Đó không phải những thú chơi ngông của tỷ phú này, trọc phú kia, Những câu chuyện dưới đây phản ánh những hành động nhiều ý nghĩa của họ trong cách hành xử với người xung quanh, với công việc và với chính bản thân mình.
Có gì trục trặc không?
Trong thế giới Ả rập, tên tuổi của Khalaf Habtoor rất lừng lẫy, không chỉ ông ta sở hữu 2,5 tỷ USD mà do cách giáo dục con cái. Giàu có và thành đạt nhưng Khalaf không hề nuông chiều con. Khi Mohamed Habtoor, người con trai của Khalaf du học từ Hoa Kỳ trở về, ông đã đưa cho con… chiếc tạp dề và phân công làm nhân viên tạp vụ.
“Tiền phải do mình làm ra chứ không phải do người khác đưa đến. Con hãy làm một người lao động ở vị trí thấp nhất để hiểu cuộc sống, hiểu con người và hiểu đồng tiền là gì” - Khalaf nói với con trai.
Khalaf còn hai lần đuổi việc con trai mình. Lần thứ nhất, khi ở vị trí đốc công một phân xưởng, Mohamed tự ý điều hành theo cách riêng và cuối cùng thất bại. Lần thứ hai Khalaf đuổi việc con do anh này muốn phát triển sản phẩm giống như châu Âu và Hoa Kỳ. Ông nói: “Nếu trong các sản phẩm của chúng ta không có dấu ấn Ả rập chẳng ai cần đến chúng ta nữa. Làm theo cách người Hoa Kỳ nhưng sản phẩm phải là của người Ả rập”.
Từ những bài học nghiêm khắc của người cha, Mohamed dần vững vàng và mạnh mẽ, được cha giao cho làm giám đốc một công ty con.
“Tôi học được từ cha tôi rất nhiều. Nhưng có một điều tôi chưa học được đó là ông không chịu ngồi ở văn phòng, từ sáng sớm đến chiều cứ la cà ở các phân xưởng và đặt ra câu hỏi cho mọi người: Có gì trục trặc không? Tối đến, ông triệu tập bộ chỉ huy của mình rồi kể ra những bất cập ông nghe được trong ngày và bắt từng người giải quyết ngay lập tức” - Mohamed nói.
Cải tổ, cải tổ và cải tổ
Vừa là ông chủ, vừa là kiến trúc sư trưởng của Nokia, Jorma Olilla thật sự đã làm thay đổi tập đoàn này tận gốc. Trước khi chuyển sang lĩnh vực công nghệ, Jorma làm việc trong ngành ngân hàng.
Tại đây ông thu hái được một số thành công nhưng cũng không hẳn được lòng đồng nghiệp lẫn lãnh đạo khi thường xuyên “sểnh miệng” nói ra những ý định cải tổ liên quan đến quyền lợi của nhiều người. Năm 1985, Jorma chuyển từ Citibank sang Nokia đúng lúc tập đoàn này cần phải “thay máu”.
Tại buổi thuyết trình tranh chức Tổng giám đốc trước Hội đồng quản trị của tập đoàn, ông nói: “Nokia không chỉ là Phần Lan, là Bắc Âu mà là cả thế giới”. Nhân vật cao cấp nhất của Nokia lúc bấy giờ đã nhận thấy ngọn lửa rừng rực trong con người này và đã quyết định giao trọng trách cho ông.
Ngay khi ngồi vào ghế chỉ huy, Jorma lại đưa ra khẩu hiệu: Cải tổ, cải tổ và cải tổ. 30% trong số 40.000 nhân công của hãng bị sa thải ngay trong tháng đầu của tân tổng giám đốc. Tiếp đó là một cuộc cách mạng thực sự khi Jorma gạt sang bên những mặt hàng truyền thống của hãng là chất dẻo, cao su, đồ nhựa… để chuyển sang làm điện thoại di động.
“Chúng ta phải chinh phục thế giới bằng cách đưa vào tay họ công cụ kết nối toàn cầu”- ông nói. Sự chọn lựa đó đã được thời gian chứng minh hoàn toàn đúng.
