Ông Jonney Shih giữa đường phố Đài Bắc. |
Vài năm trước, các đối thủ đã chê cười Jonney Shih, Chủ tịch công ty Asustek, và chiếc laptop cỡ chiếc ví, gọi là netbook, của ông. Sau khi làm ra hàng triệu chiếc netbook như vậy, Shih mới là người cuối cùng cất tiếng cười.
Trên một ngọn đồi sau chùa Hsing Tian Kong ở phía bắc Đài Bắc, Đài Loan, Jonney Shih đang ngồi thiền. “Trong đạo Phật, bạn học được cách chấp nhận mọi việc, để mọi việc trôi qua, rồi từ đó bạn suy nghĩ rõ ràng hơn”, Shih nói. Nhà kinh doanh thích ngồi thiền Con người luôn bị thôi thúc trong ông Shih không giống mẫu người theo đạo Phật (người theo đạo Phật không nghĩ về kỹ thuật và kinh doanh khi đang ngồi thiền nhưng Shih lại thường làm như vậy). Tham vọng cộng với tài năng công nghệ và bản năng kinh doanh nhạy bén đã làm cho ông trở thành một nhà kỹ thuật, một doanh nhân xuất sắc. Ông là cổ đông lớn nhất và cũng là chủ tịch của Asustek – tập đoàn công nghệ Đài Loan có doanh thu mỗi năm 21 tỷ đô-la Mỹ. Ba năm trước Asustek đã giới thiệu chiếc máy tính cỡ nhỏ (netbook) đầu tiên, mở đầu cho cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) đang trì trệ. Khi chiếc máy EeePC giá 399 đô-la Mỹ của Shih xuất hiện trên thị trường vào mùa thu năm 2007, các đối thủ cạnh tranh đã cười nhạo và xem chiếc máy như một món đồ chơi rẻ tiền. Nhưng Asustek, gọi tắt là Asus, đã bán được hàng triệu chiếc máy đó và mau chóng vươn lên vị trí thứ năm trên thị trường máy tính cá nhân toàn cầu. Hiện tại, hầu như tất cả các công ty sản xuất máy tính, cả các đại gia Dell, Hewlett-Packard (HP) và Toshiba, đều sản xuất máy netbook. Acer, hãng sản xuất netbook lớn nhất thế giới, chiếm 38% thị phần, cũng là công ty cũ của Shih. Asus từng nắm giữ toàn bộ thị phần trong tám tháng, bây giờ đứng thứ hai, với 30% thị phần. Và bây giờ, sau khi tạo ra một mặt hàng đem về doanh thu 10 tỷ đô-la Mỹ trong hai năm, ông Shih đang phải nghĩ ra một bước đột phá khác, và ông ngồi thiền để suy nghĩ được rõ ràng hơn. “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đạo Phật thụ động và thiên về giải thoát, nhưng không phải, đó là đạo về việc đương đầu với các biến cố đang diễn ra trước mắt bằng cái đầu tỉnh táo và linh hoạt. Thách thức rất đa dạng, nhưng bạn hãy chấp nhận và làm tất cả những gì có thể làm”, ông Shih nói. Từ Acer đến Asus Công ty Asus do bốn kỹ sư cũ của công ty Acer lập ra năm 1989 (cái tên “Asus” là từ tên con ngựa huyền bí trong truyền thuyết Hy Lạp, Pegasus). Ở thời điểm đó, Acer – một trong những công ty đầu tiên đã biến đảo Đài Loan thành trung tâm sản xuất máy tính của thế giới – đã phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Bắc. Nhiều nhân viên Acer sử dụng tiền lời từ quyền mua bán cổ phiếu để khởi sự việc kinh doanh riêng của mình. Tại một quán cà-phê ở Đài Bắc, bốn người này đã cố thuyết phục Shih, lúc ấy đang điều hành bộ phận nghiên cứu và phát triển của Acer, cùng với họ thành lập một công ty mới, chuyên thiết kế và sản xuất bo mạch chủ (motherboard) – bản mạch điện tử trung tâm nằm bên trong chiếc máy vi tính và liên kết các linh kiện quan trọng như bộ nhớ, đĩa cứng và bộ vi xử lý. Shih ngần ngại vì ông vẫn trung thành với người thầy Stan Shih, người đồng sáng lập và là chủ tịch của Acer. Nhưng ông động viên những người bạn hãy khởi động Asus và ông góp cổ phần vào công ty mới ấy. Năm 1994, sau ba năm làm giám đốc bộ phận kinh doanh của Acer – bán công nghệ của Acer hơn là thiết kế ra nó – Shih đã tham gia vào Asus với cương vị CEO. Khi một công ty thiết kế chip điện tử phát minh ra một bộ vi xử lý mới, mọi việc còn lại phụ thuộc vào các kỹ sư thiết kế bo mạch chủ tích hợp con chip ấy và từ đó vận hành chiếc máy tính. Bất cứ công ty nào tạo ra được bo mạch chủ sớm nhất và phát huy tối đa năng lực của bộ vi xử lý mới đều có thể chiến thắng trong ngành sản xuất máy tính. Từ motherboard đến laptop Trở lại cái thời mà Shih còn làm việc ở Acer, ông đã nổi tiếng là người có thể tạo ra những bo mạch chủ xuất sắc. Khi tập đoàn Intel (Mỹ) phát minh ra bộ vi xử lý 386 vào năm 1985, Shih và một nhóm kỹ sư khác đã có mặt tại triển lãm điện tử máy tính ở Las Vegas, để tìm kiếm cơ hội. “Chúng tôi không ngủ được trong suốt chuyến đi đó,” Shih nhớ lại. Trong cuộc cạnh tranh giữa các bo mạch chủ, cấu hình mà công ty Dell đưa ra có khả năng hoạt động cao nhất, nhưng đó không phải là loại công nghệ có thể dùng để sản xuất hàng loạt. Cấu hình mà Shih đưa ra có thể sản xuất hàng loạt và nó đã đánh bại các đối thủ từ IBM, Compaq và nhiều công ty khác (thời ấy, nhiều công ty sản xuất máy tính tự thiết kế bo mạch chủ riêng để sử dụng và bán cho các nhà sản xuất khác). Đơn đặt hàng được gửi đến tới tấp, và danh tiếng của Shih nổi lên ở Intel và trong cả ngành công nghiệp máy tính cá nhân.Sau khi chuyển đến Asus, Shih tiếp tục thành công với bộ vi xử lý 486 của Intel. Các công ty chế tạo máy tính khác như HP, Sony và Dell nhận ra rằng nếu họ sử dụng bo mạch chủ của Asus, máy tính của họ chạy tốt hơn. Vào giữa những năm 1990, Asus bán nhiều bo mạch chủ hơn bất cứ công ty nào khác, doanh thu và lợi nhuận tăng lên trong suốt một thập niên. Nhưng đến năm 2001 các công ty Đài Loan khác như ECS và Foxconn bắt đầu cạnh tranh giá cả với Asus trong ngành kinh doanh bo mạch chủ. Thị phần của Asus về mặt số lượng sản xuất đã giảm xuống vị trí thứ hai và lợi nhuận giảm mạnh, xuống còn 300 triệu đô-la Mỹ trong năm 2002 từ 500 triệu đô-la một năm trước đó. Để ứng phó, Shih đã bắt đầu một chiến thuật mới. Ông lập ra một công ty con, ASRock, vừa để cạnh tranh ở mức giá thấp, vừa tăng khả năng kỹ thuật và sản xuất của công ty mẹ Asus. Chỉ sau hai năm, Asus đã lấy lại vị trí đứng đầu trong ngành kinh doanh bo mạch chủ, sản lượng của nó vượt quá tổng sản lượng của ba công ty đứng sau. Cùng thời gian này, công ty bắt đầu sản xuất các mặt hàng điện tử dân dụng gia công cho các tập đoàn lớn như Dell, HP và Sony. Asus tách ra một công ty con, đặt tên là Pegatron (phần đầu của tên Pegasus), chuyên sản xuất máy tính xách tay (laptop), bộ định tuyến (router), máy nghe nhạc MP3, máy trò chơi điện tử và tất cả những gì mà các công ty lớn thuê làm. Nhưng Shih vẫn không thỏa mãn với việc sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng và năm 1997, Asus bắt đầu sản xuất máy tính xách tay với chính thương hiệu của mình. Chiếc máy tính cho số đông Asus là sự phối hợp theo kiểu Đài Loan giữa HP và Apple. Giống như HP, Asus là nhà sản xuất máy tính xách tay bán chạy nhất, và cũng như Apple, sản phẩm của Asus được ưa chuộng nhờ hiệu năng cao, độ tin cậy và kiểu dáng chứ không phải nhờ giá rẻ. Asus có những mẫu máy tính xách tay có vỏ làm bằng da, thép tráng tay, kể cả làm từ tre. Nhưng tham vọng của Shih là ông muốn làm ra một chiếc máy tính cho hàng tỷ người sử dụng thế hệ mới. Ý tưởng của ông là tạo ra một chiếc máy đủ mạnh để