Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những tỷ phú mất tích năm 2009

Allen Stanford, một trong những tỷ phú người Mỹ mất tích năm 2009.

Có tới 373 tỷ phú năm trước bị rớt khỏi danh sách tỷ phú năm nay, trong đó 355 người do bị suy giảm tài sản từ khủng hoảng kinh tế và 18 người qua đời. Trái lại, chỉ có thêm 38 tỷ phú mới trong năm 2009 – theo tạp chí Forbes.

 

Những tỷ phú mất tích rất đa dạng. Họ đến từ nhiều quốc gia: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... Xin điểm qua chân dung một số người tụt dốc hay ngã ngựa trong năm qua.

Bi kịch của Merckle

Trong số các tỷ phú “mất tích” trong năm qua, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tỷ phú người Đức Adolf Merckle, người đã lao đầu vào tàu hỏa tự vẫn vì kinh doanh thua lỗ. Theo tạp chí Forbes, ông Merckle có số tài sản ước tính đạt 9,2 tỷ USD năm 2008, đứng 94 trong số những người giàu nhất thế giới.

Trong năm 2008, ông Merckle đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng khi đầu cơ chứng khoán theo hình thức mua bán khống “short selling” cổ phiếu của hãng ôtô Volswagen. Ông Merckle đầu cơ với dự đoán giá cổ phiếu của Volkswagen sẽ xuống. Nhưng trái ngược với dự đoán của ông ta, cổ phiếu của Volkswagen đã tăng mạnh sau khi hãng xe Porsche mua lại hơn 50% cổ phần của Volkswagen. Việc này khiến cho ông Merckle thua lỗ hàng trăm triệu euro trong năm 2008 và cũng khiến cho đế quốc kinh doanh của ông này có nguy cơ bị phá vỡ.

Đứng trước những khó khăn chồng chất, lại thêm những sức ép khác từ phía xã hội do dư luận ở Đức vốn thiếu thiện cảm với việc kinh doanh theo hướng đầu cơ, nhà tỷ phú Merckle chọn cách lao đầu vào tàu hỏa, kết thúc cuộc đời ở tuổi 74.

Không còn Bill Gates thế kỷ mới

Chàng trai trẻ Mark Zuckerberg từng được nhiều người coi là Bill Gates của thế kỷ mới. Năm 2004, anh thành lập mạng xã hội Facebook từ một căn phòng ký túc đại học Harvard khi mới 20 tuổi. Bốn năm sau, anh là tỷ phú trẻ nhất thế giới khi có 1,5 tỷ USD.

Thế nhưng năm 2009 này đánh dấu một bước thụt lùi trong chặng đường thành công tài chính của Zuckerberg khi tài sản của anh hao hụt hơn 600 triệu USD khiến anh không còn là tỷ phú như năm 2008. Mặc dù Facebook vẫn là mạng xã hội rộng rãi nhất với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng nhưng doanh thu Facebook không tăng trong năm qua.

Tỷ phú siêu lừa

Allen Stanford có lẽ là một trong những tỷ phú biến mất được dư luận nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua. Allen Stanford là chủ tịch tập đoàn tài chính Stanford Financial Group. Năm 2008, tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông này lên tới 2 tỷ USD. Hiện nay, ước tính tài sản của ông này còn chưa đến 200 triệu USD.
 
 Tháng hai vừa qua, Ủy ban Chứng Khoán và Giao dịch của chính phủ Mỹ đã cáo buộc Stanford và các lãnh đạo khác của tập đoàn Stanford Financial Group có những hành vi lừa đảo hàng tỷ USD. Tuy hiện nay Stanford chưa bị khởi tố hình sự nhưng rất có thể ông ta sẽ sớm phải ra tòa vì tội lừa đảo như “siêu lừa” Bernard Madoff - kẻ đã bị ra tòa vì gian lận tài chính với số tiền lên tới 50 tỷ USD.

Ở Trung Quốc, một nhà tài phiệt khác cũng chia sẻ số phận hẩm hiu với Stanford. Nhà tài phiệt 38 tuổi Wong Kwong Yu từng có tới 3,5 tỷ USD tài sản vào năm 2008 nhưng tới nay đã mất tới 2,6 tỷ USD. Không những thế, tập đoàn điện tử gia dụng Gome Alliance mà ông này làm chủ đã bị nhà chức trách Trung Quốc ngừng các giao dịch trên thị trường chứng khoán do nghi ngờ có những gian lận và thao túng giá cả chứng khoán.

Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ?

Năm nay là một năm đầy nặng nề cho ngành kinh doanh bất động sản. Số tỷ phú bất động sản biến mất khỏi danh sách chỉ thua số tỷ phú trong ngành tài chính, với con số 34 tỷ phú “biến mất”. Người ngã ngựa thảm hại nhất trong số đó là đại gia bất động sản người Ấn Độ Ramesh Chandra. Năm 2008, ông này có 9,6 tỷ USD tài sản, đứng số 86 trong các nhà tỷ phú toàn cầu. Năm 2009, tổng tài sản của ông ta mất đi hơn 90% giá trị và được ước tính chỉ vẻn vẹn chừng 500 triệu USD. Tài sản của Chandra mất trắng do thị trường bất động sản đóng băng khiến cho cổ phiếu của công ty kinh doanh bất động sản của ông ta rớt giá thê thảm.