45 cent và 62 tỷ USD
Warren Buffett là tỷ phú bậc nhất hiện thời nhưng cũng nổi tiếng là người chi li. Người ta thường lấy làm ngạc nhiên khi trong hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh của ông những ngôi nhà chỉ được sơn bên ngoài.
Warren cho biết, lần ông tới chơi nhà người bạn thân, thấy bên trong nhà của bạn không sơn. Ông hỏi thì nhận được câu trả lời: Không cần thiết phải tốn kém. Chỉ cần sơn bên ngoài cho đẹp và giữ gìn bức tường, bên trong trang trí cách khác là đủ.
Lập tức, người giàu nhất thế giới đã áp dụng cách làm đó cho tất cả những ngôi nhà thuộc về mình. Ông phấn khởi khoe: “Đỡ được rất nhiều tiền”.
Với Warren, 1USD cũng quý. Câu chuyện bắt đầu từ năm ông lên mười. Một lần, bão tuyết tràn qua quê hương. Ông nội của Warren thuê cậu cùng người bạn xúc tuyết trên mái nhà. 5 giờ quần quật làm việc trong cái lạnh tê tái, ông nội Warren đưa cho hai đứa trẻ 90 cent. Chúng kêu lên: Sao ít thế? Người ông nói ngay: Tại sao trước khi nhận làm, các cháu không thỏa thuận tiền công?
“Đến bây giờ tôi vẫn giữ 45 cent đó trong ngăn kéo, cho dù chúng tôi đã có 62 tỷ USD. Cũng từ đó, không bao giờ tôi nhận làm công việc gì mà không có hợp đồng”- Warren nói.
Giàu và “keo” nhất
Trong lúc phần lớn thế giới đã rất quen thuộc với hình ảnh người giàu nhất hành tinh Bill Gates thì cái tên Carlos Slim Helu hãy còn khá xa lạ. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, “người lạ” Slim đã giành được ngôi vua tỷ phú với gia tài 53,5 tỷ USD, nhỉnh hơn Bill Gates (53 tỷ USD) và vượt trội so với Warren Buffelt (47 tỷ USD).
Xuất thân từ một gia đình Lebanon di cư, Carlos Slim Helu phải tự thân gầy dựng cơ nghiệp. Ông đã chớp thời cơ Mexico tư nhân hóa Công ty Điện thoại quốc gia những năm 90 để thâu tóm quyền lực trong ngành, trở thành ông trùm truyền thông.
Mới đây, ông lấy được giấy phép sáp nhập các tài sản hữu tuyến cố định với Công ty American Movil, một công ty điện thoại di động lớn nhất Mỹ Latin. Ngoài ngành viễn thông, vương quốc Slim Helu còn bao trùm nhiều lĩnh vực khác.
Tập đoàn Xây dựng Impulsora del Desarrollo y el Empleo của ông chuyên thầu những công trình cơ sở hạ tầng năng lượng và đường sá. Ông cũng nắm giữ nhiều cổ phần trong Tập đoàn Tài chính Inbursa, Bronco Drilling, Independent News & Media, Saks và New York Times Co…
Là vua tỷ phú, ngồi trên núi tiền, thừa sức mua sắm những thứ xa hoa nhất thế giới nhưng Slim gần như chưa từng “chơi ngông”, ném tiền vô tội vạ. Trong cuộc sống đời thường, ông chẳng có du thuyền hay chuyên cơ riêng. Ngôi nhà ở hơn 40 năm ông cũng chẳng đổi. Có thể nói ông chẳng giống một tỷ phú theo hình dung của công chúng chút nào.
Tuy “keo” với bản thân nhưng Slim lại khá hào phóng làm từ thiện. Vừa qua, ông đã quyên góp 65 triệu USD cho dự án nghiên cứu y học về gien. Tuy Slim đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn giữ được phong độ kiếm tiền đáng nể, trong một năm gia tài của ông sinh sôi thêm 18,5 tỷ USD.
(Theo THIỀU QUANG // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com