Minh họa: Khều. |
Khi Việt Nam chuyển hướng vào nền kinh tế tri thức cũng đồng nghĩa với việc hình thành bốn trụ cột: lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng, hệ thống sáng tạo hiệu quả, cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, hệ thống thể chế và kinh tế được cập nhật (theo Viện Ngân hàng Thế giới – WBI). Khi đó, vai trò của các giám đốc thông tin (CIO) càng cần được khẳng định, bởi chính họ là một trong những đội ngũ tiên phong cho kinh tế mới của thời đại này.
Có hai cách định nghĩa về nền kinh tế tri thức. Thứ nhất, đó là nền kinh tế của các tri thức hay còn gọi là nền quản trị tri thức, theo đó những sự hiểu biết hay công nghệ kết tinh từ quá trình đầu tư và lao động trở thành những sản phẩm cụ thể, những mặt hàng có thể trao đổi, buôn bán, sang nhượng hay góp vốn trong các thị trường. Thứ hai, đó là nền kinh tế dựa trên tri thức. Ở đây sự hiểu biết trở thành công cụ, một thứ nhà máy vô hình để sản xuất ra các loại hàng hóa và tích thu lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sự hiểu biết (know-how) có vai trò rất quan trọng bởi có tính cạnh tranh cao nhờ vào khả năng phi vật thể hóa trước các sức ép thời đại gồm tài nguyên cạn kiệt, dân số gia tăng và khí hậu biến đổi. Định nghĩa thứ hai mỗi ngày mỗi được sử dụng nhiều hơn bởi chiều hướng chuyển đổi sang nền kinh tế mới là tất yếu và toàn cầu. Sự chuyển đổi này bắt đầu từ các nền kinh tế với hạ tầng gồm hai thành phần là tư bản vốn (capital) và sức lao động (labor) sang nền kinh tế được bổ sung hạ tầng thứ ba là hệ thống tri thức (knowledge) bao gồm các sự hiểu biết, công nghệ và kỹ năng. Điều kiện của thế giới và Việt Nam Có nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam đã có hay đã sẵn sàng cho tiến trình hội nhập kinh tế tri thức. Nếu xét theo định nghĩa thứ nhất thì chúng ta chưa có và rất khó có nền kinh tế tri thức bởi yếu kém về cả ba cơ sở hạ tầng. Nhưng xét theo định nghĩa thứ hai thì người Việt Nam với tư chất thông minh và sáng tạo đang thâm nhập nhanh chóng vào kinh tế tri thức và tạo ra lợi nhuận tăng thêm từ quá trình chuyển đổi đó. Trên thực tế sự chuyển mình từ nền kinh tế truyền thống với các dạng tài nguyên nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và đồng vốn sang nền kinh tế mới mà tri thức con người trở thành tài nguyên chủ đạo đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi ba động lực. Trước hết, đó là hiện tượng toàn cầu hóa, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong hai lĩnh vực giao thông (transportation) và liên lạc (communications) mà khoảng cách giữa người với người của các nền văn hóa và giữa quốc gia với quốc gia của các vùng địa lý nay được rút ngắn hơn bao giờ hết. Một nhu cầu xuất hiện hay một sản phẩm làm ra ở nơi này sẽ nhanh chóng có mặt ở nơi khác, tạo nên các luồng chu chuyển và cũng mặc nhiên hỗ trợ việc hợp lý hóa sự phân công lao động trên khắp thế giới. Kế tiếp, cường độ thông tin và khối lượng tri thức nay trở thành khổng lồ. Mỗi người đều có khả năng học hỏi kinh nghiệm từ những người khác và nhờ đó xây dựng kiến thức riêng cho mình hay cho doanh nghiệp mình. Đây quả là một quá trình giải phóng tri thức và thường được nhận diện như thời đại của sự bùng nổ thông tin. Cuối cùng, đó là sự kết nối thành mạng. Con người ngày nay đã thành