Từ chối nối sản nghiệp gia đình
Akio Morita - đồng sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Sony. |
Morita sinh ngày 26/1/1921 ở Nhật trong một gia đình có truyền thống nấu rượu sake qua 15 thế hệ. Vào thời gian đó, hoạt động của họ cũng đã mở rộng với việc sản xuất đậu nành lên men và tương. Đó là một gia đình giàu có và có quan hệ với phương Tây, trong nhà thường bật máy quay đĩa và nhạc Tây.
Từ khi còn nhỏ, mọi người cho rằng Morita sẽ tiếp tục truyền thống sản xuất rượu sake của gia đình. Ông đã bắt đầu được chuẩn bị để đảm nhận công việc của gia đình khi mới 10 tuổi. Khi đó, bố ông cho ông tham dự tất cả các cuộc họp của công ty. Chỉ trong vài năm, Morita đã trở thành một chuyên gia ở mọi lĩnh vực từ kiểm soát tới sản xuất rượu, tới đánh giá chất lượng rượu do các nhà máy sản xuất, tới việc quản lý nhân viên.
Nhưng, trong lúc học hỏi từ công việc bên trong và bên ngoài gia đình, Morita cũng phát hiện ra niềm yêu thích của mình không chỉ có rượu, mà là cả toán học và vật lý.
Khi học đến lớp 10, Morita nhận ra rằng ông không có ý định gìn giữ truyền thống gia đình, cho dù điều đó sẽ làm cha ông rất thất vọng.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Morita đăng ký vào Đại học Hoàng gia Osaka và tốt nghiệp với tấm bằng về vật lý vào năm 1944. Trong thời gian đó, ông đã thực sự yêu thích kỹ thuật và các thử thách của việc ghi âm thanh chất lượng cao.
Được đào tạo là một nhà vật lý học, Morita biết lĩnh vực của ông có thể được trọng dụng. Do đó, Morita tham gia Hải quân Nhật ngay sau khi tốt nghiệp. Lúc này đang là giai đoạn giữa của Thế chiến II. Tại đây, ông gặp Masaru Ibuka, một kỹ sư điện tử ở Uỷ ban Nghiên cứu thời chiến của Hải quân. Hai người cùng chia sẻ sở thích chung và nhanh chóng trở thành bạn thân.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Morita làm việc ở Viện Kỹ thuật Tokyo. Trong khi đó, Ibuka làm ở Viện nghiên cứu viễn thông. Morita và Ibuka đã cùng hợp sức với nhau vào thời điểm nhiều công ty ở Nhật Bản sa sút - hậu quả tất yếu của cuộc chiến tranh thế giới lần 2.
Biến kiến thức vật lý thành tiền
Thế chiến II kết thúc, nhưng với nhiều quốc gia, hậu quả của cuộc chiến khiến những năm tháng sau đó thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Hầu hết các thành phố lớn ở Nhật cùng với mạng lưới các nhà máy và giao thông bị tàn phá nặng nề. Tình trạng thiếu thực phẩm rất nghiêm trọng, chưa kể đến gần 3 triệu người có khả năng lao động đã bị thiệt mạng trong chiến tranh. Nhật Bản đứng trên đống đổ nát.
Nhưng, Morita đã rất tự tin rằng đất nước ông không chỉ hồi phục, mà có thể trở thành nước dẫn đầu trong thị trường toàn cầu, và ông muốn là một trong những người biến điều này thành hiện thực. Ông bàn bạc với bạn mình - Ibuka về cách họ có thể kết hợp kiến thức vật lý và chế tạo lại với nhau.
Năm 1946, Morita và Ibuka tìm ra một giải pháp: họ thành lập Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo có trụ sở đặt tại Nagoya.
Công ty đã được thành lập với số vốn ban đầu chỉ có 350 đô, trong một cửa hàng cũ bị bom tàn phá và đã bị cấm sau chiến tranh. Thậm chí ngay cả khi đã thuê 20 nhân viên, Morita và Ibuka vẫn không chắc chắn rằng họ sẽ tập trung vào sản phẩm nào, nhưng điều họ biết chắc chắn là họ muốn tạo ra những sản phẩm điện tử tiên tiến và có chất lượng cao để có thể đưa Nhật Bản trở lại bản đồ thị trường thế giới. Cái nhãn "sản xuất tại Nhật Bản" sẽ không chỉ dán trên các sản phẩm rẻ và chất lượng thấp nữa.
