Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

VietJet có được “mượn” thương hiệu AirAsia?

Nhiều khả năng VietJet Air không được ghép tên chung VietJet AirAsia để quảng cáo cho các chuyến bay nội địa

Sau khi đạt được thỏa thuận bán 30% cổ phần cho Tập đoàn AirAsia Berhad của Malaysia, Công ty Cổ phần Hàng không tư nhân VietJet Air dự định sẽ cất cánh vào tháng 8-2010 với thương hiệu quảng cáo cho các chuyến bay là VietJet AirAsia. Cục Hàng không VN (HKVN) cho biết việc ghép tên như vậy nhiều khả năng không được chấp nhận.

Lường trước khả năng hai bên sẽ sử dụng thương hiệu chung, gây nhầm lẫn cho khách hàng là các chuyến bay của AirAsia cũng được thực hiện trong thị trường nội địa VN, Cục HKVN đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không rà soát lại vấn đề tuân thủ các quy định của pháp luật trong thỏa thuận, hợp tác với nước ngoài. Trong đó nêu rõ hãng HKVN không được sử dụng, tiếp thị, quảng cáo dịch vụ của mình dưới biểu tượng, thương hiệu, nhãn hiệu của hãng hàng không nước ngoài. Theo quy định này, VietJet Air không được dùng trang web AirAsia.com và nhiều khả năng không được ghép tên chung VietJet AirAsia để quảng cáo các chuyến bay nội địa.

Bên cạnh đó, theo các quy định của pháp luật chuyên ngành, hãng hàng không nước ngoài không được kiểm soát trực tiếp kế hoạch sản xuất kinh doanh, kiểm soát doanh thu, lợi nhuận của hãng HKVN. Ngay cả hình thức kiểm soát doanh thu thông qua trang web bán vé cũng không được chấp nhận. Như vậy, VietJet Air sẽ không được thực hiện bán vé các chuyến bay nội địa trong hệ thống AirAsia.com nếu không có phương án tách bạch doanh thu vé nội địa riêng so với các chuyến bay quốc tế do AirAsia kiểm soát.

Phó cục trưởng Cục HKVN, ông Lại Xuân Thanh, cho biết các quy định nói trên nhằm ngăn chặn tình trạng bán rẻ thương quyền nội địa có thể xảy ra và khả năng quyền kiểm soát rơi vào tay hãng hàng không nước ngoài.

Trả lời báo chí trong cuộc họp báo diễn ra ngày 8-4, ông Tony Fernandes, Chủ tịch Tập đoàn Air Asia, nói ông không nghĩ rằng vấn đề ghép tên chung giữa hai đối tác là VietJet AirAsia lại gặp trở ngại. Vấn đề này có thể tạo nên một sự tranh cãi mới trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không và khi chưa ngã ngũ, hãng hàng không chưa thể hoạt động suôn sẻ. Bản thân hãng hàng không tư nhân VietJet Air được thành lập từ cuối năm 2007, đến nay đã 6 lần sửa đổi đăng ký kinh doanh, nhiều lần hoãn bay do những thay đổi về kế hoạch và do cả tác động không thuận lợi của thị trường.

JPA phải giải trình doanh thu bán vé

Cục HKVN vừa có văn bản yêu cầu hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) có báo cáo về kế hoạch sử dụng thương hiệu mới, thể hiện đầy đủ tên Jetstar Pacific Airlines thay vì cách sử dụng thương hiệu gây nhầm lẫn với hãng hàng không của Úc hiện nay.

JPA cũng phải giải trình về việc kiểm soát doanh thu bán vé các chuyến bay nội địa của mình tại trang web chung Jetstar.com. Trường hợp doanh thu bán vé nội địa VN bị phía nước ngoài kiểm soát, Cục HKVN sẽ yêu cầu JPA có phương án lấy lại quyền kiểm soát doanh thu vì đây là các chuyến bay nội địa của VN, được thực hiện bởi hãng HKVN.

 

(Theo Tô Hà // Nguoilaodong Online)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Xây dựng thương hiệu bằng tầm nhìn
  • Nhái hàng hiệu
  • Phát triển thương hiệu: Cần sự đầu tư bài bản
  • Vun đắp ý chí doanh nhân: Những “gã khổng lồ” vươn mình thức giấc
  • Lụa Vạn Phúc lo giữ thương hiệu
  • Hậu suy thoái và lợi thế thương hiệu
  • Lý Sơn bảo vệ thương hiệu tỏi
  • Những người đi tìm thương hiệu cho cây “dó trầm”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com