Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi ngành phần mềm chuyển hướng

Misa là một trong những doanh nghiệp phần mềm đang chuyển đổi cách thức kinh doanh sản phẩm.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa), nhà tổ chức giải thưởng Sao Khuê, đã có một sự khởi sắc trở lại của dịch vụ gia công phần mềm so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp cũng đang có cuộc chuyển mình từ hoạt động thiên về bán sản phẩm lao động sang bán sản phẩm tri thức.

Là người tham gia công tác tổ chức giải thưởng Sao Khuê từ ngày đầu cho đến năm thứ 8 này, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó tổng thư ký Vinasa, nói rằng việc đánh giá các hồ sơ và thẩm định thực tế tại doanh nghiệp cho thấy các phần mềm tham gia giải thưởng có sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Điều này phần nào phản ánh được sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam trong 10 năm qua.

Ban tổ chức giải thưởng Sao Khuê cho biết, các doanh nghiệp gửi phần mềm tham gia tranh giải năm nay hầu hết đều kèm theo giấy chứng nhận bản quyền tác giả. Động thái này tuy không phải là điều mới mẻ nhưng cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề bản quyền phần mềm đã được nâng lên. Phương thức kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phần mềm ở doanh nghiệp cũng thay đổi, từ việc gia công theo đơn đặt hàng của các hãng công nghệ nước ngoài thì nay nhiều doanh nghiệp đã bán sản phẩm riêng của mình ra thị trường quốc tế dưới hình thức bán bản quyền sử dụng. Một số doanh nghiệp bên cạnh việc cung cấp dịch vụ trọn gói đang chuyển dần sang cho thuê dịch vụ trên môi trường điện toán đám mây. Việc đi theo những mô hình kinh doanh mới này giúp các doanh nghiệp phần mềm hướng tới mục tiêu bán chất xám chứ không đơn thuần là bán công sức lao động như lâu nay.

Những động thái mới

Tri thức là tài sản vô hình của các doanh nghiệp này, nó quyết định năng lực cạnh tranh và tiềm lực phát triển của doanh nghiệp, nhưng không thể được xem là tài sản thế chấp cho các khoản vay phục vụ mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp.

 

Từ cuối năm 2008, các doanh nghiệp gia công phần mềm ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu khi các đối tác nước ngoài liên tục cắt giảm chi phí, giảm bớt chi tiêu, ngưng hẳn hoặc đình lại các dự án đầu tư. Năm tiếp theo đó, tình hình lại càng tệ hơn khi thế giới chứng kiến nhiều vụ đóng cửa hoặc mua bán, sáp nhập của một số công ty công nghệ lớn. Đến năm 2010, tình hình khả quan hơn nhưng các doanh nghiệp phần mềm trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ghi nhận từ hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp cho giải thưởng năm nay, Vinasa cho biết mức tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng nhân sự cũng như doanh thu tuyệt đối từ dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp đều tốt.

Khác với những năm trước là các sản phẩm và dịch vụ tham gia giải Sao Khuê chủ yếu tập trung vào chuyên ngành kế toán, tài chính doanh nghiệp, quản lý khách hàng, quản lý nhân lực, năm nay các doanh nghiệp dự thi đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như y tế, giao thông vận tải, viễn thông, giải trí… Trong đó, phần mềm được bình chọn danh hiệu Sao Khuê 5 sao là AV Music Morpher Gold 5.0 của Công ty cổ phần Phần mềm Âm thanh và Hình ảnh (AVSoft). Phần mềm này ứng dụng công nghệ xử lý âm thanh tiên tiến cho phép người sử dụng có thể hòa âm một bản nhạc theo các phong cách khác nhau; sản phẩm cũng đã được bán bản quyền sử dụng ở thị trường nước ngoài.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Misa, công ty này đang thay đổi cách thức kinh doanh các sản phẩm phần mềm. Không chỉ bán các phần mềm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp khách hàng hoặc các gói dịch vụ sẵn có, Misa đang chuyển dần sang cho thuê dịch vụ phần mềm trên môi trường điện toán đám mây. Người sử dụng thay vì phải trả phí mua bản quyền phần mềm nay có thể chuyển sang trả phí thuê phần mềm. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Misa, cho biết đến nay đã có khoảng 1.000 khách hàng sử dụng dịch vụ thuê phần mềm kế toán. Mặc dù dịch vụ cho thuê phần mềm này mới chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu của công ty song sự chuyển hướng này giúp đem lại cho Misa nhiều khách hàng mới (khoảng 70% khách sử dụng dịch vụ thuê phần mềm là khách hàng mới).