"Tôi biết chúng tôi cần một thứ vũ khí để xâm nhập vào thị trường Mỹ" - Morita cho biết trong một cuộc trò chuyện với tạp chí Time - "và nó phải là thứ gì đó khác biệt, thứ mà chưa có bất kỳ ai từng làm".
Năm 1957, công ty cho ra đời chiếc radio bỏ túi, được xem là chiếc radio có đầy đủ thiết bị bán dẫn đầu tiên trên thế giới. Để mở rộng nó ra thế giới phương Tây, Morita và Ibuka cũng đổi tên công ty thành Sony (một sự kết hợp giữa Sonus - tiếng Latinh nghĩa là âm thanh (sound) và Sonny - một cái tên thân mật người Mỹ thường gọi trẻ con).
Năm 1961, tập đoàn Sony ở Mỹ trở thành công ty đầu tiên của Nhật Bản đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Qua nhiều năm, công ty tiếp tục phát triển các sản phẩm điện tử mới và tiên tiến, như đầu CD, máy ghi âm kỹ thuật số... Nó cũng mở rộng bằng việc có thêm các công ty khác như Hãng phim Columbia and Hãng ghi âm CBS.
Năm 1994, Morita bị tai biến mạch máu não khi chơi tennis, và sau đó ông tuyên bố từ chức chủ tịch tập đoàn Sony. Ông vẫn tiếp tục làm việc, viết sách “Never Mind School Records" (Đừng bao giờ bận tâm đến những thành tích ở trường) - trong đó nhấn mạnh rằng thành công của một người không phụ thuộc vào bằng cấp ở trường. Morita cũng xuất bản một cuốn hồi ký, có tên là "Made in Japan".
5 năm sau, ở tuổi 78, Morita qua đời vì bệnh viêm phổi. Nhưng tài năng và công sức của ông vẫn được nước Nhật ghi ơn, bởi ông đã góp phần đưa đất nước này từ tàn tích chiến tranh trở về với danh sách những quốc gia hàng đầu về kinh tế.
Akio Morita - Ông chủ không trốn trong văn phòng
Là chủ tịch của tập đoàn Sony, nhưng điều đó không có nghĩa là Morita trốn trong văn phòng cả ngày, bỏ qua các hoạt động chung. Ông thích mày mò tìm hiểu các đồ điện tử như một đứa trẻ, và thói quen đó chẳng có thay đổi gì trong nhiều năm.
Ngoài ra, Morita còn có sở thích nghiên cứu và phát triển chi nhánh của công ty.
Và chính hai sở thích này đã giúp ông đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác nhất, vượt qua hàng trăm bộ óc tư vấn để viết nên từ Walkman trong hầu hết các bộ từ điển trên thế giới.
"Đừng sợ mắc sai lầm, nhưng hãy chắc rằng bạn không mắc cùng một sai lầm hai lần liền" - Akio Morita - cựu chủ tịch tập đoàn Sony. Ảnh Corbis |
Không nghiên cứu thị trường và luôn tin vào trực giác
Năm 1979, Ibuka đề nghị bộ phận âm thanh chế tạo ra một hệ thống thiết bị có thể mang kèm trong các chuyến bay ra nước ngoài. Những người kỹ sư đầy sáng tạo đã chế ra một thiết bị phục vụ tạm thời cho Ibuka, cho phép ông bật băng trong một khoảng thời gian dài.
Sau khi Ibuka đưa cho Morita xem loại máy tiến bộ này, Morita đã dành cả kỳ nghỉ cuối tuần sau đó để mày mò. Ông mang nó về nhà, cả lúc ăn tối và đi đánh golf. Sáng thứ hai tuần sau đó, ông thông báo rằng đồ vật này có thể trở thành một sản phẩm của Sony.
Nhận định rằng "thanh niên không thể sống thiếu âm nhạc được" cũng như nhìn thấy tiềm năng của loại thiết bị di động này, ông quyết định khuấy động thị trường. Đầu tiên, ông khẳng định, sẽ không khách hàng nào mua cái máy nghe bằng băng mà không có khả năng ghi. Thứ hai, chiếc tai nghe cá nhân có thể giữ cho sản phẩm trụ vững.