công tuyệt vời trong việc kết nối với nhau thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đặc biệt qua mạng Internet, và nhờ đó thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa cũng như quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin để xây dựng nền tảng tri thức cùng các sáng tạo phục vụ con người, doanh nghiệp và xã hội. Nổi lên trong cả ba động lực thúc đẩy nền kinh tế tri thức là vai trò tiên phong của CNTT, không chỉ như những công cụ rời rạc gồm máy tính và đường truyền mà là một cơ cấu tổ chức ở các cấp độ để trở thành một thứ nhà máy vô hình xuyên thấu các hoạt động doanh nghiệp và cho ra các sản phẩm thông tin chính xác, có giá trị cao và phục vụ kịp thời kế hoạch sản xuất-kinh doanh. Theo kinh nghiệm ở nhiều nước và nhiều loại hình doanh nghiệp thì việc tái cơ cấu bắt nguồn từ quá trình tách lớp, hoặc từ các bộ phận quản trị (administrative) như hành chính tổng hợp và kế toán tài vụ, hoặc từ các cơ phận điều hành (directive) như kế hoạch hay kinh doanh. Trong trường hợp thứ nhất, người đứng đầu bộ phận là Trưởng CNTT (IT Head) hay Giám đốc CNTT (IT Director). Chức danh Giám đốc Thông tin hay CIO (Chief Information Officer) được công nhận lần đầu ở Mỹ vào năm 1995 là kết quả của trường hợp tách lớp thứ hai. Theo đó, CIO là thành viên của Ban điều hành (Directive Panel) giữ hai chức năng, vừa là người quản lý bộ phận CNTT bên trong doanh nghiệp, vừa là người khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau để đề ra các chiến lược có tính cạnh tranh cao. Vai trò của CIO trong việc phát triển doanh nghiệp Khác với vai trò Giám đốc Công nghệ Thông tin, tài năng và bản lĩnh là hai yêu cầu chính cho chức danh giám đốc thông tin bên cạnh sự am hiểu để vận hành bộ máy CNTT. Như vậy thông tin lúc này không chỉ là lợi thế cạnh tranh tức thời trên các thương trường mà là cả chiến lược lâu dài, từ đầu tư vào cái gì, ở đâu đến áp dụng công nghệ nào. Chính nhờ vai trò của CIO mà sự chuyển hóa thông tin thành tri thức trở nên rõ nét, tạo thành công cụ đỉnh cao cho việc phát triển doanh nghiệp và thăng tiến con người. Tại Việt Nam, khi doanh nghiệp hướng tới kinh tế tri thức thì đặc trưng trong công tác điều hành và quản trị doanh nghiệp là sự phối hợp giữa năng lực cạnh tranh cao và xu hướng phát triển bền vững. Với chức năng khai thác thông tin và quản lý bộ máy CNTT doanh nghiệp, các CIO tại Việt Nam sẽ ngày càng nổi lên trong vai trò lãnh đạo chương trình phát triển bền vững gồm nhiều nội dung. Thứ nhất, họ giúp xây dựng chiến lược điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp theo những quy định mới về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và các dạng năng lượng. Thứ hai, họ đóng vai trò truyền thông tương tác để cổ đông, nhân viên và đối tác chấp nhận chiến lược mới, trên cơ sở phân tích lợi nhuận trong mối tương quan với rủi ro môi trường. Bên cạnh đó, họ giúp tạo nên giá trị doanh nghiệp mới bằng tiết kiệm thông qua việc sử dụng mạng lưới CNTT thay cho hoạt động truyền thống. Cuối cùng, họ là những nhân tố chủ lực trong việc biến các thông tin thành tri thức sáng tạo có tính cạnh tranh cao trước các đối thủ và trước ba áp lực tài nguyên cạn kiệt, dân số gia tăng và khí hậu biến đổi thất thường.
(Theo Hoàng Xuân Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com