. Năm 2008, Ngân hàng Công Thương đã đổi mới hệ thống nhận diện thương hiệu: logo, tên gọi và câu định vị thương hiệu. Tên viết tắt quen thuộc IncomBank, giờ đây trở thành VietinBank. Ngoài ra, sở hữu một thương hiệu còn là cách tạo ra một thương hiệu có cá tính, có cảm xúc, có hồn mà đội ngũ nhân viên của DN trở thành những nhà marketing cho chính thương hiệu đó. Họ chọn thị trường nội địa là nơi quảng bá cho các thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhìn chung, mỗi DN đều tự sáng tạo ra những cách sở hữu thương hiệu riêng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập với kinh tế thế giới.

Tiến tới thương hiệu có đẳng cấp quốc tế

Nếu so với các DN khác trong khu vực và trên thế giới, DN VN còn tụt hậu trong hoạt động phát triển thương hiệu. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu, sự hạn chế đầu tư cho thương hiệu, tầm nhìn và chiến lược ngắn hạn… Đây là những rào cản lớn trong quá trình gia tăng lợi thế cạnh tranh cho DN VN trước các thương hiệu nước ngoài.

Thực tiễn chỉ ra rằng, DN VN có thể thắng lợi ở thị trường trong nước và nước ngoài nhưng tất cả vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu. Nếu các DN biết phát huy những lợi thế quốc gia một cách đúng đắn bên cạnh việc đề ra những chiến lược phát triển thương hiệu thông minh, chuyên nghiệp, độc đáo. Đổi mới và chủ động đổi mới cũng là bí quyết có thể vươn xa hơn. Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến, Bộ Công Thương cho rằng: “Xây dựng thương hiệu tầm cỡ thế giới mang bản sắc VN cần thời gian hàng thế hệ. Trong vòng một năm hoặc hai năm, chúng ta chưa thể làm gì nhiều mà chỉ có thể làm được những điều cần thiết. Theo tôi, quan trọng hơn cả là để cộng đồng doanh nhân và xã hội nhận biết đầy đủ về tinh thần và ý nghĩa vấn đề này”.

Mặt khác, nhiều DN không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình để có cơ hội tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia. Trong chương trình này, Nhà nước đã đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các DN VN tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Năm 2008, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã chọn 30 DN, đảm bảo đủ điều kiện tham gia. Trong số đó có một số thương hiệu quen thuộc với người tiêu bởi các sản phẩm rất nổi tiếng được tiêu thụ ở thị trường trong nước May Nhà Bè, Gốm sứ Minh Long, Gỗ Trường Thành đang được nhiều nước trên thế giới biết đến ... Các thương hiệu của VN có thể vươn xa trên thị trường thế giới hay không ? Câu trả lời là chúng ta hoàn toàn có thể có những thương hiệu đẳng cấp quốc tế mang bản sắc VN.

(Theo Thanh Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • DIC - Bản lĩnh thương hiệu tuổi hai mươi
  • Người nuôi tôm đầu tiên có thương hiệu độc quyền
  • VietJet có được “mượn” thương hiệu AirAsia?
  • Xây dựng thương hiệu bằng tầm nhìn
  • Nhái hàng hiệu
  • Phát triển thương hiệu: Cần sự đầu tư bài bản
  • Vun đắp ý chí doanh nhân: Những “gã khổng lồ” vươn mình thức giấc
  • Lụa Vạn Phúc lo giữ thương hiệu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com