Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỹ năng thương lượng (38): Khi tất cả mọi biện pháp khác đều thất bại

 Trong một số trường hợp, không sự huấn luyện, đào tạo, phản hồi, hay thúc đẩy nào có thể cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên lên mức chấp nhận được. Khi ấy, sa thải sẽ là phương án hành động khả thi duy nhất và là một trong những nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ nhà quản lý nào.


Việc sa thải không chỉ đem lại cảm giác khó chịu về mặt tình cảm mà đôi khi, nếu giải quyết kém, nó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của công ty và dẫn đến các cuộc kiện tụng. Chúng cũng có thể hủy hoại niềm tin trong khắp tổ chức. Đồng nghiệp, khách hàng và những người ủng hộ nhân viên bị sa thải có thể cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên việc sa thải sẽ đem lại sự dễ chịu, bớt căng thẳng cho những người phải thường xuyên chịu đựng những tác động tiêu cực của những người có năng lực thực hiện kém.


Nguyên nhân sa thải


Trừ trường hợp bất khả kháng buộc nhân viên phải nghỉ việc hàng loạt như công ty phá sản hay ngừng sản xuất, việc sa thải một nhân viên nên xuất phát từ những vấn đề liên quan đến hiệu suất làm việc hay hành vi của nhân viên đó, chẳng hạn như hậu quả của hành vi khó hiểu không còn hy vọng cứu vãn hoặc nhân viên vi phạm nội quy hoặc chính sách của công ty (trộm cắp, quấy rối tình dục, tiết lộ thông tin bí mật làm ảnh hưởng đến công ty,…).


Trước khi quyết định sa thải một nhân viên, nhà quản lý cần nắm vững các quy định pháp luật, chính sách của công ty và các tổ chức công đoàn… Những vấn đề này tương đối phức tạp và khác nhau theo từng quốc gia. Trong một số trường hợp, bạn cần phải được tư vấn bởi các chuyên gia về luật doanh nghiệp để tránh tình trạng kiện tụng do xử lý kém việc sa thải.


Hầu hết các nhà quản lý đều cảm thấy lúng túng hoặc không chắc chắn về quyết định sa thải nhân viên cũng như cách thực hiện một vụ sa thải. Khi phải đối mặt với tình huống này, các nhà quản lý thường tự vấn bản thân những câu hỏi sau:


* Thời điểm thích hợp để sa thải một nhân viên?


* Bằng cách nào và khi nào tôi nên thông báo sự việc cho nhân viên bị sa thải?


* Tôi phải giải quyết việc sa thải như thế nào để tuân theo đúng pháp lý và chính sách của công ty?


* Làm thế nào tôi có thể duy trì được tinh thần làm việc và sự tin tưởng ở các thành viên còn lại trong nhóm - những
người có thể thắc mắc về quyết định sa thải hoặc có thể là bạn bè của người bị sa thải?


* Làm thế nào để tổ chức lại vai trò công việc của phòng ban hay của nhóm sau khi nhân viên đó ra đi?


Những vấn đề pháp lý


Những nguyên nhân nào là hợp lý và vững chắc để nhà quản lý đưa ra quyết định sa thải nhân viên? Thông thường, việc sa thải hầu như luôn bắt nguồn từ những nguyên nhân rất dễ nhận biết và được mọi người công nhận. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, tình huống khá mơ hồ đòi hỏi sự xem xét cẩn thận. Theo luật pháp của nhiều nước thì việc sa thải luôn là điều chính đáng khi nhân viên vi phạm một trong những trường hợp sau đây:


* Sở hữu vũ khí trái phép nơi làm việc


* Vi phạm trắng trợn những quy định quan trọng nhất của công ty, như tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh


* Không trung thực về các vấn đề quan trọng như tài chính, ngân sách,…


* Gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của đồng nghiệp


* Quấy rối tình dục đồng nghiệp hoặc đe dọa người khác theo cách cản trở công việc của họ


* Dính líu vào các hoạt động vi phạm pháp luật


* Dùng rượu hoặc ma túy nơi làm việc


* Tổ chức hay tham gia cờ bạc khi đang làm việc


Luật pháp của mỗi quốc gia khác nhau, vì thế các nhà quản lý hãy tham khảo chuyên gia tư vấn pháp lý để đảm bảo hiểu được các quy định áp dụng riêng cho tình huống của mình. Ở nhiều quốc gia, nhân viên có thể bị sa thải nếu liên tục để những sai sót sau xảy ra mà không chịu điều chỉnh hay sửa chữa khi được nhắc nhở:


* Thực hiện công việc kém


* Không tuân theo đúng chỉ dẫn


* Liên tục có thái độ phá hoại hay tiêu cực


* Lạm dụng nghỉ bệnh hay các đặc quyền khác


* Thường xuyên đến trễ hoặc vắng mặt


Bất kể lý do sa thải của bạn là gì, điều quan trọng là bạn phải có một hồ sơ ghi chép và lưu lại quá trình làm việc của nhân viên, những hành vi kém hiệu quả, những sai phạm,… và các bước điều chỉnh mà bạn đã thực hiện. Việc ghi chép và lưu lại thông tin này có thể trở nên vô giá trong trường hợp nhân viên tuyên bố là công ty không có lý do chính đáng khi sa thải. Vì vậy, hãy nhớ ghi chép lại các buổi huấn luyện hay tư vấn, cũng như những buổi đánh giá chính thức hay tự phát. Với những nhân viên có hiệu suất làm việc kém, những bằng chứng bằng giấy tờ sẽ có ý nghĩa quan trọng nếu tình hình xấu đến mức buộc phải sa thải.


Sa thải nhân viên là hành động mà bạn nên thực hiện cẩn trọng với sự hỗ trợ của chuyên gia nguồn nhân lực hay tư vấn pháp lý. Hãy tham khảo phụ lục B để hiểu thêm về cách thông báo việc sa thải cho nhân viên, thực hiện cuộc họp sa thải và theo dõi sau khi sa thải.


Nguồn: Kỹ năng thương lượng  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Bài thuộc chuyên đề: Kỹ năng thương lượng - Bí quyết thành công

  • Đàm phán: Sai lầm thường gặp
  • Các yếu tố giúp đột phá trong thương thuyết
  • Đàm phán và "mẹo" thiết lập ý tưởng khả thi
  • Đàm phán theo phương pháp thám tử
  • Đàm phán 3D: Cuộc chơi đa chiều (Phần I)
  • Kỹ năng thương lượng (39): Tiếp tục thực hiện công việc
  • Kỹ năng thương lượng (40): Vai trò của nhà lãnh đạo
  • Kỹ năng thương lượng (41): Xử lý một trường hợp sa thải
  • Kỹ năng thương lượng (42): Những gì không nên nói trong cuộc họp sa thải
  • Xây dựng không khí đàm phán
  • Ứng xử với đối tác - các tình huống khó xử
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com