Tại Nga, trong số 55 tỷ phú bị rớt đài năm nay có những tên tuổi từng rất ấn tượng. Hai nhà tài phiệt Kirill Pisarev và Yuri Zhukov là chủ của hãng bất động sản PIK ở Nga. Công ty đã đầu tư rất nhiều vào đất đai nhằm cho các dự án phát triển trong những năm qua, nhờ đó đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Nga. Thế nhưng cuộc khủng hoảng vừa qua đã khiến chiến lược này trở thành con dao hai lưỡi khi thị trường bất động sản đóng băng. Kết quả là cổ phiếu PIK sụt giảm 98% trong năm qua. Từ tài sản chừng 6 tỷ USD cho mỗi người, giờ đây họ chỉ có được chừng 500 triệu USD.

Do sự sụt giảm của giá năng lượng và khoáng sản trong thời gian qua, các ngành năng lượng và khoáng sản cũng ghi dấu những thất bại của các tỷ phú năm nay. Có thể kể tên ông trùm năng lượng gió Tulsi Tanti ở Ấn Độ đã mất 2,6 tỷ USD (trong tổng số 3 tỷ); hai chủ nhân hãng sản xuất khí ga Chesapeake Energy (Mỹ) là Aubrey McClendon và Tom Ward mất gần 2 tỷ mỗi người (trong tổng số 2,8 tỷ mỗi người trước đó); nhà kinh doanh đường ống dẫn dầu Dmitry Pumpyansky mất 5.1 tỷ USD (trong tổng số 6 tỷ).

Chỉ duy nhất tỷ phú Bill Gates, người đã mất 18 tỷ, đã lấy lại được vị trí người giàu nhất thế giới trong năm nay. Nhà đầu tư tài chính lừng danh Warren Buffett, người giàu nhất thế giới năm 2008, mất 25 tỷ USD trị giá cổ phiếu trong năm qua, nhưng vẫn giữ được ở vị trí thứ ba. Nhà tài phiệt ngành viễn thông Mexico Slim Helú cũng sụt giảm 25 tỷ USD và rớt xuống vị trí người giàu thứ ba thế giới từ vị trí thứ hai năm 2008. Người đánh mất nhiều tiền nhất trong năm qua là nhà tỷ phú Ấn Độ Anil Ambani- ông này mất 32 tỷ USD, tương đương 76% trị giá tài sản của mình trong năm qua sau khi giá trị cổ phiếu của công ty ông ta sụp đổ.

Trong 373 tỷ phú biến mất năm nay, người ta ghi nhận sự mất tích của những tỷ phú đến từ các nước đang phát triển. Họ kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tập trung trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế như tài chính - ngân hàng, bất động sản, năng lượng và khoáng sản… Những ngành này thường phát triển bùng nổ trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, nhưng cũng sẽ dễ tụt dốc không phanh khi kinh tế suy thoái. Trong đó, ngành tài chính là ngành chịu giảm sút mạnh nhất khi 53 tỷ phú tài chính năm 2008 bị biến mất trong danh sách năm 2009.

Nếu như trong năm 2008, các tỷ phú đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đóng góp mạnh mẽ cho danh sách tỷ phú thế giới thì năm 2009, khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho các tỷ phú tại những nước này. Tại Ấn Độ, 29 tỷ phú “biến mất” khỏi danh sách tỷ phú 2009 cùng với việc thị trường chứng khoán nước này giảm 44% giá trị và đồng rupee của Ấn Độ mất 18% giá trị so với đồng USD Mỹ.

Nếu như năm trước, Nga là quốc gia có số tỷ phú gia tăng mạnh nhất nhờ cơn sốt giá tài nguyên thì năm nay, sự sụt giảm giá cả nguyên liệu trên toàn cầu do suy thoái kinh tế kéo theo việc nhiều tỷ phú Nga rớt đài. 55 tỷ phú năm 2008 ở Nga - tương đương với hai phần ba số tỷ phú của nước này - bị rớt khỏi danh sách tỷ phú toàn cầu. Nếu như năm ngoài, Moscow vượt qua New York như là thành phố có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới với 74 tỷ phú so với 71 tỷ phú ở New York thì năm nay chỉ có 27 tỷ phú ở Moscow trong khi có 55 tỷ phú ở New York.

Danh sách tỷ phú năm nay ghi nhận sự trở lại vị trí dẫn đầu của các tỷ phú Mỹ. Có tới 45% tỷ phú năm nay là người Mỹ, cao hơn 3% so với năm trước. Nhưng mặt khác, nước Mỹ cũng lại dẫn đầu thế giới về số lượng tỷ phú biến mất, với 110 người. Những người làm trong các ngành tài chính, ngân hàng bị thiệt hại nặng nề nhất. Cựu chủ tịch tập đoàn AIG Maurice Greenberg mất gần như toàn bộ 1,9 tỷ USD tài sản của mình khi tập đoàn AIG phải nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ. Hiện nay tài sản của ông Greenberg được ước tính chỉ còn chưa đến 100 triệu USD.

Cùng rớt khỏi danh sách tỷ phú với cựu chủ tịch AIG là cựu Chủ tịch tập đoàn Citigroup Sandy Weill. Ông này mất 600 triệu USD từ tổng tài sản 1,4 tỷ USD của mình khi cổ phiếu của Citigroup giảm 95% trong 12 tháng qua./.

 

(Theo TTVH&Đàn ông)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Khát vọng trở lại thời hoàng kim
  • Các tỷ phú đang rót tiền vào đâu?
  • Khủng hoảng, cựu CEO đi giao pizza
  • Cửa hàng trên đi văng
  • Steve Case và đế chế truyền thông khổng lồ
  • Robert Kuok - tỷ phú bí ẩn
  • Từ người chăn cừu trở thành ông chủ
  • Ai là người giàu nhất thế giới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com