Tuy nhiên, trước sản phẩm này, nhiều người bảo Morita rằng, chiếc tai nghe không những làm khách hàng phát cáu mà sẽ không bao giờ có cơ hội phát triển ở Nhật Bản, nơi mà việc làm hỏng bộ phận thính giác là điều cấm kỵ. Nhưng Morita lại nghĩ khác.
Ông tự đặt câu hỏi, liệu mọi người có muốn thưởng thức nhạc một mình, tránh xa sự ồn ào của thế giới xung quanh?
Cho dù bộ phận tiếp thị hết lời khuyên ngăn, nhưng Morita vẫn chọn nghe theo linh cảm của mình. Ông nói với nhân viên Sony rằng, họ sẽ tạo ra một nền văn hoá của những người đeo tai nghe trên toàn thế giới. Ông còn khuyên ngược lại họ: "Hãy cẩn thận khi xem cách mọi người đang sống, cảm nhận bằng trực giác với những điều họ muốn và điều có thể gắn kèm với họ. Đừng nghiên cứu thị trường".
Thế rồi, chiếc Walkman vừa tung ra thị trường đã ngay lập tức trở nên phổ biến, đúng như Morita đã dự đoán. Nó có mặt ở các cửa hàng vào năm 1979 mà không mất một ngày nghiên cứu thị trường nào. Kể từ đó, công ty tiếp tục đi theo linh cảm của họ trong việc tạo ra các sản phẩm tiến bộ như đĩa compact và playstation hiện nay.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ Morita tiến hành đều giành được thành công tương tự như Walkman. Nồi cơm điện của ông chưa bao giờ phát triển được, trong khi loại máy ghi âm bằng băng của công ty nặng hơn nửa kg nên không được thị trường sẵn sàng chào đón.
Sau này Morita thừa nhận: "Nếu cả cuộc đời bạn thừa nhận rằng cách làm của bạn luôn luôn là tốt nhất, tất cả các ý tưởng mới trên thế giới sẽ vượt bạn". Và Morita cũng rút ra những bài học cho mình. "Đừng sợ mắc sai lầm", "nhưng hãy chắc rằng bạn không mắc một sai lầm trong hai lần liền".
Tiếp thị khéo léo
"Quảng cáo và tiếp thị tự nó sẽ không duy trì một sản phẩm tồi hoặc một sản phẩm không hợp thời". Tuy nhiên, điều đó không ngăn nổi Morita trong việc tạo ra những chiến dịch tiếp thị thành công, giúp Sony từ một cửa hàng địa phương của Nhật Bản thành một tập đoàn khổng lồ toàn cầu.
Khi Morita lần đầu thăm châu Âu vào năm 1953, ông đến N.V Philips, một công ty sản xuất bóng đèn nhỏ trong một thị trấn nhỏ của Hà Lan nhưng đã trở thành nhà sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới. Trở về Nhật, Morita đã thiết lập hướng đi mới cho công ty. Ông muốn Sony trở thành công ty hàng đầu toàn cầu, giống như N.V.Philips, đặc biệt có ảnh hưởng tới thị trường Mỹ.
Một trong những bước đầu tiên để hướng tới mục tiêu mới này là thay đổi tên của công ty. Trực giác mách bảo rằng, cái tên Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo không có được sự lôi cuốn như ông muốn, và sẽ không thâm nhập được vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, Morita muốn một cái tên mà có thể được thừa nhận và dễ nhớ trong mọi ngôn ngữ. Cùng với Ibuka, Morita đã tra từ điển cho đến khi họ tìm ra được từ mà họ muốn.
Morita đã dừng lại trước từ Sonus - trong tiếng Latin có nghĩa là âm thanh (sound). Ông nghĩ rằng ý nghĩa của nó thích hợp đối với ngành nghề, trong khi gốc rễ phương Tây của nó có thể là biểu tượng cho mơ ước của ông đối với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ông thấy nó vẫn chưa đầy đủ.
Kết quả là, Morita quyết định kết hợp từ "Sonus" và "Sonny", một tên gọi thân mật của người Mỹ dành cho trẻ con. Morita nghĩ "Sony" sẽ giúp hình dung lên hình ảnh của một công ty trẻ trung, với nhiều năng lượng và tương lai tươi sáng. Cái tên Sony có từ đó.