lướt web và làm các công việc đơn giản, dễ sử dụng và giá cả hợp lý. Một cách tình cờ, vào thời điểm đó tập đoàn Intel cũng cho ra một bộ vi xử lý có thể giúp Shih thực hiện được mục tiêu. Sean Maloney, Phó tổng giám đốc của Intel, cho biết: “Sau hậu trường, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để tạo ra Atom, một con chip sử dụng ít năng lượng và giá rẻ. Jonney ngay tức khắc muốn có nó”. Vấn đề là làm sao tạo ra chiếc máy tính chạy con chip này. Trong vòng ba tháng, Shih và trưởng nhóm kinh doanh bo mạch chủ của Asus, Jerry Shen (bây giờ là CEO của Asus), đã vạch ra các nét chính của một máy netbook: nên có các tính năng gì (Wi-Fi, bàn chạm touchpad và ổ cứng dạng rắn), cần phải bỏ bớt cái gì (hệ điều hành Microsoft Windows, bàn phím đầy đủ v.v.). Rồi họ thuê một nhóm kỹ sư biến những ý tưởng này thành hiện thực. Khi vài ngàn chiếc máy tính EeePC netbook đầu tiên được tung ra thị trường Đài Loan cuối năm 2007, chúng được bán sạch trong vòng 30 phút. Cũng giống như các công ty công nghệ khác, Asus bị ảnh hưởng nặng do cuộc khủng hoảng toàn cầu, và mùa đông năm ngoái họ đã công bố khoản lỗ theo quý đầu tiên trong lịch sử 20 năm của công ty. Công ty đã cắt giảm chi phí bằng việc giảm nhân công và giảm tiền lương, giảm cả số lượng tồn kho. Tuy nhiên gần đây, Asus đã phục hồi, trong quý 3 vừa qua công ty tăng trưởng hơn những gì các nhà phân tích dự đoán, và cổ phiếu của họ đã đứng cao ở tuần thứ 52 liên tiếp tại thị trường chứng khoán Đài Bắc. Asus dự đoán năm 2010 doanh thu netbook và máy tính cá nhân của công ty sẽ tăng 30%. Để đạt mục tiêu đó, Shih phải dành thời gian ngồi thiền và suy nghĩ về bước đột phá sắp tới của Asus. Chiếc máy netbook thế hệ kế tiếp Tại trụ sở của Asus, trong một góc phòng sáng sủa kê những chiếc ghế hình hạt đậu và các bộ sưu tập mẫu vải, bước kế tiếp của những gì Shih đang nghĩ đã được dựng lên thành hình mẫu. Đây là phòng thiết kế tuyệt mật của công ty Asus. Trên kệ là các máy tính xách tay nhìn cứ như là những tờ giấy nhôm gấp lại. Một số máy có bàn phím trượt như điện thoại. Một nhóm các nhà thiết kế quốc tế đang trao đổi ý tưởng. Trực giác của Shih bảo rằng “chiếc netbook thế hệ mới” sẽ không sinh ra từ các tính năng kỹ thuật mạnh mẽ mà từ sự thấu hiểu cách thức người sử dụng dùng nó để liên lạc, làm việc và chơi. Ông đang sử dụng mọi nguồn lực của công ty vào lần thiết kế này. Ông Shih lấy ra một nguyên mẫu của chiếc bàn phím Eee sẽ ra đời - một bàn phím bằng nhôm có bàn chạm một bên. Nhờ kết nối không dây, nó biến cái màn hình ti-vi phẳng thành một máy tính tiện dụng để lướt web, thân thiện với Facebook. Từ túi áo của ông là chiếc điện thoại thông minh mà Asus đang phát triển cùng với công ty sản xuất thiết bị định vị toàn cầu Garmin, Mỹ. Chiếc điện thoại Asus-Garmin chỉ là mô hình, và chiếc bàn phím cũng chưa sản xuất nhưng những vật này cho thấy Shih đang nghĩ về một sản phẩm dễ sử dụng, rẻ tiền mà có thể hòa nhập thành một phần của lối sống điện tử. Liệu tầm nhìn xa và sự hiểu biết thấu đáo của Shih về cách tích hợp công nghệ có thể giúp cho Asus lấy lại vị trí dẫn đầu trên thị trường netbook? Khó mà biết chắc được, nhưng bây giờ các đối thủ của ông đã nhận ra một điều là không nên đánh giá thấp Shih, đặc biệt khi mà “Phật tử” này đang suy nghĩ rất rõ ràng.
(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Fortune)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com