MobiFone trình diễn ứng dụng di động tại Telecomp 2010. Ảnh: Thu Hiền. |
Chiếc điện thoại thông minh không còn là một mặt hàng công nghệ xa lạ ở Việt Nam đã khiến khái niệm kho ứng dụng di động trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với người sử dụng. Được xem như một mô hình kinh doanh mới, kho ứng dụng di động đã bắt đầu thu hút các nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại di động, nhà lập trình điện thoại di động độc lập vào thị trường này.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng các kho ứng dụng di động tại Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của sự phát triển, từng bước tạo lập nên một lượng khách hàng tiềm năng khi mà các yếu tố như Internet di động và số lượng người dùng điện thoại thông minh đang tăng lên nhanh chóng. Đây chính là những yếu tố giúp thị trường mở rộng cửa.
Các hãng điện thoại di động nước ngoài như Nokia, Samsung và RIM cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi họ lần lượt công bố tìm đối tác xây dựng kho ứng dụng cho người Việt.
Cánh cửa thị trường đã mở
Mới đây, hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam dự báo mức sử dụng Internet di động ở Việt Nam đang tăng lên và sẽ tăng mạnh trong năm tới. Đây là dự báo dựa trên các số liệu thống kê ban đầu được trích từ bản “Báo cáo về người sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á” do Nielsen thực hiện, sẽ được công bố vào ngày 30-9 tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ hai trong năm người sử dụng ở Việt Nam (tương đương 41%) truy cập Internet bằng điện thoại di động, là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong tương lai thì Việt Nam là thị trường Internet di động có tiềm năng nhất trong khu vực, với 3/4 người tiêu dùng (75%) có ý định sử dụng Internet di động trong 12 tháng tới. Và hiện tại chỉ có 21% người tiêu dùng đang sở hữu một chiếc điện thoại di động có khả năng truy cập Internet, khá gần với tỷ lệ 46% người có ý định mua điện thoại thông minh trong năm sau.
Ông Darin Williams, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, nói rằng dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với các nước khác, nhưng những người yêu thích hàng công nghệ ở Việt Nam cũng đã sở hữu những mẫu điện thoại thông minh mới nhất hoặc cũng đang có kế hoạch mua trong tương lai gần. Đây chính là yếu tố cơ bản thúc đẩy ứng dụng di động phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm giải pháp di động TMA (TMA Mobile Solutions), cho biết TMA vốn là công ty gia công phần mềm nhưng đã bắt đầu tham gia lĩnh vực phát triển di động cách đây bảy năm khi họ viết các ứng dụng di động theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài và những năm gần đây, TMA Mobile Solutions đã quay về thị trường trong nước. Lý giải điều này, ông Phúc cho rằng số lượng người sử dụng điện thoại tại Việt Nam lớn và tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là ở các dòng điện thoại thông minh. Thêm vào đó, hai năm qua mạng 3G đã trở nên rất phổ biến. Đây là hai điều kiện rất tốt để thúc đẩy các ứng dụng trên điện thoại thông minh phát triển nhanh chóng. “Đến thời điểm này thị trường đã đủ lớn và chúng tôi quyết định tham gia đầu tư”, ông Phúc nói.
Cuộc đua bắt đầu
Khi cánh cửa thị trường đã mở thì cuộc đua giữa các nhà sản xuất điện thoại, nhà mạng và nhà lập trình di động độc lập trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Mstore là kho ứng dụng di động của Viettel được xem là một trong những dịch vụ tiên phong trên thị trường. Hiện, Mstore có 900 ứng dụng thuộc các nội dung văn phòng, giải trí, tiện ích, kết nối, khuyến mãi miễn phí… Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tiện ích với 35%, giải trí 33%, còn lại là các ứng dụng khác.
Cùng với Viettel, MobiFone cũng tung ra thị trường kho ứng dụng Mspace. Đây là cổng cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người sử dụng có thể tìm kiếm, lựa chọn những nội dung cơ bản như giải trí, văn phòng, giáo dục sức khỏe, kết nối bạn bè, tải các trò chơi... Giá cước dịch vụ của MobiFone thấp nhất là 3.000 đồng, ngang mức của Viettel.
Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động thì FPT chính là người đi tiên phong khi họ tung ra kho ứng dụng F-Store cho dòng điện thoại FPT F99 vào tháng 5-2010.
Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng Phòng quan hệ đối tác của Công ty TNHH Nội dung số FPT (FMA), đơn vị phụ trách việc phát triển F-Store, cho biết hiện F-Store có khoảng 150 ứng dụng, trong đó 140 ứng dụng là trò chơi, còn lại là các ứng dụng như tin tức, lịch âm dương…Trung bình mỗi ngày F-Store có 15.000 lượt tải về. Mục tiêu của FMA là từ nay đến cuối năm sẽ xây dựng 1.000 ứng dụng, chạy trên hệ điều hành Android.
Hiện, FPT đang hướng F-Store thành một kho ứng dụng chuyên giải trí nhiều hơn là cung cấp các tiện ích khi đầu quý 4 năm nay, F-Store sẽ cho ra phiên bản mới trong đó chiếm phần lớn là kho nhạc với 40.000 bài hát, 1.500 hình nền và 300 video giải trí, trong khi chỉ đưa thêm 14 ứng dụng mới.