Năm 1952, Morita mở cửa hàng đầu tiên của Sony ở New York và chỉ trưng bày một vài sản phẩm. Tuy nhiên, ông muốn có một cổng vào lớn. Nhưng tiếp thị như thế nào trong một rừng biển quảng cáo tại thành phố sầm uất này? Nghĩ kỹ, ông quyết định đặt một lá cờ của Nhật rất lớn trước cổng. Khi đó, Thế chiến II mới kết thúc, và lá cờ Nhật Bản trên đất Mỹ đã buộc dư luận phải tò mò.
Các nhà báo và hàng trăm khách hàng đã đến để xem câu chuyện đằng sau lá cờ. Ông còn trang bị những chiếc áo sơ mi trắng cho tất cả nhân viên bán hàng, đồng thời đeo thêm chiếc Walkman. Morita muốn chứng tỏ thiết bị có thể dễ dàng được mang theo người. Ngay lập tức, sản phẩm mới của Sony, cùng với những chiếc Walkman ban đầu, đã không nằm im trên giá nữa.
Không dừng lại ở đó, với phương châm "nhập gia tuỳ tục", các chi nhánh của ông đã thay đổi cái tên để phù hợp hơn với nước sở tại. Chi nhánh của Sony ở Mỹ thấy cái tên Walkman trong tiếng Anh không còn thích hợp nên đã thay đổi sản phẩm thành "Soundabout" cho thị trường nội địa. Tương tự như vậy, Sony ở Thụy Điển bắt đầu sử dụng tên gọi "Freestyle", trong khi ở Anh là "Stowaway".
Tuy nhiên, Morita không thích sử dụng các tên gọi khác nhau ở các nước khác nhau, và yêu cầu Walkman trở thành tên toàn cầu của sản phẩm.
Ngày nay, sự hiện diện của Walkman trong hầu hết các cuốn từ điển là bằng chứng cho thành công trong việc tiếp thị đó.
"Đừng bận tâm đến thành tích ở trường" (Never Mind School Records)
Là tiêu đề tác phẩm ra đời năm 1966, đồng thời cũng là triết lý khi tuyển dụng nhân viên của Akio Morita. Ông không bao giờ quan tâm đến chuyện nhân viên của ông có học từ các trường đại học tốt nhất hay không hoặc ở trường họ có đạt điểm cao hay không.
"Tôi hình thành một quy tắc rằng, khi chúng ta thuê một nhân viên, thành tích ở trường chỉ là vấn đề của quá khứ, thành tích ấy không còn được sử dụng để đánh giá công việc hoặc quyết định về sự thăng tiến nữa".
"Sản xuất tại Nhật Bản" (Made in Japan)
Akio thuộc thế hệ doanh nhân Nhật Bản không chỉ tạo ra giá trị và của cải cho công ty của mình, mà còn có thể làm cho thương hiệu "sản xuất tại Nhật Bản" nổi tiếng trên toàn thế giới. Cuốn sách "Made in Japan" chỉ ra cách ông đã làm được điều này.
Akio Morita trên bìa cuốn hồi ký "Made in Japan" |
Ra đời năm 1986, "Made in Japan" là cuốn tự truyện của Akio Morita, song song với câu chuyện về sự lớn mạnh và mở rộng của tập đoàn Sony cũng như nước Nhật sau chiến tranh thế giới lần hai. Đây là câu chuyện về một thanh niên Nhật mơ về một công ly lớn và tiếp tục có tầm nhìn xuất chúng và khả năng trực giác.
Cuốn sách bắt đầu với nước Nhật hậu thế chiến II, nơi bị tổn hại nặng nề cả về mặt tâm lý và thể chất bởi một trong những thảm kịch lớn nhất mà con người đã trải qua. Các vấn đề về việc khôi phục lại, thất nghiệp, suy thoái, sau đó là tái thiết, rồi sự yếu đi của các tập đoàn gia đình và sự mạnh dần lên của phong cách quản lý dân chủ trong các công ty, đã vực dậy nhiều tổ chức của Nhật, đã được Morita giải thích rất dễ hiểu.
Trong cuốn sách, Morita cũng kể lại những ngày đầu của Sony trên đất Mỹ, những khó khăn ban đầu và vô vàn việc kiện cáo phức tạp mà công ty phải đối mặt. Sau đó là sự thành công của Sony trong việc tạo ra một thương hiệu vững mạnh trên thị trường Mỹ.
Akio cũng nhấn mạnh việc cần có kỹ năng và hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực một cách kinh tế. Sẽ thât tuyệt khi biết làm thế nào mà Nhật Bản đã thành công như vậy cho dù đây là một quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Có thể đó là lí do cho việc đầu tư vào các thiết bị nhỏ nhưng có giá trị.
