Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khác biệt văn hóa Việt Nam và Pháp

Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, du học ở Pháp và sau đó ở lại làm việc cũng đã được một thời gian. Có điều kiện cọ xát, tôi đã quan sát được một số điểm khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Pháp.

Đầu tiên là trong việc giáo dục con cái. Nếu ở Việt Nam đó là truyền thống bảo bọc, lo lắng và có chút gì đấy áp đặt, “định hướng” đối với con cái thì ở Pháp giáo dục lại đề cao tính độc lập và tôn trọng quyền tự do cá nhân.

Ở Việt Nam khi con cái chưa lập gia đình thì vẫn cứ ở cùng bố mẹ, dù cho đến bao nhiêu tuổi, thậm chí đã lập gia đình vẫn ở cùng bố mẹ; trong khi ở Pháp thanh niên cứ đến 18 tuổi là ra riêng, tự quyết định mọi việc của bản thân, không khiến bố mẹ lo nữa (nhưng giúp đỡ tài chính cho việc học thì vẫn cứ nhận).

Trong quan hệ gia đình, khác với ở Việt Nam rất tôn trọng tôn ti trật tự, trong các gia đình Pháp, ai cũng có quyền phát biểu ý kiến như nhau, từ ông bố năm mươi cho đến đứa con sáu tuổi, thậm chí cả quyền biểu quyết cũng như nhau.

Trong đối xử với trẻ em, ở Việt Nam thì các hình phạt trẻ con như đánh đòn, bắt quỳ gối, cho nhịn cơm... khá phổ biến, còn ở Pháp thì vì bị cấm mọi hình thức xâm phạm thân thể nên cha mẹ chỉ phạt con cái bằng cách không cho xem ti vi hay chơi một trò chơi nào đó...

Trẻ con ở Việt Nam thì thường được đưa vào khuôn phép, đi nhà trẻ thì ăn cùng lúc, ngủ cùng giờ với các bạn, lớn hơn thì đi học phải mặc đồng phục giống nhau, thậm chí bao tập, nhãn tên cũng phải đồng bộ; trong khi đó, trẻ con Pháp được thoải mái hơn trong chuyện ăn mặc và khi đi nhà trẻ, nếu có đồng hồ sinh học khác với các bạn thì cũng được tôn trọng, không bị xem là thành phần cá biệt và cần rèn vào khuôn khổ cho giống mọi người.

Trong quan hệ tình cảm đôi lứa, thanh niên Việt Nam chọn bạn trăm năm không chỉ cho bản thân mà còn vì gia đình, còn ở Pháp thì chàng trai thường đưa bạn gái về nhà chơi (hay ngược lại) với ý nghĩ: “Mình về thăm, nếu gia đình vui vẻ thì ở lại, còn nếu em (anh) không thích thì đi ngay”. Điều này là vì họ không sống chung với gia đình, một năm vài lần gặp mặt nhau nhân những dịp lễ lớn, nên họ chọn người yêu là chỉ cho bản thân với lý luận rằng họ mới là người sống chung với người yêu chứ không phải gia đình.

Ngoài ra, thanh niên Pháp cũng thường sống chung với nhau khá lâu trước khi đi đến hôn nhân, thậm chí nhiều cặp có con với nhau rồi cũng không muốn kết hôn chính thức. Lý luận của họ là vì muốn tình yêu giữ họ ở lại với nhau chứ không phải tờ giấy hôn thú với các ràng buộc trách nhiệm.

Cuối cùng là chuyện liên quan đến các đặc quyền gắn với tuổi tác, thu nhập. Ở Việt Nam hầu như không thấy rõ sự khác biệt về đối xử giữa các độ tuổi, mức độ giàu - nghèo khi sử dụng các dịch vụ công, trừ một ít dịch vụ giảm giá cho sinh viên hay y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ở Pháp thì người già (trên 60 tuổi) và trẻ (dưới 25 tuổi), người rất giàu hoặc nghèo đều khá sướng. Đi đâu, làm gì, người già và trẻ em cũng được miễn phí hoặc giảm giá một nửa. Người giàu thì chắc chắn ở đâu cũng sung sướng, nhưng ở Pháp thì phải rất giàu mới có thể không cảm thấy đau lòng vì tài sản bị hao hụt đi nhiều do đóng thuế. Trong khi đó, ở Pháp người nghèo cũng rất sướng vì được hưởng sự trợ giúp khá nhiều từ chính phủ, được miễn phí khi đi lại trong thành phố, hoặc khi sử dụng các dịch vụ công. Ngoài ra họ có thể có được các thẻ khám chữa bệnh miễn phí mà các bác sĩ bắt buộc phải nhận và chạy chữa cho họ.

Nhìn chung các chính sách xã hội ở Pháp khá nhân đạo. Tuy nhiên những chính sách như vậy cũng dễ bị lợi dụng hay tạo ra sự ỷ lại nếu không được kiểm soát kỹ. Chính vì thế trong những năm gần đây Pháp đã ban hành nhiều chính sách mới, siết chặt hơn các điều kiện để được hưởng trợ cấp, tăng cường kiểm tra và có chính sách hợp lý khuyến khích những người hưởng trợ cấp tìm kiếm việc làm, ví dụ không cắt trợ cấp nếu họ chỉ tìm được việc làm bán thời gian và lương nhận được thấp hơn tiền trợ cấp.

(Theo Đặng Thảo (Paris) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 8 cách giải tỏa bế tắc trong công việc
  • 10 cách để trở thành người lạc quan hơn
  • 3 cách để giao tiếp thuyết phục hơn
  • Người lãnh đạo có cần phải biết nhận lỗi? (Phần 1)
  • Bảy lỗi giao tiếp phổ biến của các nhà quản lý
  • 10 nguyên tắc lớn cho cuộc nói chuyện nhỏ (2)
  • 10 nguyên tắc lớn cho cuộc nói chuyện nhỏ (1)
  • Tiếp xúc với người Ả Rập
  • Càng có ngoại hình đẹp càng dễ xin việc
  • Những “tuyệt chiêu” gây ấn tượng với sếp
  • Tiếp xúc với người Hungari
  • Tiếp xúc với người Séc
  • 7 cách "chơi xỏ" đồng nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com