LTS: Quyết định số 10-2007/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế quốc dân được ban hành ngày 23-1-2007 để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, khi hệ thống này được sử dụng để xác định ngành nghề kinh doanh để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phát sinh những khó khăn cho cả cơ quan cấp giấy lẫn chủ doanh nghiệp.
TBKTSG số 34-2009 (13-8-2009) đã đăng hai bài “Những hệ lụy từ việc chi tiết hóa” và bài "Phân loại nên theo chuẩn mực nhất định của thế giới" để phản ánh những khó khăn này. Tuần này, TBKTSG giới thiệu ý kiến cũng về vấn đề này của TS. Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia thống kê của Liên hiệp quốc.
Ngành kinh tế là dịch từ cụm từ economic activity (hoạt động kinh tế), và hệ thống ngành là hệ thống xếp loại các hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, thí dụ nuôi bò (hoạt động chăn nuôi bò) là để tạo ra “sản phẩm” con bò với trọng lượng ngày càng lớn và khỏe mạnh hơn.
Bò khi được dùng vào các hoạt động khác sẽ tạo ra các sản phẩm khác. Bò có thể giết thịt (hoạt động chế biến thịt) và thường tạo ra hai sản phẩm là thịt (để làm thức ăn), lấy da (để thuộc da làm giày, làm túi, áo da...). Bò cũng có thể dùng (lúc đó coi là tài sản cố định) để thực hiện các hoạt động như kéo xe (chuyên chở), kéo cày (hoạt động trồng trọt).
Thường thì ta lấy sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) chính mà hoạt động tạo ra để đặt tên cho hoạt động, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng thế. Thí dụ hoạt động sản xuất chương trình truyền hình (như ở nhiều nước kinh tế thị trường) là tạo ra sản phẩm quảng cáo, bởi vì doanh thu của hoạt động truyền hình là từ tiền quảng cáo.
Hoạt động xuất bản báo chí ngoài bán báo (sản phẩm thông tin) cũng bán dịch vụ quảng cáo. Hay hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế thì bao gồm những hoạt động của người làm kế toán, kiểm toán, tư vấn về những vấn đề này và tư vấn về thuế (khi liên quan đến làm kế toán để khai báo thuế). Còn nếu liên quan đến tư vấn của luật sư (dù là có liên quan đến thuế) thì là hoạt động tư vấn luật pháp.
Phân loại hàng hóa và dịch vụ thì khác hẳn phân loại hoạt động kinh tế và thường thì rất chi tiết và cụ thể hơn nhiều so với phân loại ngành (hoạt động) kinh tế quốc dân. Hai hệ thống phân loại sản phẩm quốc tế cơ bản hiện nay là Central Product Classification của Liên hiệp quốc về tất cả mọi sản phẩm được sản xuất ra.
Mỗi nước, mỗi tổ chức khu vực lại dựa vào đây để phân loại sản phẩm cho phù hợp với nền kinh tế của mình để theo dõi phân tích sản xuất và cả ngoại thương giữa các nước.
Tuy vậy, về ngoại thương lại có hệ thống phân loại riêng là Harmonized Commodity Classification and Coding (gọi tắt là HS của Tổ chức Hải quan thế giới) rất chi tiết về các loại hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu, giúp phân biệt hàng dùng trong sản xuất và hàng tiêu dùng, với mục đích đánh thuế nhập khẩu. Nếu chỉ dùng để phân tích kinh tế thì HS được gộp lại thành Standard International Trade Classification - phân loại thương mại quốc tế chuẩn (SITC của Liên hiệp quốc).
Nói một cách đơn giản là tất cả các hệ thống phân loại đều phức tạp và người sử dụng đều phải được huấn luyện kỹ lưỡng về việc xếp loại, các ý niệm cơ bản được sử dụng để xếp loại và rồi sau đó hướng dẫn những người sử dụng làm đúng.
Tổ chức Liên hiệp quốc cũng thường xuyên huấn luyện các nước về nghiệp vụ phân loại sản phẩm và phân ngành hoạt động này.Không thể giao cho một nhân viên (kể cả những người học trong ngành kinh tế) thực hiện một cái bảng phân loại mà họ có thể tự động làm được. Hình như có hai vấn đề bất cập ở Việt Nam.
Vấn đề thứ nhất là người thực hiện phân loại không được hướng dẫn và không có nghiệp vụ. Vấn đề thứ hai là gắn việc phân loại với quyền cho phép hay từ chối đăng ký. Vấn đề đăng ký đâu có liên quan đến phân loại. Người đăng ký làm nhiệm vụ đăng ký là xong việc về mặt pháp lý.
Cấp và kiểm tra chứng chỉ hành nghề trong một số hoạt động chuyên môn như bác sĩ, làm kế toán, thợ điện... là chuyện mà người hành nghề phải chứng minh với khách hàng và chính quyền. Như thế công việc của người phân loại đòi hỏi phải có nghiệp vụ thống kê để xếp loại cho đúng và nếu cần thì phải làm việc với người đăng ký để có đủ thông tin mà xếp loại.
Việc phân loại đúng rất có lợi cho việc làm thống kê về các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế, và nối kết các thông tin khác vào từng hoạt động. Tuy vậy, không có phân loại nào có thể bao gồm đầy đủ mọi hoạt động ở mức rất chi tiết.
Khi mà một hoạt động nào đó còn có tầm ảnh hưởng rất nhỏ đến nền kinh tế thì những hoạt động đó được xếp nằm ở một mã ngành “khác” nhưng ở vào một tổ phù hợp. Nhưng khi hoạt động đó trở nên quan trọng trong nền kinh tế thì phải mã hóa chúng rõ ràng để phân tích.
(Theo Vũ Quang Việt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com