Cuốn sách chỉ ra rằng các công ty nhỏ có thể trở thành công ty lớn và giành được thắng lợi như thế nào. Đó là một hành trình học hỏi ở từng bước một. Nó dạy chúng ta sự kiên nhẫn và sự bảo vệ trong việc phát triển một doanh nghiệp. Đồng thời, Morita đã chỉ ra rằng, trước khi trở thành một người nói hay, một nhà lãnh đạo phải là một người nghe giỏi.
Ông cũng nói về những đòi hỏi cần thiết phải tạo ra một nền văn hóa công ty, để có được những nhân viên trung thành. “Mọi người trong công ty phải cùng chung lưng đấu cật, còn đối với những nhân công trình độ thấp thì sự đóng góp của họ phải nhiều hơn việc lao động chân tay. Chúng ta cứ nhất quyết rằng tất cả các nhân viên đều phải cống hiến hết tâm trí”.
"Made in Japan" đưa ra một định nghĩa mới cho sự đổi mới như là một công cụ để thành công. Morita từng nói về sản phẩm thành công nhất Walkman rằng: "Tôi không nghĩ bất kỳ phần nghiên cứu thị trường nào có thể nói với chúng tôi rằng sản phẩm của chúng tôi sẽ thành công". Ông là người tin rằng, nếu sản phẩm tốt và đảm bảo chất lượng, nó sẽ "đất" để "dụng võ".
"Made in Japan" là cuốn sách kết hợp giữa lịch sử, triết học, quản trị doanh nghiệp và cả những suy nghĩ đời thường. Morita đã thể hiện mình như một con người của công việc và của gia đình. Ông đã chứng tỏ rằng, để có được một sự nghiệp thành công, chúng ta không nhất thiết phải hy sinh cuộc sống gia đình. Nghĩ về Sony giống như nghĩ về một trong những đứa con mà ông phải nuôi dạy, Morita là một người tin tưởng đến cùng vào cuộc sống đơn giản nhưng lại có những suy nghĩ rất tiến bộ.
"Nước Nhật có thể nói không" (The Japan That Can Say No)
Năm 1989, Morita và chính khách người Nhật Ishihara Shintaro viết một bài luận về sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, có tên gọi: “The Japan That Can Say No".
Morita đã phê bình thực tiễn kinh doanh của Mỹ và khuyến khích Nhật Bản dành một vị trí tự do hơn trong kinh doanh và các vấn đề quốc tế. Ông cho rằng sự tập trung của Mỹ vào sự liên kết và những gì giành được, và tái định vị lại tổ chức nước ngoài, đã lấy đi sự sáng tạo của sức mạnh sản xuất thực sự.
Morita bàn về thực tế rằng, thu nhập cao của hầu hết các CEO người Mỹ thực ra làm tổn hại đến công ty của họ, ngược với cộng đồng các công ty của Nhật ngày càng bình đẳng và kết nối chặt chẽ. Ông cũng lí giải cho sự quyết đoán của Nhật Bản trên thương trường. Ông đã khen ngợi sự cởi mở của thị trường Mỹ, đồng thời phê bình nước ông vì tư duy đóng. Ông cho rằng người Nhật có thể tranh luận với những đối tác làm ăn nước ngoài mà không lo ngại bị phá hỏng các mối quan hệ.
Morita nói: "Theo quan điểm của tôi, hệ thống quản lý của người Mỹ dựa quá nhiều vào những người bên ngoài giúp họ ra quyết định kinh doanh, và điều này dẫn tới việc người Mỹ cảm thấy thiếu an toàn khi phải ra quyết định trong công việc, khi so sánh với hầu hết các nhà điều hành của Nhật Bản".
Đó là những tuyên bố có thể gây ra sự kích động trên thế giới ngay khi cuốn sách được dịch từ tiếng Nhật ra tiếng Anh. Quan điểm của ông đôi chỗ bị hiểu sai bởi lỗi của nhà xuất bản. Morita bị gọi là một doanh nhân ngạo mạn và thậm chí một số người còn từ chối làm ăn với ông. Nhưng với Morita, thẳng thắn luôn là một phần tự nhiên của ông. Thế nên, chẳng có lí do gì khiến ông không thể hiện sự thẳng thắn của mình.
(Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới //Theo Lanhdao)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com