Cùng với FPT, hồi tháng 5 năm nay, Công ty Viễn thông An Bình (đơn vị sở hữu thương hiệu Q-Mobile) đã bắt tay với Công ty cổ phần VTC Dịch vụ Di động để xây dựng kho ứng dụng Q-Store cho những chiếc điện thoại thông minh Q-Mobile.
Trong buổi công bố hợp tác với VTC, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc điều hành Công ty Viễn thông An Bình, nói rằng đây sẽ là bước tiến mang tính chiến lược của Q-Mobile khi khởi đầu từ một nhà cung cấp thiết bị đầu cuối, họ đang dần mở rộng kinh doanh trên lĩnh vực cung cấp giải pháp và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng di động.
Và những gương mặt mới như Công ty TNHH Phân phối CMC, đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại BlueFone, cũng bày tỏ tham vọng giành một thị phần không nhỏ trên thị trường khi mà BlueFone thừa hưởng kho ứng dụng Kiosk Store của CMC có giá trị đầu tư hơn 2 triệu đô la Mỹ.
Cuộc đua ứng dụng di động cũng thu hút nhiều hãng công nghệ nước ngoài lớn như Nokia, Samsung hay RIM... Tham gia thị trường này từ năm 2010, Nokia là hãng duy nhất đầu tư quảng bá cho kho tải Ovi Store của mình tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, phần mềm Việt Nam trên Ovi đạt mức 2 triệu lượt tải và Nokia cho hay Việt Nam đang nằm trong top những nước truy cập Ovi Store nhiều nhất thế giới. Trong khi đó Samsung giữa năm ngoái cũng mạnh dạn bắt tay các nhà lập trình trong nước để phát triển kho ứng dụng cho hệ điều hành Bada. Và mới đây nhất hãng RIM, hãng sản xuất điện thoại BlackBerry, đã hợp tác với TMA Mobile Solutions để phát triển các ứng dụng cho điện thoại BlackBerry tại Việt Nam. TMA Mobile Solutions là doanh nghiệp đang phát triển nhiều giải pháp di động cho doanh nghiệp trên nền tảng di động Android, Symbian, Windows Phone, RIM…
Thiếu vắng ứng dụng cho doanh nghiệp
Thị trường dịch vụ nội dung ứng dụng cho điện thoại di động đang là mảnh đất tiềm năng để khai phá. Tính cá nhân của loại hình dịch vụ này đang tạo ra động lực mạnh mẽ để các nhà cung cấp có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào các ứng dụng đang có thì thấy các ứng dụng giải trí như chơi game, tải nhạc, tải hình nền đơn điệu đang chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó các ứng dụng thiết thực, có tính ứng dụng cao thì chưa nhiều, đặc biệt là ứng dụng cho doanh nghiệp.
Một cuộc khảo sát gần đây của IBM với 2.000 chuyên gia công nghệ ở 87 quốc gia cho thấy việc phát triển ứng dụng doanh nghiệp cho các thiết bị như iPhone, điện thoại chạy hệ điều hành Android, máy tính bảng như iPad và BlackBerry PlayBook sẽ vượt qua tất cả các dạng phát triển phần mềm doanh nghiệp vào năm 2015. Trong khi đó, ứng dụng doanh nghiệp di động bán trên các kho ứng dụng trực tuyến được hãng Gartner xếp thứ 5 về doanh thu trong năm 2010, sau ứng dụng di động cho game, mua sắm, mạng xã hội và tiện ích.
Đó là xu hướng chung của thế giới, còn mảnh đất ứng dụng di động cho doanh nghiệp ở Việt Nam đang bị bỏ ngỏ.Ông Trần Phúc Hồng nhìn nhận rằng ứng dụng di động hiện nhắm đến hai đối tượng là người sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ứng dụng cho người sử dụng cá nhân đang chiếm số lượng áp đảo, trong khi ứng dụng cho khối doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Khi các nhà phát triển ứng dụng di động trong nước còn chưa mấy mặn mà với đối tượng doanh nghiệp thì hãng RIM đã nhanh chóng để mắt tới phân khúc thị trường này. Trong buổi công bố chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam hồi cuối tháng 7, ông Dany Bolduc, Phó chủ tịch của hãng RIM tại Việt Nam, nói rằng RIM tìm cơ hội hợp tác với các nhà lập trình di động địa phương để phát triển ứng dụng di động cho doanh nghiệp. Ông cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào xu hướng phát triển các dịch vụ ứng dụng cho điện thoại di động vì nhu cầu này là tất yếu và sẽ tăng cao trong giai đoạn tới. Những dịch vụ trên Internet phải phối hợp nhịp nhàng với dịch vụ trên điện thoại di động và chúng giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hữu hiệu hơn với chi phí hợp lý. Bởi theo ông Bolduc, chi phí ứng dụng di động cho doanh nghiệp không quá lớn, một doanh nghiệp vừa hay nhỏ cũng có thể sử dụng được.
Theo kinh nghiệm của RIM, các doanh nghiệp phát triển ứng dụng di động Việt Nam nếu có sản phẩm độc đáo cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường thế giới. Và trong tương lai, thị trường ứng dụng di động cho doanh nghiệp mới là mảnh đất màu mỡ đem lại giá trị gia tăng cao, thiết thực cho cộng đồng phát triển ứng dụng di động ở từng địa phương. Vấn đề còn lại là làm sao sáng tạo ra các ứng dụng chuyên sâu cho từng lĩnh vực và phù hợp với nhu cầu thực tế của từng mô hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com