Misa đang định hướng tới năm 2015 sẽ cung cấp toàn bộ phần mềm dưới dạng dịch vụ (software as a service). Hiện có 25.000 đơn vị hành chính sự nghiệp và 100.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm của Misa. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu bán phần mềm quản trị nguồn nhân lực và phần mềm quan hệ khách hàng ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang đưa ra những giải pháp công nghệ được thực hiện theo đơn đặt hàng của nhà ứng dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận hành thành công hệ thống thu thập thông tin giám sát và phần mềm quản lý hồ chứa nước do Viettel xây dựng tại trạm Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trong tháng 8 này, các hệ thống tương tự sẽ được lắp đặt tại 10 hồ ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế và Gia Lai. Dự án này nhằm thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về việc lắp đặt hệ thống giám sát điều hành tự động ở tất cả các hồ chứa nước. Sự chỉ đạo này là một trong những động thái cấp bách nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh những tác động của sự biến đổi khí hậu, thiên tai ngày một khắc nghiệt hơn ở Việt Nam.

Vẫn còn khó khăn trong ngắn hạn

Việc đi theo những mô hình kinh doanh mới này giúp các doanh nghiệp phần mềm hướng tới mục tiêu bán chất xám chứ không đơn thuần là bán công sức lao động như lâu nay.

Khi nhận xét về AV Music Morpher Gold 5.0, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, nói rằng phần mềm này đã tích hợp được những ưu thế của cả lĩnh vực toán học và tin học. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc AVSoft, cho biết phần mềm âm thanh của công ty hiện được bán với giá gần 100 đô la Mỹ và lượng khách hàng đăng ký mua bản quyền sử dụng nhiều nhất là ở Mỹ và Nhật Bản. Đối với phiên bản tải (download) sử dụng thử trên mạng, phần mềm này đã vượt 10 triệu lượt tải với người sử dụng phần lớn là ở châu Âu và Brazil.

Ông Hoàng cũng cho biết thị trường chính của AVSoft là ở nước ngoài và trong thời gian ban đầu, công ty đã gặp không ít khó khăn trong quá trình bán hàng qua mạng. Do người sử dụng ở nước ngoài còn lạ lẫm khi sử dụng các cổng thanh toán có địa chỉ IP xuất phát từ Việt Nam nên AVSoft đã phải sử dụng IP đăng ký ở một quốc gia khác – nơi công ty có người đại diện.

Trong khi đó, khó khăn của Công ty An ninh mạng BKAV trong việc đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài là việc xây dựng thương hiệu và niềm tin nơi người sử dụng ở những thị trường mới.

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng của BKAV, cho biết mặc dù đã lên kế hoạch từ năm ngoái nhưng đến tháng 8 năm nay phần mềm diệt virus của công ty mới chính thức xuất ngoại. Trong thời gian qua, công ty tập trung cho khâu thăm dò và ghi nhận sự phản hồi của khách hàng nước ngoài thông qua việc bán sản phẩm trực tuyến trên trang web tiếng Anh của mình. Công ty vừa cho ra mắt phiên bản BKAV SE, thay cho phiên bản Home đã được cung cấp miễn phí 16 năm nay. Phiên bản mới này sẽ được cung cấp miễn phí ở thị trường nước ngoài như một cách làm quen với cộng đồng người sử dụng Internet quốc tế, trước khi có phiên bản thu phí. Song song đó, công ty đưa phần mềm đi kiểm định tại các tổ chức quốc tế để tạo niềm tin cho khách hàng. Ngoài việc tập trung vào thị trường Mỹ, BKAV cũng đẩy mạnh khâu tiếp thị ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Bangladesh, Ba Lan và một số quốc gia Đông Âu.

Ngoài những khó khăn về xây dựng thương hiệu, phương thức giao dịch và thanh toán với khách hàng nước ngoài, các doanh nghiệp phần mềm trong nước đang gặp phải khó khăn chung liên quan đến thủ tục vay vốn. Đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế khác có hàng hóa và dịch vụ cụ thể, có chi phí đầu vào và doanh thu đầu ra chi tiết thì việc thực hiện các quy trình vay vốn từ ngân hàng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ đơn giản hơn vì doanh nghiệp có thể chứng minh được hiệu quả của đồng vốn và khả năng trả nợ. Còn đối với các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT – vốn là nhà kinh doanh chất xám được xem vừa là đầu vào cũng vừa là đầu ra – thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ở các ngân hàng, các định chế tài chính sẽ gặp nhiều khúc mắc. Tri thức là tài sản vô hình của các doanh nghiệp này, nó quyết định năng lực cạnh tranh và tiềm lực phát triển của doanh nghiệp, nhưng không thể được xem là tài sản thế chấp cho các khoản vay phục vụ mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Chạy đua xây dựng kho ứng dụng di động
  • Bằng sáng chế: Tấm khiên và thanh kiếm
  • DN đóng tàu Hải Phòng... khởi sắc !
  • Các tập đoàn thua lỗ, do đâu?
  • Vì sao Google quyết mua Motorola Mobility?
  • Tỷ phú Buffett “vỡ mộng” vì đầu tư vào hãng xe Trung Quốc
  • Coca-Cola đầu tư thêm bốn tỉ đô la Mỹ vào Trung Quốc
  • Xoay sở trong mùa thấp điểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com