Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành vận tải biển: Không có lãi nếu không... bán tàu

Mặc dù doanh thu của nhiều doanh nghiệp vận tải biển tăng so cùng kỳ năm ngoái, nhưng các chi phí như nhiên liệu, lãi vay, tỷ giá… khiến lợi nhuận giảm. Vì thế hiếm có doanh nghiệp nào có lãi nếu không... bán tàu.

Theo thống kê, vận tải biển chiếm khoảng 80% lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung bình mỗi năm ước tính chi phí cho giao nhận kho vận của Việt Nam vào khoảng 8 – 11 tỷ USD, trong đó vận tải biển chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên hiện nay đội tàu trong nước chỉ chiếm 20% thị phần, các hãng tàu nước ngoài chiếm 80% còn lại.

Cho đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều rơi vào tình trạng lỗ, thậm chí phá sản. Ngay cả ông lớn trong ngành này như tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng không ngoại lệ. Sau 15 năm hoạt động, lần đầu tiên đơn vị này lỗ tới 660 tỷ đồng (nếu tách riêng các đơn vị chuyển giao từ Vinashin thì vẫn lỗ 503 tỉ đồng), mặc dù tổng doanh thu sáu tháng đầu năm đạt 10.405 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch.

Trong BCTC của CTCP Vận tải và thuê tàu (VFR) cho thấy, quý 2 doanh nghiệp này đạt 85 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính lại âm hơn 28 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Container phía Nam (VSG) đặt mục tiêu lỗ 31,5 tỷ đồng trong năm nay sau khi lỗ 40,6 tỉ đồng trong năm 2010. Doanh thu của VSG trong quý 2 đạt hơn 27,4 tỉ đồng, tăng hơn 7 tỉ đồng so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, VSG lỗ sau thuế 16,3 tỉ đồng, luỹ kế sáu tháng đầu năm, VSG lỗ 20,1 tỷ đồng. Hiện, vốn điều lệ của VSG là 110,4 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 44,2 tỉ đồng.

Đối với CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), quý 2 lợi nhuận gộp đạt 97 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính 82 tỷ (lãi vay gần 50 tỷ đồng) và các chi phí khác chiếm 36 tỷ đồng, nên lỗ 21 tỷ đồng. Thậm chí, CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) tình hình cũng không khá hơn khi mà doanh thu trong lĩnh vực vận tải biển của doanh nghiệp này không có. MHC đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang lĩnh vực khác (sau khoản lỗ 62 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2010), nhưng vẫn phát sinh khoản lỗ hơn 1,1 tỷ đồng trong quý 2 năm nay, do chi phí phát sinh từ lãi vay, quản lý...

Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có mức vốn điều lệ thấp, hoạt động chủ yếu là vận chuyển hàng thô, hàng rời và xuất khẩu thuyền viên (chiếm trên 70% doanh thu), trong khi nợ phải trả rất lớn (thường chiếm trên 80% vốn điều lệ) nên chi phí lãi vay qua các năm cao. Điều đó dẫn tới lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp vận tải biển thường thấp.

Trước tình hình khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, lỗ nhiều năm liên tiếp, hầu hết cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển đều bị đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này hiện chỉ nằm ở mức 2.000 – 4.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù báo cáo từ các doanh nghiệp vận tải biển cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính đều âm, song đa số đều thoát lỗ vào giờ chót nhờ vào việc bán tàu. Trong đó, VOS đã thanh lý tàu Vĩnh Long với khoản lời 21,3 tỉ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế gần 850 triệu đồng trong quý 2 năm nay.

Tương tự, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của VFR trong quý 2 âm hơn 28 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp này lại có khoản lợi nhuận khác hơn 160,6 tỉ đồng trong đó thu được từ việc thanh lý tàu. Từ bị lỗ thuần gần 41,5 tỷ đồng, công ty lãi hơn 79 tỷ đồng sau thuế trong quý 2. Luỹ kế sáu tháng đầu năm 2011, VFR đạt gần 82 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp chín lần cùng kỳ.

Đối với MHC, hiện công ty này đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ vận tải biển sang bất động sản và đầu tư tài chính. Đội tàu của MHC đã được thanh lý hết từ quý 1 năm nay để trang trải nợ nần. MHC dự kiến thu được từ việc khai thác cảng Hải An với 31% vốn điều lệ và khai thác toà nhà Hải An (trụ sở của MHC), chứ không phải hoạt động kinh doanh chính.

Nguyên nhân của việc kinh doanh lỗ lã đối với các doanh nghiệp vận tải biển được các chuyên gia xác định là do rủi ro về tỷ giá quá lớn, cộng với lãi vay ngân hàng leo thang và giá nhiên liệu liên tục biến động theo chiều hướng tăng.

 
Trong khi đó, cước vận tải biển không tăng mà lại giảm. Lượng hàng thì giảm do kinh doanh khó khăn. Ngoài ra, vấn đề năng lực vận tải của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, đội tàu già cũ, lạc hậu, trọng tải nhỏ và thiếu tàu chuyên dụng, cũng khiến nhiều hợp đồng bị doanh nghiệp nước ngoài giành mất.
 
(Nguồn SGTT)

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Thời đại số: tương lai quyền lực là sự thông minh
  • Khi ngành phần mềm chuyển hướng
  • Chạy đua xây dựng kho ứng dụng di động
  • Bằng sáng chế: Tấm khiên và thanh kiếm
  • DN đóng tàu Hải Phòng... khởi sắc !
  • Các tập đoàn thua lỗ, do đâu?
  • Vì sao Google quyết mua Motorola Mobility?
  • Tỷ phú Buffett “vỡ mộng” vì đầu tư vào hãng xe Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com